Bỏ phê bình học sinh trước lớp, trường là nhân văn

24/07/2024 09:23
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên cần áp dụng hình thức giáo dục kỉ luật tích cực để không phải phê bình học sinh trước lớp, trước trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh. Theo đó, dự thảo đã bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp, trường.

Dự thảo Thông tư này dự kiến sẽ được áp dụng đối với học sinh tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đáng chú ý, khoản 1 Điều 1 dự thảo Thông tư đề xuất những hình thức kỷ luật đối với học sinh như sau: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Tạm dừng học tập trên lớp; d) Đình chỉ học tập có thời hạn (không quá 01 năm).

Tuy nhiên, không áp dụng các hình thức kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều này đối với học sinh cấp tiểu học. Chỉ áp dụng hình thức kỷ luật quy định tại khoản 1 điểm d Điều này đối với học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên.

Có thể nhận thấy, việc áp dụng các hình thức kỷ luật được đề xuất thực hiện theo hướng tùy thuộc vào độ tuổi của học sinh nhằm thể hiện sự nhân văn, góp phần giúp giáo viên giáo dục học sinh có hiệu quả.

Giáo viên cần áp dụng hình thức giáo dục kỉ luật tích cực học sinh

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông xin có đôi điều bàn về một số hình thức giáo dục kỉ luật tích cực học sinh.

Giáo dục kỉ luật tích cực là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của các em.

Hình thức kỉ luật này có sự thỏa thuận giữa giáo viên - học sinh và phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh theo từng cấp học.

Sau đây là một số biện pháp thay đổi cách cư xử giữa giáo viên và học sinh trong lớp học:

khenthuongkyluathocsinh-215-5940-6266.jpg

Thứ nhất, giáo viên cần xây dựng một số quy định rõ ràng cho lớp học ngay từ đầu năm học mới và học sinh phải làm theo quy định.

Ví dụ, không sinh không được vào lớp trễ giờ, trường hợp bất khả khả kháng, chẳng hạn vì lí do thời tiết thì các em cần có minh chứng thuyết phục hoặc có sự tin tưởng giữa thầy và trò thông qua lời nói, cam kết.

Vào tiết học, học sinh không được nói chuyện, khi thảo luận nhóm cần nói nhỏ vừa nghe. Học sinh cần hoàn thành nhiệm vụ học tập được giáo viên chuyển giao.

Lưu ý, nhiều giáo viên yêu cầu học sinh phải hoàn thành 100% nhiệm vụ học tập là bất khả thi. Đối với học sinh có học lực yếu, trung bình, chỉ cần hoàn thành khoảng 60% nhiệm vụ. Tương tự, học sinh khá là 70-80% nhiệm vụ và học sinh giỏi là 80-100% nhiệm vụ.

Bởi vì có những học sinh không thể làm quá 50% nhiệm vụ học tập, nếu giáo viên bắt làm việc quá sức có thể các em sẽ nói chuyện, trêu chọc nhau, lớp học vì thế rất ồn ào, mất trật tự.

Trong quá trình thực hiện hiện nhiệm vụ học tập, có thể có những tình huống các thành viên tranh cãi, mâu thuẫn, học sinh không thể tự giải quyết thì giáo viên phải đề ra những quy tắc chi tiết để giữ ổn định kỉ luật lớp học.

Học sinh cần bình tĩnh nói chuyện chân thành, thẳng thắn và dàn xếp. Nếu việc này học sinh không thực hiện được thì nhất thiết phải nhờ sự can thiệp của giáo viên bộ môn.

Khi có mâu thuẫn, tranh cãi, học sinh cần trao đổi theo hướng phản biện, mang tính xây dựng, không cãi chày cãi cối và nhất là không được ăn thua.

Các thành viên cần nói chuyện nhã nhặn, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng những ý kiến trái chiều, không nói xấu, chê bai hay công kích nhau.

Giáo viên cần quán triệt, không bao giờ xảy việc bắt nạt hay quấy rối trong lớp học (và ngoài lớp học). Nếu điều này xảy ra, người vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lí theo quy định.

Thứ hai, khuyến khích động viên tích cực học sinh qua lời khen, khích lệ. Bởi vì, khen ngợi là phần quà đơn giản mà ý nghĩa nhất, mọi giáo viên có thể làm nhằm giúp học sinh tiến bộ.

Mỗi khi học sinh học tập tiến bộ, giáo viên cần sử dụng lời khen ngợi kịp thời. Ví dụ, học sinh yếu đã biết làm những bài tập ở mức nhận biết, thông hiểu là cần được khen - thay vì phải đợi các em làm được mức vận dụng.

