Không ít giáo viên khao khát được cất nhắc làm quản lý

30/09/2017 06:27
Nguyễn Tri Văn
(GDVN) - Nghịch lý là ở những nơi có mặt bằng kinh tế phát triển, dễ “kiếm chác” từ cái ghế quản lý, thì ngay cả được lên “điếu đóm” trên phòng giáo dục họ cũng thích.

LTS: Sau khi bài viết “Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp?” của tác giả Duyên Hà được đăng tải, thầy giáo Nguyễn Tri Văn từ Nam Định gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ quan điểm về chủ đề này.

Theo đó, thầy Nguyễn Tri Văn cho rằng chiếc ghế lãnh đạo nhà trường vẫn rất hấp dẫn với nhiều giáo viên, kể cả những giáo viên bình thường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải bài viết “Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp?” của tác giả Duyên Hà (Đồng Nai) phân tích khá tỉ mỉ và đưa dẫn chứng thuyết phục về tình trạng giáo viên giỏi không muốn lên làm quản lý:

Lên chức đấy mà bị hụt lương, lên sở, phòng thì mất phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên.

Lên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì mất thu nhập từ dạy thêm…”.

Vâng đó là một thực tế đáng buồn đang tồn tại bấy lâu nay mà báo chí đã mổ xẻ.

Tuy nhiên, vẫn chưa có cách giải quyết khả thi nào từ phía các cơ quan chức năng để ta có được một nguồn lực quản lý giỏi đủ đảm đương công cuộc đổi mới giáo dục.

Nói đi cũng cần nói lại, theo những gì tôi quan sát được ở một số nơi thì tình trạng ngược hẳn: vươn lên để được cất nhắc làm quản lý đang là mục tiêu, nỗi khát khao của không ít giáo viên.

Cái đó không có gì là xấu, nếu người đó có tâm huyết, có tài năng muốn được cống hiến và khẳng định bản thân…

Nhưng nghịch lý là ở những nơi có mặt bằng kinh tế phát triển, dễ “kiếm chác”, dễ “thu hồi vốn” từ cái ghế quản lý, thì ngay cả được lên “điếu đóm” trên phòng giáo dục họ cũng thích, cũng vênh vang.

Có hiện tượng giáo viên đua nhau từ lúc cất nhắc các chức vụ nhỏ nhất trong trường cho đến khi được quy hoạch bổ nhiệm bằng được mới thôi. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Có hiện tượng giáo viên đua nhau từ lúc cất nhắc các chức vụ nhỏ nhất trong trường cho đến khi được quy hoạch bổ nhiệm bằng được mới thôi. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Vậy nên có hiện tượng giáo viên đua nhau từ lúc cất nhắc các chức vụ nhỏ nhất trong trường cho đến khi được quy hoạch bổ nhiệm bằng được mới thôi.

Hành trình đó khá gian nan, nhiều chông gai và tốn kém.

Không ít nơi để có được ghế hiệu phó thôi cũng xảy ra những chuyện lùm xùm, nội bộ chia rẽ…

Cố nhiên những giáo viên giỏi theo nghĩa thực sự thì họ quan niệm hoàn toàn khác, cứ làm giáo viên cho tốt, xây dựng hình ảnh tốt với học sinh và phụ huynh.

Họ thường có lòng tự trọng nghề nghiệp rất cao, không chú trọng quan hệ, nếu lãnh đạo thấy có năng lực, bổ nhiệm họ thì họ làm (hoặc có khi không, tùy quan điểm từng người);

Và nếu được bổ nhiệm thì phải đường đường chính chính, không có gì khuất tất xì xào.

Những giáo viên giỏi chuyên môn lên làm quản lý sẽ rất có lợi cho nhà trường, anh em giáo viên nể phục, hiểu thấu công việc nên mọi thứ ắt sẽ rất trôi chảy, hanh thông.

Ở một phương diện nào đó, một giáo viên giỏi phải đi làm cán bộ quản lý là một sự hi sinh, mất mát thiệt thòi cho học trò, học trò sẽ mất đi một người thầy đứng lớp giỏi.

