Song hành cùng với sách giáo khoa là sách bổ trợ và sách tham khảo được nhiều trường học chào bán công khai cho phụ huynh học sinh, nhất là đối với học sinh ở cấp tiểu học.
Trước tình trạng này, Bộ ra văn bản cấm nhà trường ép phụ huynh mua sách tham khảo, lãnh đạo ngành nói các trường không được ép phụ huynh mua sách tham khảo…
Vậy, sách bổ trợ thì sao, lẽ nào sách bổ trợ được quyền bán cho phụ huynh?
Khái niệm sách bổ trợ, sách tham khảo vẫn đang là kẽ hở trong quản lý và với cách hướng dẫn hiện nay thì sách bổ trợ vẫn được phép bán bởi nó không nằm trong danh mục…cấm bán trong nhà trường!
Sách bài tập (bổ trợ) thường là của các tác giả sách giáo khoa viết, biên soạn (Ảnh: Nhật Duy) |
Thực ra hai loại sách này hoàn toàn khác nhau nhưng không phải ai cũng rạch ròi về tên gọi nên có nhiều người vẫn lẫn lộn giữa hai loại sách này là một. Và thực tế, mấy năm nay thì đầu năm học nào cũng có những ý kiến về vấn đề này nhưng hình như nó vẫn chưa có hồi kết thúc.
Vấn đề này, không chỉ gây tranh cãi mạnh mẽ sau khi Bộ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới vào lớp 1 ở năm học này mà nếu không cụ thể hóa sách nào cấm, sách nào không cấm thì các năm sau vẫn cứ xảy ra tình trạng tương tự.
Vậy sách bổ trợ và sách tham khảo khác nhau như thế nào?
Thực ra, để có một khái niệm rõ ràng cho 2 loại sách này hiện nay chưa thấy văn bản nào hướng dẫn cụ thể.
Nhưng từ thực tế giảng dạy, chúng tôi rút ra rằng sách bổ trợ là những loại sách bài tập, nội dung sách bài tập này bám sát với nội dung sách giáo khoa.
Đa phần sách bài tập này đều do các tác giả viết sách giáo khoa đảm nhận luôn khâu viết hoặc biên soạn. Bên cạnh sách bài tập thì có một số cuốn vở luyện chữ, vở chính tả đi kèm.
Và, suốt mấy chục năm qua thì sách bổ trợ này đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in ấn, phát hành và thông thường thì sách bổ trợ rẻ hơn sách tham khảo rất nhiều.
Sách tham khảo cũng bám vào nội dung sách giáo khoa nhưng có nhiều dạng bài tập, chủ đề bài tập, bài thi hơn và cách viết không quá lệ thuộc vào thứ tự bài tập, câu hỏi theo sách giáo khoa.
Đặc biệt, là nội dung sách tham khảo thường có nhiều dạng đề nâng cao, mở rộng nên sách này thường bán cho học sinh khá giỏi và những học sinh luyện thi cuối cấp hay các kỳ thi học sinh giỏi.
Một điểm khác biệt cơ bản nhất là các tác giả, các nhà biên soạn sách tham khảo thường không phải là tác giả viết sách giáo khoa. Họ là những chuyên gia, những nhà giáo dạy môn chuyên ngành đó viết hoặc biên soạn nên.
Chính vì thế, sách tham khảo phần lớn là của các Nhà xuất bản khác, không phải Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản nên thông thường có giá cả cao hơn.
Có lẽ vì sản phẩm của họ bán cho học trò không nhiều như của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...
Như vậy, chúng ta thấy rõ là sách bổ trợ thường là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (sách giáo khoa năm 2000) và chương trình mới thì có thêm sách bổ trợ của bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Sư phạm và Nhà xuất bản Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp phát hành.
Sách tham khảo thì phần lớn là do nhiều Nhà xuất bản khác in ấn, phát hành và sách này mới là sách mà Bộ…cấm nhà trường ép phụ huynh mua dưới mọi hình thức.
Các năm tới đây sách bổ trợ vẫn sẽ được bán như thường
Những năm qua, một số sách giáo khoa được thiết kế cho học sinh viết trực tiếp trên sách bị xã hội lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì mọi người cho rằng lãng phí.
Vậy nên, để “chiều ý” dư luận thì sách giáo khoa lớp 1 năm nay môn nào cũng được các nhà xuất bản thiết kế thêm…sách bổ trợ (tên gọi thay cho sách bài tập lâu nay).
Có nghĩa là mục đích chính của các nhà xuất bản không thay đổi vì viết trên sách giáo khoa hay sách bổ trợ thì vẫn có sản phẩm dùng hết học kỳ rồi vứt bỏ.
Thậm chí khi biên soạn, phát hành đồng loạt tất cả sách bổ trợ cho các môn thì họ còn bán được nhiều sản phẩm hơn bởi thực tế bây giờ cũng không nhiều phụ huynh cho con mượn lại sách giáo khoa để học.
Trong khi, các văn bản hướng dẫn từ đầu năm học này đến nay của Bộ cũng chỉ cấm sách tham khảo, không hề có văn bản nào đề cập đến cấm bán sách bổ trợ.
Vì thế, không chỉ lớp 1 năm nay mà từ sách lớp 2, lớp 6 của năm tới và các lớp còn lại thì sách bổ trợ vẫn có thể được bán công khai tại các nhà trường vì nó không nằm trong danh mục…cấm.
Việc bán sách bài tập, sách tham khảo trong nhà trường nhiều năm qua chắc Bộ đều biết vì năm nào báo chí cũng nói và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhưng, vì sao năm nào cũng tái diễn, lãnh đạo Bộ cũng đều phát biểu sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các nhà trường rồi năm nào lại cũng giống... năm nào.
Ngay như đầu năm học này, lãnh đạo Bộ phát biểu, văn bản Bộ ban hành đều nói nghiêm cấm nhà trường ép phụ huynh mua sách tham khảo, còn sách bổ trợ thì lại vẫn…chừa ra.
Vì thế, chuyện sách bổ trợ năm nay đến thời điểm này có thể đã có bản xong rồi nhưng sang năm học sau thì có lẽ dư luận lại có dịp nói tiếp vì mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi.