Bóng trách nhiệm chạy vòng quanh, giáo viên hợp đồng Hà Nội chết dở

02/05/2020 06:49
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Trong khi nhiều địa phương đã giải quyết xong vấn đề đặc cách giáo viên hợp đồng, Sở Nội vụ Hà Nội loay hoay xin hướng dẫn phương án xét tuyển của Bộ Nội vụ.

Hà Nội tiếp tục chậm trễ giải bài toán xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm

Trong buổi giao ban công tác quý I/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao cho Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thành công tác thi tuyển, xét tuyển giáo viên chỉ tiêu năm 2019 chưa thực hiện xong, đảm bảo môi trường giáo dục và nguồn nhân lực giáo dục của Thành phố khi học sinh trở lại trường học.

Trước đó, trong kỳ họp 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV vào tháng 12/2019, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã giải trình cụ thể về nhiều vấn đề nóng của thành phố, trong đó đề cập đến vấn đề biên chế giáo viên hợp đồng.

Hà Nội giao Sở Nội vụ hoàn thành thi, xét tuyển viên chức
Hà Nội giao Sở Nội vụ hoàn thành thi, xét tuyển viên chức

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội:

Hiện nay Thành phố còn 2730 giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước, trong đó có 1190 giáo viên mầm non, 514 giáo viên tiểu học và 1017 giáo viên trung học cơ sở.

Bộ Nội vụ đã có công văn đồng ý để Thành phố tiếp tục xét tuyển đối với số hợp đồng này, tổng số là 2692.

Động thái trên của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phần nào mang đến hy vọng cho gần 3000 giáo viên hợp đồng Thủ đô – những người mòn mỏi đấu tranh 1 năm trời.

Tuy nhiên với văn bản mới nhất của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã khiến nhiều giáo viên hợp đồng cảm thấy thất vọng. 

Cụ thể trong công văn số 1122/SNV-XDCQ: Về việc thông báo tiến trình thực hiện tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết:

“Do việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng như trên chưa quy định tại Nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ chuyên ngành, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố có văn bản số 1134/UBND-SNV ngày 6/4/2020 báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ về đối tượng và phương án xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu các văn bản của Ủy ban Nhân dân Thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố theo quy định, xây dựng dự thảo kế hoạch và chỉ tiêu tuyển dụng đối với giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả”.

Sở Nội vụ Hà Nội xin ý kiến Bộ Nội vụ về phương án xét tuyển, đối tượng giáo viên hợp đồng được đặc cách (Ảnh:V.N)
Sở Nội vụ Hà Nội xin ý kiến Bộ Nội vụ về phương án xét tuyển, đối tượng giáo viên hợp đồng được đặc cách (Ảnh:V.N)

Như vậy, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội tiếp tục xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng mặc dù trước đó Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao trực tiếp nhiệm vụ cho Sở Nội vụ.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã từng cam kết: Sẽ giải quyết xong vấn đến giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội trước qúy I/2020 và vẫn sẽ thực hiện lời hứa của Chủ tịch thành phố trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã dành ra 3.000 chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã từng gửi văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.  

Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Việc tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu tại Khoản 2 Công văn này phải bảo đảm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thành phố Hà Nội cho biết: Dành khoảng 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng lâu năm (Ảnh: N.Hoa)
Thành phố Hà Nội cho biết: Dành khoảng 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng lâu năm (Ảnh: N.Hoa)

Dựa theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm. 

Tuy nhiên tại Hà Nội, việc này bị trì hoãn từ năm 2019 sang quý I/2020. Mới đây với việc Sở Nội vụ có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ về phương án và đối tượng giáo viên hợp đồng. Đồng nghĩa với việc giáo viên hợp đồng Hà Nội còn phải tiếp tục mòn mỏi đợi đặc cách.

Giáo viên “sống mòn” đợi chờ quả bóng trách nhiệm

Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội lâm vào tình trạng “sống mòn” do thất nghiệp và không có thu nhập. Đó là đội ngũ giáo viên thỉnh giảng tại các trường công lập.

Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?
Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng?

Cô giáo Quỳnh Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) tâm sự:

“Nhà nước bỏ bao công sức và tiền của đầu tư cho ngành giáo dục kết cục là hàng trăm, hàng nghìn giáo viên thất nghiệp phải mưu sinh đủ nghề.

Đối với những giáo viên chúng tôi từng tin yêu và đi theo ngành sư phạm đã khóc cạn nước mắt trong đợt dịch này.

Vì vậy chúng tôi không có gì mong mỏi hơn là thành phố Hà Nội sớm hoàn thành việc xét đặc cách cho giáo viên. 

Vì hiện nay hành lang pháp lý, các quyết định đã có và các Quận, huyện, thị xã cũng đã lên danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét đặc cách”.

Tuy nhiên, với công văn mới nhất của Sở Nội vụ, rất nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đã đặt câu hỏi: Phải chăng Sở Nội vụ cố tình trì hoãn việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm mặc dù đã có chỉ đạo trực tiếp từ Thành phố cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ?

Hàng trăm giáo viên hợp đồng Hà Nội sống mòn đợi xét đặc cách (Ảnh:V.N)
Hàng trăm giáo viên hợp đồng Hà Nội sống mòn đợi xét đặc cách (Ảnh:V.N)

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (Sơn Tây, Hà Nội) thắc mắc: “Dịch Covid-19 cơ bản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, năm học được tiếp tục mà chính quyền Hà Nội vẫn không giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng - một vấn đề đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ nội vụ và Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Những giáo viên hợp đồng chúng tôi chỉ mong “giải quyết dứt điểm “ bằng hành động cụ thể chứ không phải lời nói như kiểu khẩu hiệu cho xong.

Trong đợt chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã từng nói: Song hành với vi rút Corona, chúng ta còn phải chống một loại virus nữa là “virus trì trệ”.

Khi về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cũng nói: phải kiên quyết chống virus trì trệ để phát triển thủ đô.

Vậy mà cho đến giờ, thời gian đã trôi qua rất lâu mà thành phố Hà Nội vẫn không giải quyết dứt điểm. Việc giải quyết giáo viên hợp đồng có phải đã bị nhiễm “ Virus trì trệ” hay không?”.

Một thông tin đáng chú ý nữa: Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức vòng thi 1 kỳ thi tuyển viên chức giáo dục vào ngày 21/5/2020. Nếu theo đúng chỉ đạo của công văn 5378 Bộ Nội vụ, thành phố Hà Nội phải thực hiện đặc cách xong cho giáo viên hợp đồng lâu năm mới có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức.

Vũ Ninh