Tại phiên họp Chính phủ tháng 7, trong phần báo cáo Chính phủ về kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm.
Bộ trưởng nói: “Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra.
Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”.
Cùng với việc nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có đưa một số giải pháp để hoàn thiện kỳ thi vào năm tới.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong. ảnh: quochoi.vn |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: "Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm, giờ chờ xem các cơ quan liên quan xử lý các cá nhân vi phạm ở các địa phương như thế nào thôi.”
Đại biểu Phong phân tích, những lo lắng về tiêu cực trong thi cử, việc chạy điểm, chạy thành tích đã được chỉ ra từ lâu và ai cũng thấy.
Việc gian lận trong thi cử, trong giáo dục có ảnh hưởng đến cả tiền đồ của dân tộc chứ không chỉ là với một vài cá nhân.
Công an phải điều tra, làm rõ con Bí thư Vinh có bị "tròng điểm" hay không? |
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta phổ cập giáo dục tới đâu thì việc thi cử phải theo phổ cập.
Chúng ta đã phổ cấp tới bậc Trung học Cơ sở thì tốt nghiệp Trung học Cơ sở không cần phải thi.
Còn Trung học Phổ thông phải có kỳ thi để cho các em nỗ lực phấn đấu trong tốt nghiệp và phân luồng.
Nếu các em không có khả năng thực sự mà trượt tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì có thể đi lao động, học nghề ở các lĩnh vực khác.
Nhưng thời gian qua, việc thi cử không nghiêm nên còn nặng thành tích. Tỉnh nào, trường nào cũng đua theo nhau để có tỷ lệ đỗ cao. Tỷ lệ đỗ hơn 90% với 100% thì thi cử làm gì nữa.
Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu quan điểm: “Có điều, nhiều nhận định nêu, nếu sòng phẳng thì tỷ lệ đỗ chỉ khoảng 70%, còn 30% có thể chuyển sang luồng khác để làm việc, học nghề hơn là thi nhau học Đại học, Cao đẳng.
Tuy nhiên, chúng ta đã làm không nghiêm túc nên phân luồng không làm được.
Nếu cứ chú trọng thành tích như thời gian qua, dù chúng ta có sửa luật bằng trời đi nữa cũng không giải quyết được việc phân luồng học sinh.
Vì vậy, theo tôi, kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia là phải giữ, nhưng cách làm không nên như hiện nay”.
Theo đại biểu, kỳ thi cần thay đổi để đảm bảo khách quan, công bằng, khó xảy ra tiêu cực.
Theo đó, học sinh tỉnh nào thi tỉnh đó nhưng tổ chức hội đồng coi thi, kiểm tra, giám sát, chấm thi chéo.
Cách làm này theo đại biểu Đặng Thuần Phong là cũng không tốn kém bằng việc cho học sinh sang các nơi khác thi.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác thi phải thực hiện nghiêm túc.
Với cách tổ chức chéo thì tình trạng tiêu cực thi cử như ở Sơn La, Hà Giang sẽ khó xảy ra nữa.
Việc cải tiến theo cách này cũng không gây khó khăn trong quản lý của ngành giáo dục.
“Theo tôi, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia giữ nhưng sửa cách làm để tránh tiêu cực.
Nếu để tự các địa phương tổ chức thi, chấm thi như hiện nay mà diễn ra nhiều năm sẽ vô cùng nguy hiểm.
Người học kém, học dốt mà có tiền chạy điểm sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, chính trị gia, kiến trúc sư, người thực thi công lý… thì đất nước sẽ đi về đâu”, đại biểu Đặng Thuần Phong lo lắng nói.