Sáng nay Quốc hội tiến hành chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất. Đó là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn.
Giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Người trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Trước phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - bà Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những Bộ, ngành được đánh giá tích cực, xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri.
Trưởng ban Dân nguyện - bà Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với một số bộ, ngành có liên quan tiếp thu kiến nghị cử tri Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Phước về tăng kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 quy định cụ thể về các vấn đề này.
Theo đó mở rộng đối tượng là trẻ em thuộc hộ cận nghèo và kinh phí hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở/tháng (tăng 8,3% so với trước) (09 tháng/năm); hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép từ hai độ tuổi trở lên được hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng (09 tháng/năm)...
Tiếp thu kiến nghị của cử tri An Giang, Phú Yên, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thanh Hóa về hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, tăng điểm đầu vào, giảm điểm ưu tiên khu vực, để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với nhóm ngành sư phạm, Bộ đã ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy...
Về tình hình kiến nghị cử tri, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước).
Về hoạt động của Quốc hội: có 72/2.099 kiến nghị (chiếm 3,43% tổng số kiến nghị cử tri), giảm 67 kiến nghị so với kỳ họp trước.
Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Định, Sóc Trăng... tiếp tục kiến nghị Quốc hội tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội, như: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tình hình nợ công, bội chi ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư; an toàn thực phẩm; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng...
Quốc hội sẽ thảo luận đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí |
Đặc biệt, cử tri An Giang kiến nghị cần quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn việc ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, việc triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Cử tri Lâm Đồng đề nghị trong các nghị quyết giám sát cần xác định rõ thời hạn giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát, có chế tài cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị giám sát...
Về công tác điều hành của Chính phủ: có 1.993 kiến nghị (chiếm 95% tổng số kiến nghị cử tri.
Đáng chú ý, ở nhóm vấn đề về văn hóa, giáo dục, y tế: cử tri Bình Phước, Quảng Nam, Điện Biên, Thái Nguyên, Phú Yên, An Giang, Lâm Đồng,... phản ánh sự bất bình trước tình trạng một số phương tiện thông tin đại chúng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bị lai căng, biến dạng; lợi dụng tổ chức lễ hội, trò chơi điện tử để hành nghề mê tín dị đoan, đánh bạc; việc xây dựng tượng đài ở một số địa phương gây lãng phí; chất lượng tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng còn thấp; chương trình giáo dục, đào tạo còn bất cập; tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu xảy ra ở nhiều nơi; mất an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, tại kỳ họp này cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng, mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với giáo viên, giữa giáo viên và học sinh xuất hiện một số vụ việc có biểu hiện bất bình thường, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo; hiện tượng mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện, hành hung bác sỹ gây bức xúc trong dư luận, cử tri đề nghị cần có ngay giải pháp đồng bộ khắc phục các hiện tượng trên...
Ở nhóm vấn đề về kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng: cử tri Đà Nẵng, Bến Tre, An Giang, Đắk Nông, Thanh Hóa,... cho rằng tình hình nợ công ngày càng tăng cao, việc sử dụng vốn nhà nước còn chưa hiệu quả, cần sớm có biện pháp khắc phục; cần xem xét đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện để người dân dễ tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, ví dụ như gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao,...
Đặc biệt, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Phú Yên... kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các công ty tài chính; thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các ngân hàng thương mại; xem xét, sửa đổi các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng thất thoát đất đai, tài sản nhà nước,...
Lần đầu tiên 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn theo công thức 1:3 |
Ở nhóm vấn đề giao thông vận tải, xây dựng: cử tri Lâm Đồng, Yên Bái, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc... tiếp tục đề nghị quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ 4H (Lai Châu), 4C (Hà Giang), 18 (Bắc Ninh), 19 (Bình Định), 61 (Kiên Giang), 21B (Nam Định); đầu tư không đồng bộ, có cầu nhưng không có đường lên như cầu Hưng Hà (Hưng Yên), cầu Thái Hà (Hà Nam) nên không phát huy được hết hiệu quả đầu tư... tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết.
Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quy tắc giao thông; tình hình chấp hành trật tự, kỷ cương, quy hoạch và việc xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách không đảm bảo chất lượng, an toàn cháy, nổ trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng; các công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch nhưng chỉ phạt “cho tồn tại”.
Cử tri Quảng Ninh phản ánh một số loại hình kinh doanh bất động sản (như căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch condotel, văn phòng kết hợp lưu trú officetel) chưa được pháp luật quy định, đề nghị sớm ban hành văn bản quy định về loại hình kinh doanh này.