Biệt tài "lột xác" không thể giúp "sát thủ đất Cảng" thoát mắt công an

16/02/2012 10:12
Văn Minh-Minh Anh/PL&TĐ
Tự tin vào biệt tài hóa trang tài tình đến mức người thân cũng không nhận ra Khanh điềm nhiên ngày ngày lượn qua lượn lại trên đường trước mũi cảnh sát điều tra


Cứ tưởng đã 7 năm sống đàng hoàng, không ai phát hiện ra thì mình sẽ thoát khỏi vòng lao lý, thế nhưng Vũ Bá Khanh (SN 1970, ngụ phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng) đã nhầm. Giờ đây khi nằm trong phòng biệt giam, đêm đêm sợ hãi với ngày thi hành án đến không biết lúc nào, tử tù này mới ân hận về cuộc đời “ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà” của mình.
Những giọt nước mắt muộn màng của tử tù Vũ Bá Khanh khi giờ đây nằm trong khu biệt giam chờ ngày thi hành án
Những giọt nước mắt muộn màng của tử tù Vũ Bá Khanh khi giờ đây nằm trong khu biệt giam chờ ngày thi hành án
Quá khứ “tối mịt”

Chẳng hiểu có bị ảnh hưởng lối sống của những tay “anh chị” “giang hồ đất Cảng” ngày xưa hay không mà từ thời thanh thiếu niên, Khanh đã tỏ ra côn đồ hung hãn thấy rõ, năm 19 tuổi đã biết “dự trữ”… lựu đạn trong nhà. Lần đầu tiên vào tù vì tội giết người của Khanh cũng bắt nguồn từ thói côn đồ “muốn giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm” này.

Ấy là vào đầu năm 1989, do đường điện dẫn vào khu dân cư nơi gia đình Khanh ở thường hay bị chập chờn, cứ thi thoảng nhà này lại chạy ra sửa, nhà kia lại chạy ra chọc ngoáy dẫn tới cứ nhà này có điện thì nhà khác tối om. Một lần thấy người thanh niên hàng xóm ra sửa điện, bố Khanh liền chạy ra nhắc nhở phải sửa cẩn thận. Ai ngờ gặp phải gã thanh niên hỗn hào, đã không nghe lời lại còn chửi bới và đánh lại ông lão.

Thấy bố bị hành hung, Khanh chạy ra can ngăn, hai bên to tiếng rồi ẩu đả. Trong cơn tức giận Khanh nhớ tới “bảo bối” đang giữ nên lao về nhà vác lựu đạn ra, rút kíp ném thẳng cánh về phía gia đình hàng xóm. Trái lựu đạn phát nổ khiến cả xóm chết khiếp, may mắn là mọi người chỉ bị thương chứ không có ai bị thiệt mạng trong vụ này.

Cuối năm 1989, Vũ Bá Khanh bị Tòa án nhân dân thành phố xử phạt 12 năm tù về tội “giết người” và một năm tù về tội “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Sau hơn chục năm trời cải tạo giáo dục ở trại giam Nam Hà, tháng 6/2001 cánh cửa tù chính thức khép lại phía sau lưng Khanh, mở ra trước mắt là tương lai và những cơ hội để hắn có thể làm lại cuộc đời từ đầu.

Sau những ngày tháng “ăn cơm tù mặc áo số” trở về hòa nhập với xã hội cộng đồng, thấy Khanh đi xin làm bảo vệ cho một công ty gần nhà rồi còn lấy vợ và tỏ ra chỉn chu muốn làm một người lương thiện, mọi người trong nhà và người dân xóm phố ai cũng lấy làm vui khi thấy Khanh ăn năn hối cải. Thế nhưng niềm vui ấy chưa được vẹn tròn thì gã lại phạm tiếp một sai lầm nữa và lần này “số phận” sẽ không còn mỉm cười với Khanh như lần phạm tội trước.

