LTS: Thầy giáo Thanh An gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới trao đổi góc nhìn của thầy về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dư luận xã hội về dự thảo các chương trình môn học mới.
Tác giả cho rằng, việc chọn chiều muộn cuối tuần làm việc để công bố, chọn tháng Tết để xin ý kiến đóng góp đã hạn chế rất nhiều cho những ai quan tâm đến giáo dục, và tính hiệu quả sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.
Sau nhiều lần trì hoãn, chiều muộn 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo chương trình các môn học mới để lấy ý kiến đóng góp của công luận.
Trong 2 tháng kể từ đây, những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà sẽ có những đóng góp thiết thực cho chương trình môn học mới.
Thứ Sáu “tốt ngày”?
Có một điều khá thú vị mà chúng tôi nhận thấy về thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn để công bố chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngày 28/7/2017 chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và ngày 19/1/2018 công bố dự thảo chương trình các môn học mới đều là thứ Sáu, và thông tin được công bố vào chiều muộn.
Toàn cảnh họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học giáo dục phổ thông mới chiều 19/1/2018. Ảnh: Quý Trung / TTXVN. |
Không biết có phải là sự ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn “ngày đẹp” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới?
Tại sao không phải là ngày đầu tuần, giữa tuần mà lại là một buổi chiều làm việc cuối cùng của tuần đối với tất cả các cơ quan nhà nước để công bố chương trình?
Bởi sau thời điểm công bố, 2 ngày tiếp theo là cuối tuần là thời điểm các cơ quan, công sở đều nghỉ!
Vẫn biết rằng thời đại bây giờ là thời đại công nghệ số, Intenet đã được phủ sóng khắp nơi. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền, người ta cũng có thể đọc báo bất cứ lúc nào, ở đâu.
Có điều khi tâm lý xã hội chỉ muốn nghỉ ngơi sau 1 tuần làm việc căng thẳng và tiếp nhận thông tin dồn dập, 2 ngày cuối tuần thường là thời điểm mọi người muốn nghỉ ngơi, thư gian đầu óc.
Không phải những thông tin quan trọng mà người ta gọi là "cháy nhà, chết người" thì chẳng mấy ai quan tâm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn chiều muộn của ngày thứ Sáu để họp báo công bố chương trình khiến chúng tôi có chút băn khoăn.
Danh sách 19 môn học trong chương trình mới, còn thiếu môn Ngoại ngữ. |
Thứ nhất là tất cả các cơ quan nhà nước sẽ nghỉ vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nếu không có sự kiện nào đặc biệt hoặc gây chú ý lắm, thông thường người dân nghỉ ngơi, vui chơi và ít đọc báo hơn ngày thường.
2 ngày nghỉ cuối tuần trôi qua, khi đầu tuần làm việc mới bắt đầu, thông tin công bố các chương trình môn học sẽ không còn mới nữa, và biết đâu lại chìm nghỉm trong biển thông tin nếu có một sự kiện truyền thông nào đó?
Lựa chọn chiều muộn ngày thứ Sáu để công bố, vô tình hình trung một thông tin giáo dục quan trọng đến nhiều thế hệ người Việt Nam trong tương lai lại có rất nhiều người không để ý đến, vì bước vào 2 ngày nghỉ.
Thứ hai là phần lớn các cơ quan báo chí địa phương của hơn 60 tỉnh thành không phát hành trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Các trang online của báo địa phương cũng chủ yếu đăng lại các tờ báo lớn.
Trong khi báo địa phương chủ yếu là bán cho các đơn vị nhà nước, các đơn vị trường học đang tiêu thụ một lượng lớn của các tờ báo tỉnh. Chuyên trang hay chuyên mục giáo dục không được phản ánh nhiều trong những ngày này.
Thứ ba là nhiều công, viên chức nhà nước, các bậc phụ huynh họ thường mong đến những ngày nghỉ cuối tuần là có đi đâu đó nghỉ ngơi hoặc về thăm cha mẹ, bạn bè, người thân… báo chí chắc chắn sẽ không cập nhật được nhiều bằng các ngày khác.
Thời gian lấy ý kiến quá ngắn và “độc”
Bây giờ đã là cuối tháng 1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tháng Tư sẽ thông qua chương trình môn học chính thức. Từ đây đến đó chỉ có hơn 2 tháng trời.
Công bố chương trình môn học mới, “ú tim” đến bao giờ? |
Khoảng thời gian quả là quá ngắn và gấp gáp để lấy ý kiến công luận.
