Thông thường, bữa tiệc tất niên mà hiệu trưởng tổ chức tại nhà, có mời nhiều thành phần đến dự nhằm củng cố tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó mọi người trong cùng một trường…
Mọi người đến dự đều vô tư liên hoan, ai có gì thì mang đến thứ đó cùng chung vui, cùng chia sẻ.
Nhưng cũng có không ít vị đứng đầu nhà trường cho rằng đây là cơ hội để có… “thu hoạch”.
Bữa tiệc tất niên cuối năm (Ảnh minh họa:phapluatplus.vn). |
Trước hết, nói thẳng ra rằng: nếu một hiệu phó hoặc một giáo viên bình thường tổ chức tiệc tất niên thì chẳng mấy ai “mặn mà” tham dự cả.
Nhưng, đây là bữa tiệc của hiệu trưởng nên không ai bảo ai, cũng ngầm hiểu rằng phải có gì chút đỉnh gọi là “tỏ lòng thành” với hiệu trưởng.
Thành phần là các tổ trưởng, chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên và đặc biệt là những vị phụ huynh là các nhà doanh nghiệp, các đại gia, các lãnh đạo ban ngành có con cái học trong trường.
Có nhiều giáo viên tham dự, nhưng nhìn kỹ thì đó đa số là giáo viên của các bộ môn tự nhiên (những bộ môn dạy thêm như Toán, Lý, Hóa, Anh văn).
Mâm bàn, đồ ăn thức uống được đặt bên nhà hàng đưa tới. Khoảng hơn mười lăm mâm thoáng chốc đã đầy khách quý.
Mọi người chúc nhau năm mới làm ăn phát tài, thành đạt và cũng không quên nhắc nhở việc uống bia phải có người đưa về hoặc có xe đưa về, coi chừng bị “thổi”…
Lúc mọi người đã ngà ngà, đang say sưa trò chuyện, tâm sự thì người nhà bế cháu bé ra chúc Tết quý khách. Đúng là một thời điểm “lý tưởng” cho mọi người “bày tỏ” tình cảm với cháu.
Đến mâm nào thì có “đại diện” của mâm ấy, gom phong bì và vui vẻ đưa cho cháu trong tiếng vỗ tay và tiếng “dô dô” đầy khí thế…
Nếu hiệu trưởng có con nhỏ thì đó là một “lợi thế” vô cùng lớn. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng mỗi kỳ Tết đến, cháu trở thành “lao động chính”, giúp cha mẹ mình “thu nhập” bằng cả mấy tháng lương giáo viên.
Tiệc tất niên chỉ toàn thấy rượu bia và âm thanh chát chúa |
Đó là chưa kể tiệc sinh nhật của cháu, không phải mọi người mừng tuổi cháu bằng hoa tươi, bằng búp bê như xưa mà nay mừng “gọn nhẹ” trong chiếc phong bì.
Thử làm một phép tính nhỏ thì bữa tiệc tân niên của hiệu trưởng đã có “lời”, không bao giờ bị lỗ .
Mười lăm mâm, mỗi mâm có mười người, mỗi người “đi mừng” năm trăm ngàn đồng (tính bình quân thôi, các vị phụ huynh doanh nghiệp, đại gia thường đi từ một triệu đến vài triệu đồng).
Như vậy, là mỗi mâm “đi” năm triệu, mười lăm mâm là khoảng bảy mươi lăm triệu. Trừ chi phí một mâm hết hai triệu đồng (mà thường không tới số đó) thì “gia chủ” bỏ ra khoảng ba mươi triệu đồng còn lời bốn mươi lăm triệu đồng ngon lành.
Điều đó dễ hiểu vì sao hiệu trưởng thường mua được xe máy loại “xịn”, có người chỉ sau chưa đầy một nhiệm kỳ đã “sắm” được cả xe hơi, mua được nhà.
Đúng là “cờ đến tay ai, người nấy phất”. Luật không cấm hiệu trưởng làm tiệc tất niên nhưng vẫn có nhiều vị hiệu trưởng giàu lòng tự trọng, không bao giờ làm vì dễ mang tiếng vụ lợi.
Thật khó nói vì đây là một việc làm tế nhị, mong manh giữa “tình nghĩa” và vụ lợi… Rất khó nói nhưng tôi cũng phải nói ra để bạn đọc gần xa cùng chia sẻ.