Bộ GD và Bộ Công an phối hợp tăng cường tuyên truyền ATGT ở các cơ sở giáo dục

18/10/2022 14:28
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ TNGT liên quan đến HSSV, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Công an cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long ký chương trình phối hợp. Nguồn: Báo Công an nhân dân

Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long ký chương trình phối hợp. Nguồn: Báo Công an nhân dân

Chương trình phối hợp giữa hai Bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các cấp của hệ công tác trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, hai Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên. Xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên các cấp.

Chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông” và tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên toàn quốc.

Tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế; tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn, huấn luyện học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: Phòng chống đuối nước; đi bộ, sang đường; đi phà, đi thuyền; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; ngồi trên ô tô đi học, thăm quan, dã ngoại an toàn và thoát hiểm khi gặp các tình huống giao thông nguy hiểm mà không có người trợ giúp… Kết hợp với lồng ghép xây dựng ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông một cách thiết thực, hiệu quả…

Nội dung ký kết đã phân rõ trách nhiệm của từng Bộ. Cụ thể, Bộ Công an thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình hình trật tự an toàn giao thông, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định liên quan về trật tự an toàn giao thông cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về trật tự an toàn giao thông; biểu dương, khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác giáo dục trật tự an toàn giao thông.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% các đơn vị, địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; năm 2030 triển khai nhân rộng trên toàn bộ các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, thường xuyên cập nhập thông tin và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, đại học.

Tăng thêm thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế, đảm bảo thời lượng tối thiểu 5 tiết/ 1 học kỳ đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/1 học kỳ đối với học sinh các lớp khác; giáo dục trật tự an toàn giao thông cho trẻ mầm non. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định, bảo đảm an toàn trong việc tổ chức đưa, đón học sinh bằng xe ô tô; nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng công an nhân dân triển khai hoạt động tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông; phối hợp triển khai, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Chương trình phối hợp được thống nhất trong 4 cấp công an và toàn ngành giáo dục do Cục cảnh sát giao thông và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên làm đầu mối thực hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật là mong đợi của tất cả người dân. Với 22 triệu học sinh, sinh viên, nếu các em chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng ứng xử tình huống đảm bảo sẽ tạo được sự lan toả cao trong cộng đồng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ. Nguồn: Báo Công an nhân dân

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ. Nguồn: Báo Công an nhân dân

“Vậy, làm thế nào để 22 triệu học sinh, sinh viên có nhận thức đúng, hiểu biết, có kỹ năng tham gia giao thông là bài toán đặt ra cho chúng ta”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt vấn đề và cho rằng, điều quan trọng nhất để các em tiếp thu được kiến thức là công tác tuyên truyền, giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức khác nhau không đơn thuần là các bài giảng một chiều mà nên tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt ngoại khoá, tuyên truyền qua mạng…

Đồng tình với Thứ trưởng Ngô Thị Minh về sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giáo dục, tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người.

Nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông là do sự kém hiểu biết kiến thức và thiếu ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết.

“Con số các em học sinh, sinh viên bị chết, bị thương liên quan đến tai nạn giao thông là con số rất đáng suy nghĩ. Gần 1.000 em học sinh không trở về nhà là gần 1.000 gia đình bất hạnh vì mất con. Chúng tôi rất trăn trở về vấn đề này. Đây không phải do thiếu quy định pháp luật mà do các em thiếu kỹ năng, chưa hiểu biết, chưa hình thành văn hoá giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, chương trình phối hợp làm sao phải thiết thực, hiệu quả để khi kết thúc chương trình thì tai nạn giao thông, số người chết, bị thương phải giảm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi lễ. Nguồn: Báo Công an nhân dân

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi lễ. Nguồn: Báo Công an nhân dân

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh Bộ Công an sẽ chọn 1 tỉnh để xây dựng điển hình về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó, xây dựng Cổng trường an toàn để nhân rộng ra cả nước.

“Đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã nhấn mạnh rất nhiều lần “dù cuộc sống có tiến bộ, đời sống vật chất nâng lên bao nhiêu nhưng nếu đi ra đường không an toàn thì không hạnh phúc”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ và bày tỏ tin tưởng chương trình phối hợp giữa hai Bộ sẽ kéo giảm tai nạn giao thông đối với học sinh, sinh viên, để các em đi về an toàn hơn, đưa được kiến thức an toàn giao thông vào trường học để sau này các em áp dụng trong suốt cuộc đời...

Trần Lý