Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được tâm tư, nguyện vọng của gần 100 giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ (Hà Nội).
Ngày 2/1/2020, đại diện giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ đã có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Nhân dân huyện về việc: Xin bổ sung chỉ tiêu viên chức giáo dục các môn văn hóa bậc Trung học cơ sở năm 2019.
Không được đóng bảo hiểm, giáo viên hợp đồng nguy cơ không được xét đặc cách |
Trong đơn kiến nghị này, số giáo viên hợp đồng khối Trung học cơ sở (khoảng 90 giáo viên) đề nghị:
Xin bổ sung chỉ tiêu biên chế viên chức giáo dục ở tất cả các môn văn hóa bậc Trung học cơ sở huyện Phúc Thọ tại các trường công lập và xét đặc cách cho toàn bộ giáo viên hợp đồng đủ điều kiện.
Đại diện giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ, thầy Nguyễn Văn Thắng giãi bày:
“Sau nhiều tháng đấu tranh cuối cùng chúng tôi cũng nhận được một quyết định nhân văn, có tình, có lý. Toàn thể giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ rất cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai việc xét đặc cách tại huyện Phúc Thọ nảy sinh ra một vấn đề.
Hiện nay tổng số giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được đặc cách và có danh sách công khai đang nhiều hơn chỉ tiêu biên chế.
Như vậy sẽ nảy sinh trường hợp có giáo viên được đặc cách, có người không được đặc cách.
Vì thế chúng tôi cảm thấy rất hoang mang không biết tương lai và công việc của giáo viên chúng tôi sẽ về đâu.
Kính mong lãnh đạo huyện Phúc Thọ và thành phố Hà Nội xem xét phương án giải quyết thấu tình đạt lý cho chúng tôi”.
Đơn kiến nghị của 90 giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ (Ảnh:V.N) |
Theo phản ánh của 90 giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ không phải không có cơ sở. Mặc dù chủ trương xét đặc cách cho giáo viên của thành phố Hà Nội đã có và có điều kiện cụ thể.
Những điều kiện này rất thuận lợi cho giáo viên hợp đồng.Chẳng hạn tại một số Quận, huyện, thị xã số lượng giáo viên hợp đồng đủ điều kiện gần 100%.
Tuy nhiên trong quá trình xem xét danh sách xét đặc cách giáo viên lại nảy sinh một vấn đề: Số lượng giáo viên hợp đồng đủ điều kiện lớn hơn chỉ tiêu biên chế hiện có.
Lấy ví dụ tại huyện Phúc Thọ, có đến 90 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện được xét đặc cách trong khi chỉ tiêu công bố chỉ là 34. Như vậy đồng nghĩa sẽ có khoảng hơn 50 giáo viên không được đặc cách.
Trong khi đó số giáo viên này cũng đủ điều kiện theo công văn của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.
Giáo viên hợp đồng được mời thỉnh giảng với mức công 30.000 - 50.000 đồng/ tiết (Ảnh:V.N) |
Thầy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Ngay sau khi có công văn hỏa tốc của Sở Nội vụ yêu cầu các huyện nhanh chóng lập danh sách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét đặc cách. Huyện Phúc Thọ là một trong những huyện đầu tiên công bố danh sách.
Mấy ngày sau, đại diện phòng nội vụ huyện có tổ chức buổi gặp mặt giáo viên hợp đồng.
Trong đó trưởng phòng nội vụ có thông báo chỉ tiêu đối với giáo viên hợp đồng khối trung học cơ sở chỉ là 34 chỉ tiêu.
Chúng tôi cũng thắc mắc vì sao có 90 giáo viên đủ điều kiện đặc cách nhưng lại chỉ có 34 chỉ tiêu.
Vậy ngoài 34 giáo viên đặc cách số giáo viên kia sẽ về đâu. Như vậy có phải thiệt thòi quá cho họ hay không”.
Giáo viên hợp đồng lâu năm nhắc lại lời hứa của Chủ tịch Thành phố Hà Nội |
Trong thời gian đợi xét đặc cách nhiều giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ đã bị cắt hợp đồng.
Tuy nhiên do trường thiếu giáo viên nên lại mời lại số giáo viên này thỉnh giảng và trả công từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/ tiết.
Cô giáo Vũ Thị Hồng Phương, giáo viên hợp đồng trường cấp 2 Phúc Hòa tâm sự:
“Tôi là giáo viên hợp đồng môn Lịch sử đã được 7 năm. Bản thân tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ôn thi học sinh vào lớp 10 đứng đầu huyện.
Hiện nay chỉ tiêu dành cho môn Lịch sử còn lại ở toàn huyện rất ít. Như vậy mặc dù chúng tôi có đủ điều kiện để đặc cách nhưng cũng không chắc chắn sẽ được vào biên chế.
Thời gian này tôi đã bị cắt hợp đồng và mời thỉnh giảng 50.000 đồng/ tiết. Cuộc sống của anh em đồng nghiệp ngày càng khó khăn nhất là dịp Tết về”.
Hiện nay, bên cạnh việc lo lắng không được xét đặc cách, số giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ còn đang đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng.
Điều đáng nói, trong khi một số trường thiếu giáo viên phải thuê giáo viên về thỉnh giảng vẫn chấm dứt hợp đồng của giáo viên.
Nhiều giáo viên hợp đồng đủ điều kiện nhưng không được đặc cách vì thiếu chỉ tiêu (Ảnh:V.N) |
Tình trạng thiếu chỉ tiêu nhưng thừa giáo viên đang diễn ra không chỉ ở huyện Phúc Thọ mà còn ở nhiều huyện khác.
Tại huyện Sóc Sơn, mặc dù đã công bố danh sách 186 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách. Nhưng số giáo viên này cũng chưa rõ có được xét tuyển vào biên chế hay khôn?
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm nói: “Đã qua ngày 7/1/2020 tức là thời hạn cho các Quận, huyện, thị xã công bố danh sách giáo viên hợp đồng.
Chúng tôi không biết lần này Thành phố thực sự có câu trả lời cho những giáo viên bị bỏ quên hay không.
Trong khi đó đã có chỉ đạo của Bộ Nội vụ nhưng hết lần này đến lần khác việc xét đặc cách cho giáo viên vẫn bị vướng chỗ này, vướng chỗ kia.
Chúng tôi chỉ mong Thành phố thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trung Ương và lời hứa của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung”.
Câu trả lời nào dành cho giáo viên đủ điều kiện nhưng không được đặc cách (Ảnh:V.N) |
Tình trạng giáo viên lo lắng đủ điều kiện nhưng thiếu chỉ tiêu đang diễn ra ở nhiều nơi tại Thành phố Hà Nội. Điều này không chỉ gây lo lắng cho giáo viên mà cũng là bài toán khó cho Thành phố.
Trong trường hợp số lượng giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách nhiều hơn chỉ tiêu biên chế.
Vậy những trường hợp nào giáo viên sẽ được đặc cách, trường hợp nào thì không? Điều kiện đặc cách cho giáo viên sẽ như thế nào và câu trả lời cho những giáo viên đủ điều kiện nhưng không được đặc cách sẽ là gì?
Hy vọng lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Sở Nội vụ, lãnh đạo các Quận, huyện lắng nghe nỗi lo và chia sẻ tâm tư này của giáo viên hợp đồng để có phương án giải quyết thấu tình, đạt lý.