Không ít giáo viên khao khát được cất nhắc làm quản lý ảnh 2

Cái tâm của người hiệu trưởng

Cũng có những trường hợp chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc làm quản lý đã giỏi.

Nhưng như thế thì chẳng lẽ cứ/chỉ bổ nhiệm những giáo viên bình thường hay sao? Khi đó lại càng nguy hiểm hơn.

Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế chính sách thỏa đáng để phát hiện, bồi dưỡng, khích lệ người có chuyên môn giỏi lên làm quản lý.

Vậy mà có một nghịch lý ở không ít nơi, chỉ bổ nhiệm theo những thứ không xuất phát từ chuyên môn, và đó thực sự là một thảm họa lâu dài, kéo lùi phong trào.

Bởi xét cho đến cùng, hoạt động của một nhà trường thực chất là làm công tác chuyên môn. Chuyên môn anh không tốt thì còn gì để nói?

Phải chăng để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm, học thêm tràn lan gây bức xúc ở một số nơi như hiện nay đều xuất phát từ việc bổ nhiệm những giáo viên rất bình thường, nếu như không muốn nói là không dạy được thì cho lên làm quản lý?

Có những trường chỉ có 16 lớp nhưng có tới ba hiệu phó, chuyện thật khó tin. Không biết họ sẽ chia công việc để làm những gì?

Có huyện thừa tới hơn chục hiệu phó.

Vậy hẳn phải có vấn đề ở chỗ nào đó, chứ lên làm quản lý mất nhiều lợi ích như bài của tác giả Duyên Hà đề cập, thì tại sao một số nơi cứ lại đua nhau để lên sếp và coi đó như một sự thành công thành đạt và thăng tiến nghề nghiệp?

Không bỗng dưng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đã lấy việc đổi mới công tác quản lý làm nền tảng quan trọng, khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhưng trên thực tế việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trong ngành giáo dục lại do chính quyền cấp huyện trở lên bổ nhiệm.

Đó là một bất cập lâu nay, chưa có biện pháp khả dĩ nào.

Ngành giáo dục sử dụng con người nhưng không có quyền bổ nhiệm hay miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó…

Không ít giáo viên khao khát được cất nhắc làm quản lý ảnh 3

Ai có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó?

Trong bối cảnh giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp (như bài báo đã đề cập) và giáo viên bình thường lại được bổ nhiệm ồ ạt ở nhiều nơi thì đây quả là điều đáng lo ngại.

Dân gian vẫn có câu

Hạt tiêu nó bé nó cay,

Cái tài em bé nên em hay cửa quyền”.

Với một lực lượng quản lý không nắm chắc chuyên môn, đi lên không bằng năng lực họ sẽ là một rào cản ghê gớm kéo lùi sự phát triển và rất dễ rơi vào tình trạng chuyên quyền, độc đoán khi đưa ra các quyết sách.

Mọi nỗ lực đổi mới chương trình phổ thông mới tới đây sẽ rất dễ bị lực lượng quản lý yếu kém này hủy hoại và làm vô hiệu hóa.

Bởi họ không có trình độ thực sự thì khó mà cầm cân nảy mực, đốt nóng chuyên môn được, khó thuyết phục được cấp dưới thực hiện nên từ đó giáo viên cũng dễ sinh ra uể oải, đối phó hình thức.

Giáo viên ở một số nơi gặp nhau thường than phiền về những ức chế khi phải công tác ở một ngôi trường mà hiệu trưởng quan liêu, hách dịch, chỉ thích quản lý giáo viên bằng quyền lực trong tay.

Họ ví von hiệu trưởng như một lãnh chúa, có mọi quyền sinh quyền sát trong tay.

Rất mong ngành giáo dục chúng ta sớm có được quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm cán bộ quản lý từ những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề;

Và có nhiều chính sách ưu đãi để giáo viên giỏi yên tâm chăm lo cống hiến chứ không còn mang tâm lý “sợ” khi lên sếp, chuyện cứ tưởng như đùa mà tác giả bài báo trên đã đề cập.

Nguyễn Tri Văn