Chỉ còn vài tháng nữa là sách giáo khoa mới được thay thế cho sách giáo khoa hiện hành ở bậc tiểu học.
Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải đang giới thiệu sách giáo khoa mới (ảnh nguồn báo daibieunhandan.vn) |
Thế nhưng đến tận bây giờ, khi năm học đã bước sang tuần học thứ 22/35 tuần nhưng bóng dáng những bộ sách giáo khoa mới vẫn chưa được xuất hiện ở các trường tiểu học.
Được biết, tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa mới đang rất khẩn trương tiếp cận một số địa phương và một số trang thông tin, tổ chức nhiều diễn đàn để quảng bá cho bộ sách của mình.
Đối tượng họ nhắm tới là cấp lãnh đạo, các nhà quản lý ngành giáo dục ở các địa phương.
Trong khi đối tượng cần tiếp cận nhất hiện nay là học sinh và giáo viên thì chẳng ai quan tâm đến.
Trường học vẫn sinh hoạt chuyên môn theo kiểu cũ
Cho đến thời điểm này hàng tuần, hàng tháng rất nhiều trường tiểu học vẫn giữ kiểu sinh hoạt chuyên môn “muôn năm cũ”.
Những tiết dạy thao giảng, dự giờ theo giáo trình cũ cùng với những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học vẫn thiên về truyền đạt một chiều, thụ động.
Một số địa phương không chỉ tổ chức dạy, thao giảng cấp tổ, cấp trường mà còn yêu cầu thao giảng liên trường, cụm trường.
Thực hành, nghe những điều “đã nhừ như cháo, nhão như tương”, đã vận dụng vài chục năm qua chẳng đem lại hứng thú, hào hứng gì cho thầy và trò.
Trong khi những điều giáo viên thật sự cần, thật sự thiết thực để góp phần tạo nên thành công cho chương trình mới lại bị bỏ lơ.
Chúng tôi muốn được dạy thử trước khi chọn sách
Chúng ta cứ thử hình dung, nếu ngay từ thời điểm này, tất cả các trường tiểu học đã có trong tay 5 bộ sách giáo khoa.
Và những buổi sinh hoạt chuyên môn tổ, chuyên môn trường định kỳ giáo viên trong trường sẽ dạy từ 1-2 tiết ở 2 môn.
Mỗi tuần thực hiện dạy mỗi bộ sách và hết lượt lại quay vòng cho đến hết. Với những trường học 1 buổi chỉ có thể tổ chức dạy thực nghiệm vào thứ 7.
Nhưng trường học 2 buổi thì nên bố trí một số tiết bổ sung để dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới.
|
Được dạy thực tế trên lớp. Bài dạy tự nhiên không có sự chuẩn bị nhiều, chính thầy cô sẽ biết được ưu và nhược của những bộ sách ấy.
Như việc tiếp thu của học sinh, hiệu quả khi triển khai tiết dạy, hình thức tổ chức và phương pháp áp dụng đã thật sự phù hợp chưa?
Học sinh học được gì sau bài học ấy…
Hoặc với thời lượng 1 tiết 35 phút những nội dung cần triển khai có phù hợp? (Tránh tình trạng chương trình cũ nội dung kiến thức từng bài quá chênh lệch nhau, tiết quá nhẹ, tiết lại quá nặng…).
Sau những tiết dạy thực tế, giáo viên sẽ biết bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình.
Còn như bây giờ, tác giả của các bộ sách đương nhiên sẽ dùng hết mỹ từ ca ngợi sách của mình.
Và nếu không cẩn thận chúng ta sẽ chọn những bộ sách không phù hợp với chính học sinh trường mình, địa phương mình thì thật là đáng tiếc.