Ông Tập Cận Bình, ảnh: Kuo Chee Siong. |
Tờ The Wall Street Journal ngày 4/5 đăng bài phân tích của ông Michael Mazza từ Viện Doanh nghiệp Mỹ bình luận, mất đoàn kết ở châu Á là một cơ hội tốt cho Trung Quốc. Khu vực này cần một đối trọng mạnh mẽ với Bắc Kinh.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã tuyên bố ông sẽ thúc đẩy một tuyên bố chung của khối lên án các mối đe dọa từ hành động xây dựng cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Cuối cùng ông đã không thành công.
Các thành viên ASEAN nhất trí rằng: "Chúng tôi chia sẻ những mối quan ngại nghiêm trọng thể hiện bởi một số nhà lãnh đạo về việc xây dựng cải tạo được thực hiện ở Biển Đông, Nó đã làm xói mòn lòng tin, sự tự tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định". Những ngôn từ này không lên án, thậm chí không dám chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy không có bất kỳ mặt trận thống nhất nào giữa 10 nước thành viên ASEAN.
ASEAN tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ DOC, nhưng không nói gì khi Bắc Kinh chỉ giả vờ tuân thủ. Kêu gọi lặp đi lặp lại của ASEAN càng chứng minh sự vô ích của nó, đồng thời cho thấy khối không có khả năng đoàn kết lại trong cách tiếp cận với những thách thức.
Với một tổ chức mà hoạt động dựa trên sự đồng thuận như ASEAN, Bắc Kinh cố ý chia rẽ và thúc đẩy sự mất đoàn kết nội bộ khối thông qua cưỡng ép kinh tế và các phương tiện khác là một vấn đề đang đặt ra.
Tất nhiên về mặt ngoại giao Trung Quốc gần như lập tức tỏ ra "phẫn nộ" vì ASEAN "dám" ra bất kỳ tuyên bố nào về Biển Đông. Nhưng trong thâm tâm cá nhân ông chủ Trung Nam Hải lại đang sung sướng với thành quả (chia rẽ ASEAN) của Trung Quốc.
Ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Malaysia đã giải thích với các đồng nghiệp: "Chúng ta phải tránh bất kỳ hành động nào sẽ phản tác dụng, làm chúng ta xa nhau, hoặc giữa chính chúng ta, hoặc với Trung Quốc"?!
Sân bay quân sự bất hợp pháp Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập đã gần hoàn thành mà không vấp phải phản ứng nào đáng kể. Tập Cận Bình tự tin tiếp tục thúc đẩy chiến lược bành trướng Biển Đông. |
Câu chuyện ngoại giao ở Mỹ có hơi hướng tích cực hơn khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên phát biểu trước một cuộc họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ. Ông Abe tỏ ra ăn năn chân thành về cái chết của những người Mỹ trong Thế chiến II, đồng thời thừa nhận hành vi chiến tranh của Nhật Bản cũng đã gây đau khổ cho các quốc gia châu Á. Thủ tướng Nhật khẳng định: "Chúng tôi không né tránh đối diện với vấn đề đó".
Một số nhà quan sát thất vọng về việc Thủ tướng Nhật Bản không đưa ra một lời xin lỗi đầy đủ cho hành vi của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản thủa trước, lịch sử vẫn là một khoảng cách quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, và ông Shinzo Abe không có ý định sẽ làm hài lòng Bắc Kinh.
Trong khi đó đại bộ phận còn lại của châu Á ít quan tâm đến cách tiếp cận của Nhật Bản về quá khứ so với việc hiện tại Tokyo sẽ cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh như thế nào.
Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của hướng dẫn quốc phòng phiên bản mới của liên minh, nguyên tắc này sẽ cho phép Nhật Bản đóng góp tích cực hơn đối với an ninh châu Á. Tokyo đang xem xét tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông và đã giúp Philippines nâng cấp khả năng phòng thủ trên biển. Hai nhà lãnh đạo cũng công bố sự tiến bộ trong đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ nghĩ gì về các hoạt động ngoại giao này? Ông ta có thể sẽ cảm thấy đã thành công trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu các thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động khai hoang của Trung Quốc ở Biển Đông tại diễn đàn ASEAN.
Trong khi đó, có thể Tập Cận Bình cảm thấy bối rối trước sự tăng cường của liên minh Mỹ - Nhật và các tiếp cận nghiêng về an ninh khu vực của Tokyo. Ông cũng không chào đón những tiến bộ về TPP, bởi nó không có lợi cho một trật tự khu vực nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc.
Mặc dù vậy Tập Cận Bình sẽ vẫn tin tưởng khi chứng kiến một loạt đồng minh lớn của Hoa Kỳ từ Anh đến Hàn Quốc bỏ qua yêu cầu của Mỹ để xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á AIIB.
Đặc biệt là việc Mỹ không có phản ứng nào có ý nghĩa đối với chiến dịch xây dựng pháo đài quân sự (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi hướng dẫn quốc phòng Mỹ - Nhật mới và một thỏa thuận thương mại (TPP) vẫn chưa hoàn thành, nên không có gì làm thay đổi hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).