Không dễ để tổ chức được kỳ thi riêng
Vừa qua, đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe đang nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có thêm một số trường đại học tổ chức kỳ thi riêng.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Thực ra, việc tuyển sinh vào đại học có thể thông qua nhiều phương thức đánh giá, bởi, về bản chất học sinh sau khi hoàn thành cấp trung học phổ thông, là đã cơ bản đủ điều kiện tiêu chuẩn để học đại học, đó là lý do vì sao có rất nhiều trường chỉ cần xét tuyển học bạ.
Tuy nhiên, vì sao các trường đại học hay nhóm các trường đại học theo ngành lại cần có một số kỳ thi đặc biệt để tuyển sinh, mà không phải trường nào cũng cần, không phải ngành nào cũng cần?
Bởi vì, có những ngành yêu cầu thí sinh phải cần một số năng lực nào đó thì mới học tốt. Chính vì vậy, một số trường mới bổ sung một số tiêu chí tuyển chọn các thí sinh, có khả năng là sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, hay một kỳ thi riêng... Và tất cả những điều đó, làm cho sự lọc lựa tốt hơn để chọn thí sinh vào trường”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), không nên lo lắng về chuyện sẽ “bùng nổ” các kỳ thi riêng. Ảnh: NVCC. |
“Mặc dù vậy, cũng không nên lo lắng quá, vì không phải trường nào cũng tổ chức kỳ thi riêng.
Mỗi kỳ thi, khi tổ chức, phải bảo đảm theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và để đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu đó, các trường phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện, không phải cứ tự nhiên muốn là tổ chức được.
Bên cạnh đó, do đã có một số trường mạnh tổ chức kỳ thi riêng chất lượng, ví dụ như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, các trường khác có thể sử dụng kết quả của các kỳ thi của những trường có uy tín để tuyển sinh, nên theo tôi, không cần phải lo lắng về chuyện sẽ “bùng nổ” các kỳ thi riêng” - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính phân tích.
Vị Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ hiểu rõ nhất về những yêu cầu cần thiết ở các thí sinh khi tuyển sinh là gì. Chẳng hạn, nếu một trường đại học cảm thấy chỉ cần dựa vào kết quả các tổ hợp môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là đủ, thì không cần phải tổ chức thêm kỳ thi riêng.
Tuy nhiên, nếu nhà trường nhận thấy rằng, ngoài kiến thức, cần phải có những năng lực, kỹ năng, thái độ đặc biệt, thì người ta có thể tổ chức các phần đánh giá, không nhất thiết phải là một kỳ thi riêng. Có thể bằng một cách nào đó để “đo” sự đam mê, hay khả năng cống hiến... của những thí sinh. Bởi vì trường tuyển sinh thì họ sẽ tự biết phải tuyển người học được”.
Nhiều kỳ thi riêng, thí sinh càng bị làm khó
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương) nhìn nhận: “Qua theo dõi, tôi thấy đa phần những trường đại học theo quan niệm của xã hội là những trường “top trên”, với chất lượng tuyển sinh tốt, lại có xu hướng mong muốn tổ chức kỳ thi riêng, mà không hoàn toàn dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Điều này bộc lộ một sự thật là nhiều trường đại học chưa thực sự tin vào kết quả của kỳ thi này, khi các địa phương coi thi và chấm thi.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, càng nhiều trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, chúng ta càng cần phải suy nghĩ về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: quochoi.vn. |
Trong một buổi tọa đàm về kỳ thi riêng của một trường đại học, vị đại diện Học viện Kỹ thuật Mật mã cũng đưa ra một băn khoăn: “Đồng ý rằng, việc tuyển sinh được thí sinh có năng lực phù hợp với chuyên ngành đào tạo là một việc quan trọng.
Và có nhiều trường cũng đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển cũng nhằm mục đích tìm kiếm thí sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo của trường...
Tuy nhiên, nếu trường nào cũng tổ chức kỳ thi riêng, thì thành ra lại gây khó khăn cho thí sinh, chứ không phải thuận lợi”.
Đó cũng không phải là điều vô lý! Vì rõ ràng, đã từng có những vụ bê bối gian lận thi cử ở một số địa phương trong các năm trước, có những thí sinh “đỗ oan”, được nâng khống lên đến hàng chục điểm và đỗ vào các trường “top”, trong khi không thực sự có năng lực. Đó là lý do các trường “top trên”, các trường thực sự coi trọng chất lượng tuyển sinh muốn tổ chức kỳ thi riêng.
Và tôi cho rằng, càng có nhiều trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, chúng ta càng cần phải suy nghĩ về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Nữ Đại biểu cũng chỉ ra: “Chính vì vậy, chúng ta phải chấn chỉnh lại, nếu chúng ta tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và để cho các trường lấy điểm làm căn cứ xét tuyển đại học, thì phải làm thật nghiêm túc, phải lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh, niềm tin của các trường và của cả xã hội.
Đến khi các trường lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đó làm căn cứ xét tuyển đại học mà không phải băn khoăn gì đến chất lượng, thì mới các trường mới không phải tính đến tổ chức kỳ thi riêng.
Còn nếu để các trường đều tổ chức kỳ thi riêng, thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện tại sẽ không còn ý nghĩa, lại quay trở lại như trước kia, tức là kỳ thi tốt nghiệp chỉ để tốt nghiệp, còn để trúng tuyển đại học, thí sinh vẫn phải “khăn gói” đi đến từng trường đại học để thi tuyển đầu vào. Bởi, mỗi thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường khác nhau, và nếu mỗi trường lại có một kỳ thi riêng, thì thí sinh lại loay hoay giữa các kỳ thi của từng trường đại học... Như vậy, lại quay lại sự lãng phí, tốn kém...”.
“Vậy nên, tôi cho rằng, tốt nhất, chúng ta cần phải tổ chức được một kỳ thi chung nghiêm túc, công bằng, minh bạch, để các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả đó để xét tuyển” - vị Đại biểu nhấn mạnh.