Trong tình hình tàu chiến Mỹ vừa đi vào vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông để tiến hành tuần tra, Philippines và Nhật Bản đã tiếp tục hành động, tìm cách phối hợp với Mỹ trong "cuộc chiến" với Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines sẽ tiếp tục chiến đấu với Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan. |
Theo hãng tin Reuters Anh, Tòa trọng tài thường trực The Hague quyết định có quyền thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines, đối tượng là Trung Quốc. Sau khi quyết định này được đưa ra, báo chí Philippines đặc biệt hoan nghênh, cho rằng Philippines đã giành chiến thắng “hiệp 1” trong vụ kiện mang tính lịch sử với Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, Philippines sẽ còn khởi động các biện pháp tiếp theo, tiếp tục chiến đấu với Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc.
Sau khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra quyết định trên, tờ "Philippine Daily Inquirer" Philippines cho biết, Chính phủ Philippines đã trông đợi vào tiến hành một cuộc đọ sức ở hiệp 2 khi tiến hành các thủ tục trọng tài, đưa ra các chứng cứ Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Được biết, Philippines có kế hoạch trình bày những chứng cứ này trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 11 năm 2015.
Mỹ tuyên bố ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng phương thức hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. |
Đối với quyết định của Tòa trọng tài quốc tế, Chính phủ Mỹ cũng đã công khai bày tỏ lập trường ủng hộ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết:
"Mặc dù chúng tôi còn đang nghiên cứu quyết định này của Tòa trọng tài quốc tế, nhưng chúng tôi chú ý đến, quyết định này sẽ dựa vào luật pháp để xét xử.
Tôi còn muốn nói rằng, căn cứ vào các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, quyết định của tòa trọng tài có sự ràng buộc pháp lý đối với cả Philippines và Trung Quốc".
Tờ "Thời báo Tài chính" Anh ngày 30 tháng 10 cũng dẫn lời một quan chức cấp cao Quân đội Mỹ cho rằng: "Đây là tin rất tốt, cho thấy luật pháp quốc tế áp dụng thích hợp cho tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, cho thấy, những đòi hỏi chủ quyền này hoàn toàn không phải không thể tranh cãi".
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn cự tuyệt tham gia vụ kiện Biển Đông của Philippines, điều này thực sự giống như họ cự tuyệt đối với luật pháp quốc tế và chỉ biết áp đặt "luật Trung Quốc" (luật rừng) cho vùng biển quốc tế - Biển Đông.
Trung Quốc thường lên tiếng "cự tuyệt" luật pháp quốc tế ở Biển Đông: Không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines. |
Thông qua kênh ngoại giao, giới bành trướng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng, phát quyết của tòa trọng tài đối với vấn đề quyền thụ lý vụ kiện này là "không có hiệu lực, không ràng buộc được Trung Quốc".
Theo quan điểm của Trung Quốc, trong vấn đề "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển", Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương án “cưỡng ép” nào đối với Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến tính chất “chủ quyền” trong vụ kiện của Philippines để bác bỏ quyền thụ lý của Tòa trọng tài quốc tế, nhưng trên thực tế, các nội dung kiện của Philippines là hợp pháp, không phải kiện “chủ quyền”.
Tòa trọng tài cũng đã tuyên bố rõ ràng về vấn đề này, đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Trung Quốc. Nếu Philippines thắng kiện trước Trung Quốc trong tương lai, Trung Quốc chắc chắn sẽ thua về mặt pháp lý và đạo đức. Trung Quốc có thể sẽ hung hăng đe dọa và sử dụng vũ lực, nhưng chắc chắn họ sẽ không thể áp đặt được yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp cho bất cứ ai, cho cộng đồng quốc tế.
Ngoài việc Philippines tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ vụ kiện nhằm vào Trung Quốc ở tòa trọng tài của Liên hợp quốc, Nhật Bản cũng tích cực hành động.
Ngày 1 tháng 11 năm 2015, tại Seoul Hàn Quốc, bên lề Hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp gