Loạn sách tham khảo trường học, Bộ đừng đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên

26/09/2020 06:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý, khắc phục giống như bác sĩ chẩn đúng bệnh sẽ giúp cho việc điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả hơn.

Bộ sách giáo khoa giá chưa tới 200 ngàn nhưng bị đẩy lên giá cao gấp vài ba lần. Nơi ít có giá một bộ sách khoảng năm, sáu trăm ngàn, nơi nhiều giá nhảy lên gần cả triệu đồng. Nguyên nhân đội giá bộ sách lên cao là do sự góp mặt của nhiều cuốn sách tham khảo.

Những cuốn sách tham khảo có mặt tại thư viện nhiều trường học để phục vụ việc dạy buổi 2 (Ảnh: Phan Tuyết)

Những cuốn sách tham khảo có mặt tại thư viện nhiều trường học để phục vụ việc dạy buổi 2 (Ảnh: Phan Tuyết)

Dư luận bức xúc vì nhiều phụ huynh bị mất tiền oan. Thay vì tìm ra nguyên nhân vì sao các trường lại nhất quyết bán sách tham khảo kèm với sách giáo khoa để có biện pháp xử lý triệt để, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng nguyên nhân loạn sách tham khảo là do nhiều giáo viên sử dụng nguồn tư liệu trong các sách tham khảo để dạy học, ôn luyện, ra đề kiểm tra, câu hỏi cho học sinh.

Theo lập luận của Bộ, điều này dẫn tới việc học sinh sẽ phải mua các sách tham khảo mà giáo viên sử dụng (có thể do giáo viên giới thiệu hoặc không giới thiệu nhưng biết giáo viên sử dụng nên mua).

Nếu giáo viên sử dụng nhiều sách tham khảo để dạy học, ra đề kiểm tra (mỗi sách một số bài) thì sẽ khiến cho học sinh phải mua nhiều sách tham khảo nhưng việc sử dụng không hiệu quả (do mỗi cuốn chỉ dùng một ít).[1]

Giáo viên chúng tôi không hưởng lợi lộc gì từ việc bán kèm sách tham khảo, vở bài tập trong trường học.

Nếu nói loạn sách tham khảo trong nhà trường là do giáo viên thì thật là bất công với chúng tôi.

Tại sao những điều tồn tại, bất cập cứ đổ hết lên đầu thầy cô? Là một người trực tiếp đứng lớp, người viết không thể chấp nhận nguyên nhân loạn sách tham khảo trong trường là do giáo viên như đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tôi, Phan Tuyết, giáo viên một trường tiểu học tại Bình Thuận đã chỉ ra những nguyên nhân căn bản để học sinh tiểu học phải cõng trên vai hơn hai mươi đầu sách trong đó 2/3 là sách tham khảo và vở bài tập sử dụng một lần rồi bỏ.

Thứ nhất, nhiều năm trở lại đây, ở các trường vẫn tồn tại hình thức bán sách độc quyền trong trường học mà đứng đằng sau là cấp phòng, cấp sở…nên học sách gì thường do bộ phận phụ trách chuyên môn của tỉnh (cụ thể là sở giáo dục) quy định.

Thứ hai, do món lợi nhuận khổng lồ từ việc bán sách tham khảo, vở bài tập sử dụng một lần (hoa hồng bán sách tham khảo luôn được chào giá từ 40% đến 50%). Bởi thế, nhiều trường học bất chấp sự phản ứng của dư luận dùng chiêu đưa phiếu về cho phụ huynh đăng ký mua sách.

Một hình thức tưởng như tự nguyện nhưng chính là sự bắt buộc ngầm vì phụ huynh nào cũng sợ con mình không mua sẽ không có sách học và không học theo được các bạn.

Cũng vì hoa hồng, nhiều cuốn sách tham khảo mua về nhưng chẳng bao giờ dùng đến vì học trên lớp đã kín thời gian mà về nhà nhiều phụ huynh lại không thể dạy con.

Thứ ba, tỉnh nào cũng biên soạn riêng bộ sách luyện chữ đẹp (người biên soạn gần như là chuyên viên, lãnh đạo các phòng ban của sở) và bắt buộc đưa sách vào bán trong trường học trong khi học sinh đã có vở tập viết theo chương trình của Bộ Giáo dục.

Thứ tư, tình trạng khan hiếm sách giáo khoa tại các nhà sách "không hiểu vì sao" thường xuyên xảy ra ngay trước thềm năm học mới khiến cha mẹ học sinh buộc phải quay trở lại trường đăng ký mua.

Mà muốn mua ở trường thì phải mua trọn bộ sách giáo khoa - sách bổ trợ (tham khảo) - vở bài tập dùng 1 lần - đồ dùng học tập. Nhà trường không bán lẻ.

Hơn nữa, không biết bằng cách nào những cuốn sách tham khảo/bổ trợ này đã có mặt đàng hoàng trên giá sách của trường để giáo viên tham khảo hoặc yêu cầu học sinh mua để phục vụ cho việc dạy và học chương trình buổi 2.

Thứ năm, công cụ ra đề thi - kiểm tra dựa vào sách tham khảo/bổ trợ chứ không phải sách giáo khoa.

Nhiều giáo viên buộc phải sử dụng nguồn tư liệu trong các sách tham khảo để dạy học, ôn luyện, ra đề kiểm tra, câu hỏi cho học sinh dẫn tới việc học sinh sẽ phải mua các sách tham khảo mà giáo viên sử dụng.

Thế nhưng nguyên nhân không thuộc về giáo viên mà do chương trình học (trong sách giáo khoa) và thi cử chênh lệch nhau một trời một vực. Nhiều người nói, học một đàng nhưng lại thi một nẻo.

Thí dụ ngay như học sinh tiểu học, việc quy định đề kiểm tra, đề thi trong Thông tư 22 theo 4 mức độ và nay là Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học từ 20/10/2020, đề kiểm tra đánh giá với 3 mức độ.

Muốn học sinh đạt được điểm giỏi, giáo viên phải dạy và ra đề nâng cao mà nguồn tư liệu luôn nằm ở những bộ sách tham khảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng loạn sách tham khảo trong trường học là do giáo viên theo tôi là một đánh giá phiến diện, không thấy được những nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp mà chúng tôi mới trình bày ở trên.

Thiết nghĩ nếu thực sự vì học sinh, vì giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng một hành lang pháp lý nghiêm cấm biến nhà trường thành đại lý trung gian của các nhà xuất bản, nói cách khác là không bán sách, vở, đồ dùng học tập trong trường học.

Đồng thời, cần nghiêm cấm các cơ quan quản lý giáo dục tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ có thu phí vào trường học, nghiêm cấm các cơ quan quản lý giáo dục tự ý đẻ thêm các học liệu ngoài sách giáo khoa (vở luyện chữ đẹp của sở, phòng hay vở in lô-gô của trường...).

Chỉ đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý, khắc phục giống như bác sĩ chẩn đúng bệnh sẽ giúp cho việc điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-neu-ly-do-thoi-gian-qua-hoc-sinh-phai-mua-nhieu-sach-tham-khao-post212566.gd[1]

Phan Tuyết