Bởi trong 20 môn học và hoạt động đã được Bộ công bố thì có những môn hàng trăm trang giấy với rất nhiều đề mục khác nhau.
Nên người muốn góp ý phải tường tận vấn đề mới có thể đóng góp ý kiến một cách thấu đáo.
Nhưng thời gian như vậy thì liệu Bộ sẽ nhận được bao nhiêu lời góp ý có trách nhiệm và chất lượng từ dư luận?
Hơn nữa, thời điểm Bộ công bố dự thảo chương trình của 20 môn học / hoạt động giáo dục, thì tháng Chạp năm Đinh Dậu đã qua được mấy ngày.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần với mọi người hơn.
Thời điểm này nhiều người ở xa đã đang chộn rộn lo thu xếp để về với quê hương.
Những công chức, viên chức cũng đang phải lo toan, chuẩn bị những món quà để tặng người này, người kia cho đúng với phong tục truyền thống của dân tộc.
Rồi Tết xong ra Giêng xã hội lại bước vào “tháng ăn chơi”…
Chỉ nghĩ đến đây thôi, chúng tôi cũng mường tượng là thời gian góp ý cho dự thảo chương trình môn học đã không còn nữa và cũng sẽ không nhiều người góp ý.
Không hiểu đây có phải lại là một sự vô tình trùng hợp ngẫu nhiên, hay Bộ có chủ ý lựa chọn tháng Tết để xin ý kiến xã hội về chương trình các môn học?Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực tâm muốn nghe đóng góp, Bộ sẽ tiếp thu đến đâu?
Là một người thường xuyên theo dõi các thông tin giáo dục, vì thế điều chúng tôi nhận thấy tường tận nhất là:
Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến xã hội ngày 12/4/2017, ngay cả khi công bố chương trình đã thông qua chính thức 28/7/2017, đã có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà giáo tâm huyết nêu ý kiến phản biện, nhưng gần như mọi thứ vẫn không có nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu.
Nhìn sách giáo khoa hiện hành, mơ cho con em được học chương trình cũ |
Chúng tôi lấy ví dụ, chỉ riêng trên trang Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong những tháng qua đã có hàng mấy chục bài báo phản ánh về những bất cập của môn học “tích hợp”;
2 môn Lịch sử và Địa lí bị gò vào 1 sách "Lịch sửa và Địa lý", tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thành 1 sách "Khoa học tự nhiên" ở cấp trung học cơ sở với rất nhiều câu hỏi cụ thể đặt ra về căn cứ khoa học, phương án triển khai và các hệ lụy phát sinh.
Nhưng hình như Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng quý thầy biên soạn chưa bao giờ tiếp thu, chưa bao giờ giải thích và có lẽ cũng chẳng bao giờ đoái hoài đến những bài phản biện này.
Theo chúng tôi, phải chăng do những bài viết đó không phải là những “những nhà khoa học, những giáo viên cốt cán” đóng góp như dự kiến của một số thầy ở Bộ và Ban biên soạn chương trình mới mong muốn, nên những bài phản biện đó cũng chỉ để bạn đọc thưởng thức và cảm thông với nhau mà thôi!
Vì vậy, lần công bố xin ý kiến dư luận về dự thảo các chương trình môn học mới này, chúng tôi nghĩ rằng không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo và quý thầy làm chương trình môn học có thực tâm đón nhận những chia sẻ, góp ý từ dư luận hay không?
Hơn nữa, nếu dư luận góp ý thì không biết các thầy có cho là những ý kiến đó sẽ là những ý kiến “thô thiển”, “non nớt” là “kẻ đốt đền” như trường hợp anh Nguyễn Sóng Hiền đã nêu ý kiến là bỏ tác phẩm Chí Phèo trong chương trình Ngữ văn lớp 11 cách đây mấy tháng?
Chúng tôi vẫn hy vọng và luôn hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quý thầy làm chương trình môn học sẽ thực tâm muốn nghe góp ý để hoàn thiện chương trình.
Nhưng đóng góp chất lượng sẽ bị hạn chế nhiều khi Bộ chọn tháng Tết xin ý kiến, chọn chiều muộn thứ Sáu để họp báo công bố dự thảo.
Chỉ có lắng nghe, thấu hiểu những thầy cô, học sinh đang trực tiếp giảng dạy, học tập thì những bộ sách giáo khoa tới đây mới có thể gần hơn với thực tế.
Và quan trọng hơn, những thầy cô giáo chúng tôi cũng như những em học sinh không muốn làm “thí nghiệm” cho sách giáo khoa mới nhiều lần….!