Không phải một mà khá nhiều kế toán đã chia sẻ nỗi khổ sở, sự áp lực của mình khi phải tìm “trăm phương ngàn kế” để hợp thức hóa khá nhiều khoản chi trong nhà trường vào dịp cuối năm để kết toán quỹ.
Cuối năm không ít kế toán hoa mặt chóng mày để hợp thúc hóa một số chứng từ đã chi cho hợp lý (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Giacngo.vn) |
Có điều, họ đã mạnh dạn nói ra những góc khuất của nghề nhưng không đủ dũng cảm để lộ danh tính. Bởi:
“Tụi mình còn công việc, còn gia đình, không phải chỉ sống riêng cho mình được”.
Vô số những khoản chi không có trong quy định
Có thể kể ra những khoản như liên hoan trong nhà trường. Thường thì mỗi trường ít nhất cũng có buổi gặp mặt cuối năm trước khi nghỉ Tết. Buổi gặp mặt đầu năm sau kỳ nghỉ hè hay sau Hội nghị công nhân viên chức.
Một bữa ăn mặn cũng tốn từ vài triệu đến dăm triệu đồng cho một trường có từ vài chục giáo viên.
Rồi, tiền quà cáp cấp trên ngày lễ, Tết (món này không thể thiếu được).
Tiền tiếp khách khi trường có thanh kiểm tra, có các đoàn khách tới thăm, tiền sếp đi ngoại giao công việc, tiền ủng hộ, hỗ trợ khi cấp trên có việc yêu cầu, đến cả tiền ma chay, cưới xin các kiểu…
|
Những khoản chi không có trong quy định thì đương nhiên khi đã chi rồi kế toán phải tìm mọi cách hợp thức hóa phiếu chi.
Điều này vô cùng quan trọng, nếu làm không hợp lý, khi thanh tra về kế toán chỉ có nước bỏ tiền túi ra đền và có khi còn liên quan đến pháp luật.
Đau đầu tìm cách hợp thức hóa các khoản chi
Cô H. một kế toán lâu năm tại một trường tiểu học cho biết: “Nhiều khi cũng phản đối những khoản chi ngoài quy định nhưng hiệu trưởng cho biết có những thứ không thể không chi”.
Ví như, phòng giáo dục gợi ý có buổi gặp mặt toàn ngành, mỗi trường ủng hộ 1 triệu đồng, trường mình sao từ chối?”
Hay như nhà sếp có đám tang, nhiều trường học đều đi viếng, sao trường mình không đi?
Hay việc trường tiếp đoàn thanh kiểm tra, công nhận chuẩn chẳng lẽ nhà trường không thể đãi đoàn một bữa ăn trưa?
Chưa nói chuyện quà cáp vào các ngày lễ, Tết đã trở thành phong trào. Trường nào cũng đi, trường mình không đi sẽ bị liệt vào dạng “cá biệt”, lúc đó thì tha hồ mà lãnh hậu quả.
Chi những khoản như thế nên “Việc hợp thức hóa các khoản chi đâu phải chuyện dễ, kê thế nào cho hợp lý mới là chuyện khó”.
Nói rồi cô H. ví dụ như việc xé nhỏ các khoản đã chi để kê ké vào những khoản được phép chi như văn phòng phẩm, sửa chữa máy móc trong trường, mua sắm một số trang thiết bị, sách vở, đồ dùng dạy học…
Chi nhiều, giáo viên không có tiền Tết cũng là điều dễ hiểu.
Giáo viên không có tiền thưởng Tết, không có lương tháng 13 như một số ngành nghề khác.
Tiền thưởng có được phụ thuộc vào việc chi tiêu số tiền hoạt động ngân sách cấp về trong một năm.
Nếu chi tiêu có kế hoạch, đúng mục đích thì cuối năm thầy cô còn được chút tiền thưởng. Còn không, đến bữa cơm tất niên cũng chỉ là ăn cơm “ngó”.