“Anh hùng rơm” đất Cảng “quyết đấu”

Hơn một năm sau ngày ra tù, vào một ngày đầu tháng 12/2002 sau khi ăn cơm uống rượu no say ở nhà một người quen cùng khu, do bí tiền tiêu nên Khanh liền mang chiếc xe đạp của mình ra quán cầm đồ để cầm lấy 50 ngàn đồng. Lúc này, tại quán cầm đồ còn có một thiếu nữ là nhân viên quán gội đầu bên cạnh đó cũng sang chơi.

Sẵn có hơi men trong người, lại thêm quan niệm sai lầm rằng cô gái nào làm ở quán cầm đồ cũng là dạng người “thích thì mời lên giường” nên Khanh liền buông lời trêu ghẹo. Trêu phải đối tượng chanh chua nên thiếu nữ này chua ngoa chửi bới lại, máu côn đồ nổi lên khiến Khanh lao đến đánh cô gái: “Đồ dở người. Mày có ra gì đâu? Trêu đùa một vài câu sao lại chửi tao như thế”.

Cuộc ẩu đả được mọi người can thiệp nên không có hậu quả xảy ra nhưng cô gái gội đầu cắt tóc cũng tỏ ra quá quắt khi chạy về quán gọi bạn trai là một thanh niên sinh năm 1975 sang “xử cho nó một trận”. Thấy bạn trai của cô gái sang tìm, Khanh liền bỏ đi và “thách đấu”: “Chờ lát nữa tao quay lại “nói chuyện””.

Vụ việc trở thành to chuyện chỉ vì một câu trêu đùa cộng với chất “anh hùng rơm” của các côn đồ đất Cảng. Giữ đúng lời “thách đấu”, ít phút sau Khanh quay lại, trong khi bạn trai của cô gái bị chọc ghẹo cũng đang ngồi chờ đợi. Khanh không quay lại để “nói chuyện” thông thường, mà giấu sau lưng một con dao quắm. Vừa thấy “đối thủ”, Khanh liền vung dao lên định cướp mạng nhưng nạn nhân đã kịp thời né được.

Oái oăm thay nhát dao thủ ác đó lại trúng vào lưng của một cô gái là nhân viên của quán đang nằm ngủ ở gần đó. Dính nhát sao chí tử, nạn nhân choàng tỉnh dậy, vội vàng chạy ra ngoài gọi một người hàng xóm đến can ngăn nhưng không thể ngăn cản nổi “cơn điên” của hắn khi ấy. Không chỉ tấn công những người hàng xóm đến can thiệp, Khanh tiếp tục chạy ra ngoài truy sát đối thủ.

Hắn điềm nhiên xách dao rời quán sau khi anh chàng “bảo vệ người yêu” ôm bụng nằm gục dưới sàn quán gội đầu. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó.

Sém “qua mặt” công an

Nhận được nguồn tin trình báo của người dân, công an quận Lê Chân và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, nay là PC45) Công an thành phố Hải Phòng đã có mặt tại nơi xảy ra vụ án để khám nghiệm hiện trường. Lúc ấy mọi người còn chưa biết chính xác hung thủ là ai nên công an khoanh vùng các đối tượng cộm cán trong vùng và khu vực lân cận, cho các nhân chứng nhận mặt ảnh của các đối tượng.

Quá trình nhận diện các nhân chứng đều xác định hung thủ chính là Vũ Bá Khanh, tìm đến nhà nghi can thì được biết Khanh đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã.

Đến bây giờ, sau 10 năm xảy ra sự việc Khanh vẫn nhớ như in cái ngày bắt đầu chuỗi ngày trốn tránh chui lủi của mình. Gã vừa kể vừa biện minh: “Do lúc đó vợ mới cưới của tôi đang mang thai đứa con đầu lòng, thời điểm đó cái thai đã ở tháng thứ 8. Hơn nữa gia đình tôi lại có hoàn cảnh khó khăn, mẹ của tôi lại không quan tâm, thậm chí còn không đoái hoài đến vợ tôi vì trước đó chúng tôi không đăng ký kết hôn. Sợ bị bắt thì vợ con tôi không có ai nuôi dưỡng nên tôi đành phải bỏ trốn để đi làm thuê, lấy tiền nuôi vợ con chứ không dám ra đầu thú để bỏ vợ một mình “thân cò” nuôi con”.

Những ngày đầu lẩn tránh pháp luật, Khanh trốn lên Lạng Sơn làm “cửu vạn” bốc hàng thuê kiếm tiền. Một năm sau đó qua những nguồn tin dò hỏi được từ người quen, thấy dư luận có phần lắng dịu nên Khanh tìm cách mò về nhà thăm vợ và đứa con gái mới ra đời vào tháng 1/ 2003. Thậm chí cũng nhân dịp về thăm nhà này, Khanh và vợ còn kịp thời sinh được một đứa con trai nữa vào năm 2004.

Sau những cuộc thăm vợ lén lút, do sợ bị bắt nên Khanh tiếp tục bỏ trốn vào một ngôi chùa ở Huế, rồi vào Tp. Hồ Chí Minh tẩy nốt ruồi, sẹo… cùng những đặc điểm dễ nhận dạng nhằm “lột xác”, trốn tránh sự truy nã của công an. Biệt tài thay hình đổi dạng của Khanh hiệu quả đến mức ngay cả họ hàng của Khanh sau đó cũng không nhận ra đó là con cháu của mình.

Tự tin vào biệt tài của mình, Khanh quay trở lại thuê nhà ở phường Đình Đông (quận Lê Chân) sống đàng hoàng suốt nhiều năm trời, hàng ngày lượn qua lượn lại trên đường phố nhưng chẳng ai phát hiện ra hắn chính là đối tượng giang hồ khét tiếng đất Cảng “điên là chiến”.

Sự tự tin thái quá này đã vạch mặt y. Dù có hóa trang giỏi đến đâu thì vẫn không thể thay đổi được dáng hình, điệu bộ; hơn thế hắn lại thường hay về thăm vợ con công khai nên mọi người sinh nghi, thấy hắn na ná hình dạng “thằng Khanh giết người ngày trước đang bị truy nã”. Sự việc được trình báo lên cơ quan công an.

Khanh thay hình đổi giạng giỏi đến mức đến công an cũng còn ngờ ngợ. “Nhận được tin báo của người dân, thoạt đầu tiếp cận với đối tượng, chúng tôi còn không khỏi bỡ ngỡ bởi Khanh mới gây án cách đó cách đó có vài năm mà trông hắn thay đổi quá nhiều, khác xa so với ảnh đối tượng và sự hình dung của anh em”, một trinh sát truy nã của công an quận Lê Chân kể lại.

Để xác định chắc chắn được kẻ tình nghi kia và Khanh chính là một mà lại không bị “động”, bằng những biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong một thời gian ngắn dấu vân tay của Khanh đã được các trinh sát tiếp cận thu thập được. Quá trình giám định cơ quan công an đã xác định được quả nhiên kẻ tình nghi kia chính là Khanh, đồng thời phương án bắt giữ cũng được lên kế hoạch.

Sau khi lên kế hoạch cụ thể xác định rõ thời gian, địa điểm mà Khanh thường hay lui tới và về thăm vợ con, sáng ngày 19/2/2009 Khanh đã bị bắt giữ khi đang trên đường đưa đứa con gái đầu đi học, kết thúc bảy năm trốn truy nã ngoạn mục. Với những tội ác mà Khanh đã gây nên cộng với bản án “giết người” cũ vẫn chưa được xóa án tích, cuối năm 2009 Tòa án nhân dân thành phố đã xử phạt Vũ Bá Khanh mức án tử hình về tội “giết người” với tình tiết “có tính chất côn đồ” và “tái phạm nguy hiểm”.

Nước mắt muộn màng

Gặp Vũ Bá Khanh sau 3 năm trời nằm trong phòng biệt giam tại Trại tạm giam Trần Phú (Công an Hải Phòng) kể từ ngày bị tuyên án, Khanh cho biết từ khi bị kết án tử hình ngày nào gã cũng sống trong nỗi sợ hãi sẽ phải “ra đi” bất kể khi nào.

Đến bây giờ Khanh mới thực sự cảm thấy tiếc cuộc đời và điều đau đớn nhất là hai đứa con sẽ mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy bố nó trở về. Khanh cho biết nhà mình có tới sáu anh em nhưng kể từ khi Khanh vào “khám” thì bố cùng với người anh và em của Khanh đã mất, nhưng gã cũng không được một lần dự đám tang của một ai. Cũng không trách ai được vì tự hắn đã đánh mất cuộc đời mình bằng những hành động “đậm đặc” chất ngông cuồng rồ dại của giang hồ Hải Phòng.

Nhớ nhất là những đứa con. Giờ Khanh có lúc lại thấy tiếc vì nếu biết đâu ngày ấy không trốn truy nã mà ra đầu thú ngay, thì có khi hắn còn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật cho một con đường sống. Sau khi Khanh bị bắt, một mình vợ gã phải kiếm tiền làm lụng nuôi hai đứa con.

May mắn là dù “không có thời gian để bảo ban chúng học hành nên chúng toàn phải tự học lấy nhưng năm nào cũng được giấy khen là học sinh giỏi” như lời người cha này khoe. Năm tháng trôi qua, những đứa trẻ đã dần khôn lớn và cũng dần nhận biết được chúng chỉ có vòng tay của mẹ mà luôn thiếu vắng đi hơi ấm của cha.

Trước những câu hỏi ngô nghê của hai đứa con rằng cha của chúng đi đâu mà không thấy về, người vợ chỉ còn biết nén lòng mang ảnh chồng ra chỉ cho con xem mặt rồi nói dối là cha đi làm ít nữa sẽ về. Tất cả tình yêu, nỗi nhớ, những câu hỏi ngô nghê của hai đứa trẻ về ba nó chỉ được viết lên qua từng những nét chữ trong trang thư được mẹ chúng gửi vào cho Khanh.

Chúng không hề biết người cha một thời lỗi lầm của chúng bị án tử, nay đêm đêm chờ đợi ngày tử thần ghé thăm. Ân hận muộn màng, cứ nhớ đến con là Khanh lại khóc.

Đau hơn nữa khi sau này Khanh quyết định nhắn vợ đưa con mình vào thăm. Tâm hồn non nớt của những đứa trẻ không biết trại giam khác như thế nào, không biết cha mình đang chờ chết. Cứ mỗi lần hai đứa bé đến thăm, chúng lại khoe với cha là được học sinh giỏi, được điểm 10, được thầy cô khen… sau đó cứ nhắc đi nhắc lại những câu hỏi: “Bố làm gì ở đây mà lâu thế? Sao không về với chúng con? Sao chẳng bao giờ con được bố đưa đi học như các bạn cả?”… “Thấy chúng ngoan ngoãn, dần lớn khôn mà lòng tôi đau như cắt, chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong… tiếc cho cuộc đời quá!”, Khanh sụt sùi tâm sự.

Sau khi phải nhận bản án tử hình ở phiên tòa sơ thẩm, Vũ Bá Khanh làm đơn kháng cáo xin giảm án nhưng yêu cầu này đã không được phiên tòa phúc thẩm chấp nhận. Giờ đây hy vọng mong manh cuối cùng của Khanh là được Chủ tịch nước cho hưởng ân xá tha tội chết, thế nhưng đó cũng là một hy vọng vô cùng mong manh bởi vì hiện ở Trại tạm giam Trần Phú có tới 9 tử tù thì cả 9 đều làm đơn ăn năn hối lỗi và mong ước mình sẽ được sống.

Giá như trước đây Khanh biết quý mến cuộc sống hơn, không một phút “nổi điên” thì giờ này sẽ không phải chờ “canh bạc của số phận” như thế. “Anh hùng rơm” đất Cảng là thế – cháy cũng nhanh mà lụi tàn cũng nhanh.
Văn Minh-Minh Anh/PL&TĐ