Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông công lập trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ thị thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017 – 2018 trong đó quy định giao quyền tự chủ cho các trường về tuyển chọn và sử dụng giáo viên.
Các trường chủ động hơn trong sử dụng ngân sách một cách hiệu quả, cũng như tài sản, nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng thêm nguồn thu cho đơn vị.
Tại Hội thảo giáo dục năm 2017, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (22/9), nhiều chuyên gia cũng đề xuất về vấn đề này.
Theo đó, việc trao quyền tự chủ đối với nhà trường, trao quyền cho hiệu trưởng các trường công lập được xem là bước đi tất yếu trong việc đổi mới công tác quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiện nay.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này nhiều người vẫn lo ngại tình trạng khi trao quyền tự chủ thì hiệu trưởng dễ lạm quyền từ đó phát sinh tiêu cực.
Những câu chuyện hiệu trưởng chuyên quyền hay đổi tình lấy biên chế đã từng diễn ra trước đây chứng minh những lo ngại trên là đúng cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (ảnh báo vov.vn). |
Trước những băn khoăn này, ngày 4/10, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – một trong những ngôi trường dân lập tiêu biểu của thủ đô.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền: “Trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng là bước đi tất yếu của đổi mới giáo dục hiện nay. Tôi đi nhiều nước trên thế giới, được tiếp cận nhiều nền giáo dục tiên tiến và thấy hiệu trưởng các trường người ta có quyền tự chủ thật sự.
Bây giờ so sánh trường công lập và trường ngoài công lập, mình là Hiệu trưởng của trường ngoài công lập nên có quyền tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về cơ sở vất chất nên thấy rằng tự chủ sẽ rất tốt”.
Hiệu trưởng của Trường Đoàn Thị Điểm cũng cho rằng, để tự chủ tốt thì đòi hỏi ở người hiệu trưởng nhiều phẩm chất. Hiệu trưởng có đủ năng lực tự chủ, đảm đương được công việc hay không đó là vấn đề mấu chốt trong việc trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông công lập.
Qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền có thể hiểu được, muốn tự chủ được đòi hỏi người hiệu trưởng phải có khả năng quản lý tài chính, bao quát được cơ sở vật chất, khả năng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…cùng nhiều phẩm chất khác.
Tự chủ cho trường công cần thiết như khoán 10, sao chưa thực hiện? |
“Nếu chúng ta lựa chọn được những hiệu trưởng có đủ năng lực, rồi giao cho họ quyền tự chủ thì nhà trường chắc chắn sẽ phát triển” – bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, một phẩm chất rất quan trọng mà hiệu trưởng phải có đó là tâm huyết với nghề.
Nếu không có tâm, hiệu trưởng chỉ thu hút người nhà mà không thu hút người tài. Hiệu trưởng phải hiểu hơn ai hết về sản phẩm giáo dục với con người thì không được phép có lỗi.
Chuyên gia này khẳng định thêm: “Tự chủ sẽ giúp giáo dục phổ thông phát triển.
Như việc tuyển giáo viên, bấy lâu nay tuyển giáo viên thì cấp trên giao về trường, được sao sử dụng vậy.
Hiệu trưởng họ cũng ngại góp ý, không cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng vì nếu giáo viên dạy không đạt thì hiệu trưởng sẽ đổ lỗi cho cấp trên.
Nhưng khi trao quyền cho hiệu trưởng trong tuyển dụng, họ buộc chịu trách nhiệm hoàn toàn nên chú tâm trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng”.
Bà Nguyễn Thị Hiền còn cho rằng, khâu then chốt để trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng tại các trường công là tìm được người hiệu trưởng xứng đáng.
Nếu hiệu trưởng năng lực yếu lại không có tâm với nghề thì việc trao quyền sẽ là “đại họa”. Do đó, khâu tuyển chọn là khâu quan trọng nhất.
Bà Hiền tâm sự, khi mới bắt đầu làm hiệu trưởng bà chưa qua khâu đào tạo quản lý mà chỉ là giáo viên tiếng Nga. Đến nay, bà đã có thời gian làm quản lý 20 năm và rất thành công.
Để đạt được điều này, bà rất yêu nghề giáo, chịu khó học hỏi, luôn cố gắng tiếp thu mặt tốt để áp dụng cho trường của mình một cách sáng tạo.
“Việc tuyển chọn được hiệu trưởng tốt cần thiết nên tổ chức thi. Lãnh đạo Sở, Bộ phải đưa ra được những tiêu chí của một người hiệu trưởng.
Bộ và Cục nhà giáo cần thiết phải xây dựng được bộ tiêu chí lựa chọn hiệu trưởng, qua đó tổ chức thi tuyển chọn” – bà Hiền góp ý.
Một vấn đề mà bà Hiền lo lắng khi trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng chính là vấn đề lạm quyền. Bởi hiện tại, không ít hiệu trưởng trở thành ông “vua con”, không ít trường hợp ép buộc giáo viên đổi tình lấy biên chế.
Theo vị này, khi trao quyền mà người hiệu trưởng không có tâm với nghề, với học trò thì rất dễ bị lạm dụng quyền lực.
Cốt lõi của người lãnh đạo trong ngành giáo dục tiêu chí đầu tiên phải là người có tâm.
“Người có tâm, yêu thương học trò khi được trao quyền chỉ trong thời gian ngắn các hiệu trưởng sẽ vượt lên khó khăn đạt được thành công. Nhưng ngược lại, nếu không có tâm chắc chắn sẽ phá hỏng cả nhà trường” – bà Hiền nêu quan điểm.