Dạy trẻ tự lập ngay từ ngày đầu đến lớp
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đã chia sẻ về cách để trường tiến tới 4 chữ “thật” trong giáo dục mà chúng ta mong mỏi từ lâu.
Thầy Bình cho biết, Trường Lê Quý Đôn là hệ thống trường phổ thông liên cấp từ Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông tư thục ở khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội có triết lý giáo dục rõ ràng, được quán triệt thống nhất từ Hội đồng sáng lập, quản trị cho đến toàn thể các thầy cô giáo.
Ban giám hiệu mong muốn mỗi học sinh đến và gắn bó với nhà trường trước khi được trang bị kiến thức thì điều đầu tiên là phải được hướng dẫn từ những điều cơ bản, thiết thực nhất với mỗi đứa trẻ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm |
Vì thế, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các em đầu cấp. Với mỗi học sinh lớp 6, ngay sau khi nhập trường, nhà trường dành ra một khoảng thời gian nhất định để dạy cho trẻ về các sinh hoạt thường ngày như ăn, ngủ, nghỉ ra sao, cùng với đó là kiến thức đạo đức cơ bản.
“Chúng tôi dựa trên cuốn Luân lý giáo khoa thư để lấy một số kiến thức bên trong dạy cho các em.
Ví dụ như học sinh phải có trách nhiệm với bản thân mình như thế nào.
Tiếp đó là đạo đức, tình cảm, ứng xử với gia đình, cha mẹ, anh em, họ hàng ra sao. Quan hệ ứng xử với người ngoài xã hội như thế nào, chúng tôi đều cố gắng dạy các con từ những thứ nhỏ nhất.
Tất nhiên nó không thể thiếu nội quy của nhà trường, nơi các em sẽ đến học tập, gắn bó nhiều năm tiếp theo.
Trong những ngày học đầu tiên, chúng tôi dành thời gian dạy những điều đó. Sau đó mới bước vào thực hiện vào kế hoạch giảng dạy”, thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Trước hết, các em phải học làm người, để biết sống lương thiện, sống tử tế, biết yêu thương người, trách nhiệm với bản thân. Từ đó, tự giác trong học tập để làm tiền đề cho thầy và trò cùng thực hiện 4 chữ “thật” trong giáo dục.
Thầy Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, ở đây tính nêu gương của thầy cô rất cao.
Muốn giáo viên nêu gương thì trước hết lãnh đạo nhà trường, hiệu trưởng phải nêu gương.
Đặc biệt, đời sống giáo viên phải đảm bảo để thầy cô có thể toàn tâm toàn ý cho nhà trường, cho học sinh, cho công việc nhà giáo.
Về điểm này, thầy Bình cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi cũng đại diện cho các thầy cô nêu quan điểm với Hội đồng quản trị mong muốn là có thù lao hợp lý đối với cán bộ, nhân viên trong trường.
Thầy cô cảm nhận được sự đánh giá khách quan, sự trân trọng công sức của lãnh đạo trường. Đó sẽ là một trong những động lực để thầy cô dành toàn tâm toàn ý cho hoạt động giáo dục, giảng dạy của mình.
Rất tuyệt là các việc làm của nhà trường đều được sự ủng hộ của Hội đồng quản trị. Điều này đã đem lại tác dụng rất lớn động viên thầy cô, nhân viên làm việc tích cực, hiệu quả”.
Thực hành 4 thật
Dạy thật, học thật, đánh giá thật để có chất lượng thật là phương châm của nhà trường trong năm học.
Nhà trường cũng căn cứ vào phương châm này để trong quá trình giảng dạy đúng nghĩa dạy là dạy, chơi là chơi. Làm sao để có tiết học thực sự hiệu quả chất lượng.
Thầy Bình phân tích, trong dạy thật hàm chứa rất nhiều nội dung gồm tình cảm, thái độ, trách nhiệm của thầy cô.
Các em học sinh lớp 5 tham gia trải nghiệm "Một ngày là học sinh lớp 6" tại trường. Ảnh: Đỗ Thơm |
Trong đó có việc đổi mới phương pháp dạy học làm sao đi đúng định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
“Chúng tôi tổ chức kiểm tra đánh giá một cách khách quan, công bằng để thầy cô nhận thấy năng lực của chính mình.
Học sinh cũng biết được khả năng của các em. Đồng thời tư vấn giúp cha mẹ về khả năng nổi trội của con em họ.
Để cha mẹ không tạo nên sức ép quá lớn với con em mình, làm sao cha mẹ, thầy cô nhận ra năng lực riêng của mỗi em.
Từ đó động viên, khuyến khích các con phát huy được năng lực, đồng thời bù đắp phần còn thiếu hụt”, thầy Bình cho hay.
Thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, nhà trường rất ủng hộ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua đã trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường, kế hoạch giảng dạy bộ môn cho cơ sở giáo dục.
Hàng năm từng bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch giảng dạy từng bộ môn, từng giáo viên cũng phải xây dựng kế hoạch giảng dạy của riêng mình căn cứ trên các lớp được phân công.
Niềm vui của các em học sinh khi tham gia chương trình trải nghiệm "Một ngày là học sinh lớp 6" tại trường. Ảnh: Đỗ Thơm |
Dựa trên đặc điểm từng lớp, thầy cô có quyền được sắp xếp, bố trí lại thời gian, thời lượng dạy, sắp xếp lại kiến thức hợp lý nhất.
Tùy từng lớp, thầy cô có thể nâng cao hoặc tập trung đảm bảo kiến thức cơ bản.
Lãnh đạo nhà trường cũng yêu cầu thầy cô chỉ tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, khám phá, tiếp nhận và cuối cùng là vận dụng kiến thức đó vào trong việc thực hành cụ thể.
Giáo viên không dạy theo kiểu truyền thụ, liệt kê kiến thức, không làm hết, làm thay phần việc của các con. Phải tạo điều kiện để cho các con làm việc nhiều nhất.
“Ở đây, chúng tôi rất ít khi báo trước sẽ dự giờ các tiết dạy. Ban Giám hiệu nhà trường đều thống nhất là sẽ dự giờ đột xuất, chỉ có các tiết dạy mẫu, thầy cô mới được chuẩn bị.
Bởi chỉ có dự giờ đột xuất mới bộc lộ hết điểm mạnh, điểm yếu trong các tiết dạy của giáo viên.
Chúng tôi luôn nhấn mạnh với thầy cô là chúng tôi dự giờ không phải đánh giá giáo viên mà dự giờ để biết và góp ý giúp cho các thầy cô dạy hiệu quả.
Đúng tinh thần phát huy được năng lực, phẩm chất học sinh trong từng tiết học”, thầy Nguyễn Quốc Bình tâm sự.