Học sinh được khen ngợi sẽ tiến bộ, cùng với đó các thành viên khác trong lớp cũng sẽ noi theo bạn để được giáo viên khen.

Như vậy, giáo viên sẽ ít dùng hình thức kỉ luật hay hình phạt vì những hành vi tiêu cực của học sinh đã được thầy cô giáo ngăn trước khi xảy ra. Từ đó, những hành vi, hành vi tiêu cực của học sinh sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Ngoài sử dụng lời khen, giáo viên có thể sử dụng một số hình thức khác để động viên học sinh, ví dụ gửi tin nhắn cho phụ huynh, viết nhận xét vào phiếu điểm, sổ liên lạc, khen thưởng vật chất bằng quỹ lớp,...

Thứ ba, giáo viên cần có hình thức xử phạt phù hợp với những sai phạm của học sinh, xử phạt cần công bằng và nhất quán.

Trước khi xử phạt, giáo viên cần phân tích cho học sinh hiểu lỗi sai ở đâu, vi phạm điều gì, vì sao không được làm như vậy.

Ví dụ, học sinh chửi bạn thì giáo viên cần nói, đây là hành vi là xúc phạm bạn, sẽ làm bạn bị tổn thương tâm lí, ảnh hưởng đến việc học tập.

Giáo viên không được nói, "mày chỉ giỏi ăn hiếp người khác, sao không dám nói với thằng B (học sinh chuyên bắt nạt người khác)", vì cách xưng hộ và cách liên hệ phản cảm.

Hiện nay, có một số trường hợp các giáo viên đối xử không công bằng giữa các học sinh với những lý do như em A ngoan ngoãn, nghe lời còn em B học kém lại còn vi phạm nội quy kỉ luật,...

Điều này vừa gây tổn thương tâm lý cho học sinh vừa là hành vi mà giáo viên không được làm theo quy định.

Trước hết, giáo viên xử phạt học sinh là để các em thấy rằng, cách xử sự của các em là chưa đúng, không phải đưa ra lời nhận xét về các em.

Tiếp đến, về hành lang pháp lí, theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục thì giáo viên phải:

Sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại;...

Cùng với đó, khi sử dụng hình phạt học sinh, giáo viên không được sử dụng hình phạt mang tính bạo lực. Thay vào đó, giáo viên cần công bằng, khoan dung, tránh gây căng thẳng, đối đầu với học sinh khi xử lí vi phạm.

Ngoài ra, các hình phạt học sinh cần được giáo viên thực hiện nhất quán và cần xem xét đối với từng trường hợp khác nhau. Giáo viên không phạt học sinh vì những điều chưa được quy định trước đó.

Một số gợi ý cho hình phạt này như sau: Học sinh không được ra chơi, giáo viên phân tích lỗi trong giờ giải lao. Và giáo viên nhẹ nhàng nói, thay vì cả tôi và em được nghỉ ngơi thì chúng ta phải làm việc suốt buổi học, có đáng không.

Giáo viên cho học sinh làm vệ sinh lớp, hành lang, sân trường, các phòng chức năng,..., xin lỗi người bị xúc phạm, viết cam kết rõ ràng,...

Thứ tư, giáo viên giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh bằng cách nêu gương về cách ứng xử, ngôn ngữ và hành vi.

Một giáo viên thường xuyên sử dụng điện thoại di động trong giờ học thì không thể nào cấm được học sinh. Giáo viên xúc phạm học sinh bằng những ngôn từ phản cảm thì học sinh cũng sẽ nói với bạn bè của mình như thế.

Nếu giáo viên có lòng kiên trì, lòng bao dung, sự nhẫn nại, biết lắng nghe,... chắc chắn sẽ giúp học sinh giảm thiểu những hành vi như cãi vã, gây gổ, đánh nhau,...

Muốn làm được điều này, đòi hỏi giáo viên phải quan tâm đến từng hoàn cảnh học sinh về hoàn cảnh gia đình; thể chất; văn hóa; khác biệt về sở thích, tính cách; những tiêu cực mà có thể học sinh đã từng trải.

Ví dụ, học sinh bị ngược đãi, hành hạ, thường có các dấu hiệu lạ trên cơ thể, thái độ bất thường, lo âu, căng thẳng, hay gây gổ bạn bè,...

Nhìn chung, việc kỷ luật trong học sinh cần nhân văn, hợp lý. Trong một số tình huống, giáo viên vẫn cần phạt học sinh nhưng cách xử phạt phải hợp tình, hợp lí, tất cả vì sự tiến bộ của các em.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên