Biên chế nhà nước dường như là sản phẩm của xã hội kế hoạch hóa tập trung và ở thời đại hiện nay không còn phù hợp, thậm chí còn nặng nề, ù lì như một vật cản đường kiên cố, kéo tụt sự phát triển của xã hội.
Dù biết rằng còn duy trì biên chế suốt đời cũng có nghĩa là vẫn đang chấp nhận sự lạc hậu trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng làm thế nào để giữ được công bằng xã hội, không ảnh hưởng đến đời sống của người lao động là vấn đề khó.
Đại tá nhà văn - Sương Nguyệt Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá nhà văn - Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Biên chế nhà nước thường là một vị trí công việc, được hành nghề lâu dài, có thể kéo dài đến lúc về hưu. Biên chế nhà nước được quy hoạch số lượng cùng các chức danh trong bộ máy công chức, viên chức và được nhà nước trả lương.
Sau khi thi công chức, viên chức, họ được hưởng quyền lợi, chế độ đãi ngộ do ngân sách nhà nước cấp, nhưng nhân viên hợp đồng thì không.
Người lao động theo chế độ hợp đồng thì chỉ làm việc theo thời hạn, làm hay nghỉ là do nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp.
Biên chế công chức, viên chức suốt đời có ưu điểm là người lao động được sống và làm việc trong môi trường ổn định, chắc chân. Tâm lý nghề nghiệp an tâm, nỗi phấp phỏng lo hãi bị đuổi việc hầu như không xảy ra.
Cán bộ, nhân viên dù năng lực yếu kém, nhưng cũng không đuổi việc, vì tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động một nơi, mà trả lương lại ở nơi khác.
Chỉ có thể cơ cấu lại, sắp xếp lại và điều động luân chuyển, hoặc dồn toa đến vào một nơi làm chính sách, chờ để nhận sổ hưu, hay chế độ mất sức.
Tính lâu dài vững bền làm nên giá trị của biên chế nhà nước suốt đời ít nhiều cũng tạo ra tâm lý ổn định, dù hoàn cảnh nền kinh tế nghèo nàn, bấp bênh loay hoay tìm đường phát triển. Vì vậy, biên chế nhà nước suốt đời có thể vạn người muốn, chỉ một người không.
Biên chế suốt đời cũng có những hạn chế, khiếm khuyết trầm trọng. Có một xuất biên chế rồi là chắc chân, không ai đuổi việc được, nếu không vi phạm kỉ luật. Rồi từ đó xuất hiện tâm lý thỏa mãn, làm việc cầm chừng theo kiểu 'sáng cắp ô đi, tối cắp về", hành xử theo kiểu 'cha chung không ai khóc' diễn ra phổ biến".
Ông Dương Trung Quốc: Nuôi công chức như hiện nay không tiêu cực mới là lạ |
"Hai bên" cùng có lợi
Khi có "biên chế suốt đời" thì nhà nước dần dần trở thành nơi chứa một lực lượng lao động rất lớn.
Tâm lý tôn thờ, lý tưởng hóa và thỏa mãn biên chế nhà nước được hình thành từ sức ép căng thẳng của thiếu việc làm.
Cơ chế xin - cho lúc tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển hình thành từ lúc nào cũng không biết.
Ông sếp kia dành xuất biên chế cho con ông sếp này, thì ông này lại nhận con hoặc cháu ông kia vào một vị trí biên chế.
“sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động; thao túng công tác cán bộ, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển”... đều liên quan đến công tác tổ chức, biên chế.
Quy luật cung cầu khiến người ta nhận ra sự mất cân đối nghiêm trọng của việc làm. Lực lượng lao động thì dồi dào, phong phú, nhưng khu vực kinh tế, sản xuất, dịch vụ của nhà nước và khu vực tư nhân không đáp ứng được, người lao động bị thừa ra nhiều.
Biên chế hành chính chịu sức nặng của người nhà, người thân, “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, tình thân và tiền bạc chen vào tuyển dụng.
Gánh nặng của biên chế
Ông Minh nêu quan điểm: “Gánh nặng của nền kinh tế là biên chế nhà nước quá nhiều, cồng kềnh và kém hiệu quả. Người lao động hưởng lương từ ngân sách, dù là đồng lương rẻ mạt, èo uột vẫn cố bám vào biên chế, năng suất lao động rất thấp.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi tin có một nguyên nhân quan trọng, là vì hiện có quá nhiều người ăn lương ngân sách, quá nhiều người bám vào biên chế, chấp nhận mức lương èo uột không đủ sống, nhưng lại coi mình là thành đạt, thành công.
Ngân sách nhà nước phải gánh lương biên chế suốt đời mà không hiệu quả, gây lãng phí. Cùng một cơ quan, nhưng người trong biên chế cũng lườm nguýt, coi thường người làm hợp đồng.
Biên chế nhà nước suốt đời đang diễn biến xấu với nền kinh tế mà còn tác động đến cả văn hóa, xã hội.
Nghịch lý xã hội đã và đang diễn ra: “Ai cũng có việc nhưng không ai làm việc, không ai làm việc nhưng ai cũng có lương; ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống; không ai đủ sống nhưng ai cũng sống; ai cũng sống nhưng không ai hài lòng; không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý?”
Gánh nặng của nền kinh tế là biên chế nhà nước quá nhiều, cồng kềnh và kém hiệu quả. Ảnh minh họa: vov. |
Ai cũng có chỗ ngồi, ai cũng có một nghề lao động, nhưng không ai làm việc là vì... biên chế.
Không làm việc, vẫn lĩnh lương lĩnh thưởng cũng vì biên chế. Lương ba cọc ba đồng, không đủ sống nên làm việc hời hợt, chiếu lệ hoặc không làm việc”.
Lương thấp, chỉ có bằng ấy, không dại gì đi sớm về muộn, và dĩ nhiên... chỉ làm có thế. Chỉ làm có thể vì không vừa lòng với đồng lương, với chế độ đãi ngộ, nhưng vẫn chấp nhận.
Nếu không chấp nhận thì sẽ bị cắt mất biên chế, thành người thất nghiệp. Trọn một vòng loanh quanh, mòn mỏi, luẩn quẩn với biên chế suốt đời.
Lo lắng không ổn định. Lo lắng sẽ mất việc làm. Lo lắng mỗi lần ký hợp đồng là một lần “chạy”. “Chạy” do tiêu cực mà ra, tiêu cực do “chạy” mà đến. Thế mới biết biên chế nhà nước suốt đời đã ăn vào máu, đã thành thói quen cố hữu ghê gớm đến mức nào”, ông Minh nói.
Nên bỏ biên chế
Bỏ biên chế nhà nước suốt đời là chủ trương được khẳng định trong Nghị quyết 26 của Trung ương 7 khoá 12.
Theo đó, chuyển chế độ lao động dài hạn thành ngắn hạn. Cần khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thời đại, dù có muộn vẫn hơn không.
Nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bị trầm cảm khi tương lai vô định |
Ông Minh chia sẻ: “Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt về tâm lý, nếu không có các bước đi phù hợp, không theo dõi giám sát, kiểm tra thì rất dễ xảy ra tình trạng: Chủ trương đúng, và tốt không trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, gây thêm các điều hệ lụy khác.
Trước hết, phải nhận thức là làm gì cũng phải hướng đến người lao động, bảo vệ người lao động, cần thực hiện tốt chế định bộ luật Lao động về bảo vệ sự yếu thế của người lao động trước giới chủ.
Phải loại bỏ ngay tình trạng tiêu cực khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động ngắn hạn thay cho biên chế suốt đời và hợp đồng dài hạn.
Yên tâm sao được, nếu cứ ba năm, thậm chí một năm xem xét hợp đồng, ký lại một lần. Tâm lý lo lắng bị sa thải bất cứ lúc nào.
Ưu tư công việc có cần mình không, cơ quan doanh nghiệp có cần mình không? Có nhân cơ hội này để tống mình đi để tuyển người khác không? Bất an từ đây mà ra.
Nếu là giới chủ tư nhân thì việc người lao động ở hay đi quyết định đến túi tiền của họ vơi hay đầy. Không ai dại đuổi người làm tốt lấy người mới lóng ngóng chưa thao việc.
Nhưng, nhà nước thì khác. Ông sếp chỉ là người thay mặt nhà nước tuyển người và kí hợp đồng và quản lý lao động. Ông sếp càng không phải là người trả lương mà... nhà nước trả lương cho người lao động.
Nhận con ông cháu cha, nhận người yếu kém, hay sa thải người lao động giỏi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến túi tiền của ông sếp. Cơ hội. Lợi dụng. Tiêu cực... rất dễ xảy ra.
Cái gì cũng có tính hai mặt! Cho nên, “chạy” biên chế suốt đời đã từng mất tiền, thì mỗi lần kí lại hợp đồng lao động ngắn hạn lại phải “chạy”... cũng là một cảnh báo”.