Đó là những chia sẻ của các giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp, trưởng phòng nhân sự của ngân hàng… tại chương trình: “chuyện nghề sinh viên năm cuối” do Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng ngày 21/4.
Không đợi đến năm cuối mới đi xin việc
Tham dự chương trình, các sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng đã được các chuyên gia, doanh nghiệp CEO tư vấn, hướng nghiệp và truyền cảm hứng khởi nghiệp ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên không nên đợi đến năm cuối rồi mới nghĩ đến tìm kiếm việc làm, hãy xác lập mục tiêu cho bản thân ngày từ những năm đầu trên giảng đường đại học. Ảnh: TT |
Chị Lâm Thị Thúy Hà người sáng lập và là CEO (giám đốc điều hành) Triip.me, một công ty nhằm kết nối các hướng dẫn viên địa phương với du khách.
Công ty của cô đã có hơn 7.000 người sử dụng và 800 hướng dẫn viên trên toàn thế giới. Công ty của cô được định giá ở mức 1 triệu USD và sẽ còn tăng lên trong thời gian đến, khi du lịch ngày càng phát triển.
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp thành công từ một hướng dẫn viên du lịch đến một CEO Triip.me, chị Hà chia sẻ:
“Ngay từ hồi năm 2 Đại học, mình đã luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của thành phố.
Thường xuyên xin thành phố được làm tình nguyện viên đón các đoàn khách quốc tế.
Qua đó mình giao lưu, học hỏi tiếng Anh, trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp, chia sẻ với bạn bè quốc tế được nhiều điều”.
Chị Hà nói những ngày lăn lộn đi tình nguyện, “đội nắng, đội mưa” hướng dẫn khách tham quan đã giúp chị trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Trả lời câu hỏi về cảm xúc của chị như thế nào khi vừa tốt nghiệp ra trường?, chị Hà tâm sự:
“Hồi sinh viên năm cuối thì mình không phải lo lắng đi xin việc làm mà chỉ nhớ về thời sinh viên, thầy cô, giảng đường… như một ký ức đẹp.
Còn không phải đợi đến năm thứ 4 rồi mình mới nghĩ đến tìm việc làm. Mà trong thế giới phẳng ngày nay, mọi thứ được kết nối dễ dàng thì các bạn đã có thể tìm kiếm việc làm phù hợp ngay từ năm 1, năm 2.
Lúc đó, mình đã phải xác định mục tiêu sau này khi ra trường sẽ làm gì? Điều đầu tiên là phải xây dựng hình ảnh bản thân trước, biết thế mạnh bản thân là gì để phát triển nó.
Để khi mình gặp doanh nghiệp thì họ nhìn thấy mình là thấy được thế mạnh rõ ràng của mình. Ví dụ như: cứ nhắc đến Hà là nhắc đến giao lưu quốc tế và làm tình nguyện…”.
Thông điệp mà chị CEO Triip.me muốn chia sẻ là: “đừng bao giờ nghĩ rằng là quá sớm, trong thế giới phẳng, hãy xác định mục tiêu cho bản thân. Tôi là ai, tôi muốn gì, tôi muốn trở thành người như thế nào? Xác định thế mạnh bản thân, phát huy nó và định nghĩa mình bằng thương hiệu”.
Khởi nghiệp càng khó thì càng cần nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu
“Mình luôn tự hào là người Việt nhưng nói về khởi nghiệp ở Việt Nam thì còn rất nhiều khó khăn.
Nếu Triip.me được thành lập ở Mỹ thì con đường tạo vốn dễ dàng hơn rất nhiều. Đối với công nghệ Việt thì sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.
Thực tế, khi Triip.me chia sẽ ý tưởng về sản phẩm công nghệ thì các nhà đầu tư đều nói “say no” (không đồng ý rót vốn). Còn cùng một sản phẩm đó ở Mỹ, họ đã kêu gọi được 30 triệu USD”, chị Hà dẫn thực tế.
Nhưng không phải vì như thế mà mình chấp nhận đầu hàng. Đối với người Việt, cái quan trọng nhất là tinh thần chiến đấu.
“Tinh thần chiến đấu đó không phải là đấu tranh mà là tinh thần vượt qua rào cản của bản thân mỗi người để hướng đến những cái tốt đẹp hơn.
Đúc kết lại đó là sự nhiệt huyết, tinh thần chiến đấu, kỹ năng, kiến thức... Các bạn không giấu dốt, nhưng phải luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân”, chị Hà nói.
Chị Hà cũng chia sẻ câu chuyện lần đầu đi dẫn tour khi còn là một sinh viên năm 2:
“Lúc đó, mình đã rất lo lắng vì chưa biết nhiều về thành phố Hồ Chí Minh, khả năng tiếng Anh cũng hạn chế…
Nhưng vì đam mê, yêu thích vẫn cố gắng, kiên trì học, bổ sung kiến thức bất kể ngày đêm. Và tour đầu tiên của mình là hướng dẫn hai du khách người Úc đi tham quan thành phố.
Khi gặp gỡ, tôi đã nói với họ là lần đầu tiên tôi dẫn tour, tôi có thể không am hiểu nhiều, khả năng tiếng Anh còn hạn chế.
Nhưng tôi mong muốn các bạn chia sẻ vì tôi sẵn sàng học hỏi. Và hai người khách đã rất cởi mở, họ còn dạy tôi cả những từ tiếng Anh chưa rõ nghĩa”.
Và chị Hà cho rằng, trong trường hợp bạn không đủ tự tin, không đủ kiến thức… thì hãy thành thật. Hãy cho đối tác biết những điểm yếu của mình, không dấu dốt để cùng tương tác và phát triển.