Ngày 9/10/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về thực trạng, thách thức và giải pháp phát triển hệ thống thanh toán Chi trả theo nhóm trường hợp bệnh - DRG tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo có ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm, Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Giáo sư Supasit Pannarunothai - Chuyên gia quốc tế, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Đại diện Ngân hàng Thế giới; WHO tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh có vai trò kết nối giữa tài chính y tế và cung ứng dịch vụ y tế, với chức năng chính là kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng việc tạo ra các cơ chế khuyến khích phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: moh.gov.vn |
Theo Ngân hàng thế giới, phương thức chi trả dịch vụ y tế được xem là một trong 5 công cụ điều hành chính sách y tế quan trọng trong cải cách hệ thống y tế nhằm nâng cao hiệu quả và tính công bằng.
Tại Việt Nam, hiện nay đang triển khai thực hiện 3 phương thức chi trả dịch vụ y tế: theo phí dịch vụ, chi trả theo định suất và chi trả theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG). Trong đó, thanh toán theo phí dịch vụ là chủ yếu.
Với phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, việc kiểm soát chi phí là rất khó khăn do bản chất của phương thức này là cơ sở y tế cung ứng càng nhiều dịch vụ thì sẽ càng có lợi.
Nhất là trong bối cảnh các bệnh viện đang thực hiện tự chủ như hiện nay, dẫn đến hệ quả là mất cân đối thu chi, cơ quan bảo hiểm y tế không kiểm soát được chi phí và lãng phí nguồn lực của xã hội.
Phương thức thanh toán theo định suất cũng được triển khai rộng rãi tại tuyến huyện.
Phương thức này bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, đã tạo sự chủ động cho các bệnh viện trong điều hành kinh phí, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, phương thức này còn rất nhiều điểm bất cập về cả thiết kế cũng như triển khai thực hiện và tác động.
Bộ Y tế đang phối hợp với bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế đang xây dựng phương thức chi trả theo định suất mới với mong đợi có thể giải quyết các bất cập của phương thức cũ.
Hiện nay, tài chính y tế đang tiến hành đổi mới theo hướng nâng cao công bằng, hiệu quả.
Vì vậy, việc áp dụng từng bước và chuyển dần sang phương thức chi trả tiên tiến và cập nhật, chi trả theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) là một trong những ưu tiên chính sách.
Bộ Y tế đang thực hiện các bước đầu tiên, tiến tới xây dựng một hệ thống thanh toán dựa trên DRG cho các dịch vụ nội trú cấp tính, dần dần thay thế phương thức thu phí dịch vụ với sự hỗ trợ của các chuyên gia Thái Lan, bước đầu áp dụng trên quy mô nhỏ tại bệnh viện huyện Ba Vì, Hà Nội và đang mở rộng đến tuyến tỉnh.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: moh.gov.vn |
Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng các đại biểu tham dự hội thảo có các chia sẻ, thảo luận thẳng thắn, tích cực, sôi nổi để các hội thảo có thể đạt được kết quả tốt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của đại diện WHO, Ngân hàng Thế giới một số nội dung như: Phương thức thanh toán DRG, tầm quan trọng và những việc cần thực hiện để triển khai DRG; Kinh nghiệm quốc tế về DRG và những chích sách, đường lối, cách thực hiện để áp dụng DRG thành công; Chuyển tiếp sang DRG ở Việt Nam: bài học quốc tế và cơ hội học tập từ các nước khác...
Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung: Làm rõ khoảng trống trong chuẩn bị triển khai và thực hiện DRG tại Việt Nam và xác định các bước tiếp theo để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện DRG tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ y tế tại các cơ sở y tế.
Ý kiến đóng góp về mặt chuyên môn và lộ trình thực hiện là rất quan trọng để Bộ Y tế triển khai mở rộng phương thức DRG trong thời gian tới.