Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói khá nhiều về khoản vay 16 triệu USD để Bộ Giáo dục thực hiện viết 1 bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được.
Khoản tiền đó vay để viết sách mà sách không viết được thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ làm gì với khoản tiền này?
Điều mà nhiều người băn khoăn là tại sao chủ trương vay khoản tiền này để viết sách giáo khoa, khi không thực hiện được mà Bộ lại không chủ động từ chối khoản vay này để tránh nợ cho đất nước và cũng tránh đi những lời thị phi?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc RGEP chia sẻ về khoản tiền vay 16 triệu USD viết sách giáo khoa (Ảnh: Thùy Linh) |
Như chúng ta đã biết, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.
Trong số 80 triệu USD này, Bộ đã chủ trương dành 16 triệu USD để tổ chức biên soạn 1 bộ sách phổ thông như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản hoàn toàn vì trong tháng 5/2019 vừa qua thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với báo chí là không tuyển được nhân sự cho việc thực hiện bộ sách giáo khoa của Bộ.
Nguyên nhân là những chuyên gia, những người có kinh nghiệm, có khả năng biên soạn sách giáo khoa đã ký hợp đồng làm việc với các Nhà xuất bản từ khi chương trình môn học chưa được thông qua!
Bộ có bị động trong việc triển khai biên soạn bộ sách giáo khoa?
Suốt mấy năm qua, kể từ khi manh nha kế hoạch đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chúng tôi đã theo dõi và tiếp cận với rất nhiều văn bản, thông tin, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều lúc, chúng tôi cảm nhận thấy chưa có sự nhất quán trong các kế hoạch, lộ trình và phát biểu của một số lãnh đạo Bộ cũng không đồng nhất, thậm chí có cả sự thiếu minh bạch về những thông tin cần thiết.
Chẳng hạn khi dự thảo Chương trình môn học được công bố vào ngày 19/1/2018 và theo kế hoạch thì Bộ sẽ lấy ý kiến của dư luận là 2 tháng. Thế nhưng, mãi đến ngày 27/12/2018 thì Chương trình môn học chính thức mới được thông qua.
Khi chương trình môn học chính thức còn chưa thông qua thì thông tin đã có bộ sách giáo khoa đang được viết nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn nói rằng: “Hiện nay đang thẩm định (thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới).
Hơn 16 triệu USD làm sách giáo khoa tiêu vào những khoản gì? |
Về nguyên tắc, đang thẩm định thì chưa có gì mới. Chưa có gì mới thì ai nói ra bất cứ điều gì liên quan đến biên soạn sách giáo khoa là không đúng. Phải có căn cứ”.
Vậy nhưng, ngày 30/11/2019, trên Tạp chí Điện tử VietTimes đăng tải bài viết: “Có gì mới trong bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên?” thì giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là một trong các tác giả của bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã "bật mí" là bộ sách này đã được thực hiện cách nay là 2 năm.
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ thông qua thì có 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ còn lại được mang tên Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, xuất bản.
Điều thú vị nhất của bộ sách này được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết là có rất nhiều ưu điểm và được chuẩn bị rất chu đáo bởi đơn vị chủ quản của bộ sách này đã mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, có Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chủ biên Chương trình các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Địa lí, Hóa học, Khoa học tự nhiên, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, tham gia biên soạn.
Từ chia sẻ của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, dư luận sẽ đặt ra một câu hỏi: Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là của Bộ hay là của các Nhà xuất bản thực hiện và nó có mối quan hệ mật thiết như thế nào?
Bởi, riêng bộ sách giáo khoa mang tên “Cánh Diều” đã thu hút tới 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi đó, chương trình môn học chính thức thông qua ngày 27/12/2018 mà bộ sách Cánh Diều đã thực hiện cách đây 2 năm?
Và, câu chuyện 16 triệu USD làm sách giáo khoa
|
Trong những ngày qua, nhiều tờ báo đã xoáy vào số tiền 16 triệu USD để viết bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ chủ trì đã không thực hiện được thì dùng vào việc gì, sử dụng như thế nào?
Vấn đề này đã được báo Thanh niên dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho biết là sẽ sử dụng một phần vào biên soạn tài liệu tập huấn, thẩm định, thực nghiệm, viết sách song ngữ (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết), biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa điện tử…
Phần kinh phí còn lại, Bộ sẽ bàn bạc với Ngân hàng Thế giới tiến hành tái cấu trúc để sử dụng nguồn vốn này vào các cấu phần khác hướng tới mục đích đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Tuy nhiên, những việc chi cho phát sinh này lẽ nào Bộ lại không dự kiến, lên kế hoạch trước về kinh phí mà phải đợi đến khi kế hoạch viết sách giáo khoa không thành mới chuyển mục đích sử dụng 16 triệu USD này?
Nhìn lại kinh phí thực hiện bộ sách giáo khoa hiện hành, kinh phí thực hiện chương trình VNEN, chúng ta đã thấy nó quá tốn kém.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây Bộ không còn đóng vai trò biên soạn sách giáo khoa nữa thì tại sao kinh phí dự trù 16 triệu USD đó Bộ lại không trả lại cho Ngân hàng Thế giới? Bộ giữ lại làm gì để dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi hoài nghi về số tiền này?
Tài liệu tham khảo:
//viettimes.vn/co-gi-moi-trong-bo-sach-giao-khoa-xa-hoi-hoa-dau-tien-374214.html
//thanhnien.vn/giao-duc/khong-ra-duoc-bo-sgk-bo-gd-dt-dung-hon-16-trieu-usd-de-lam-gi-1153889.html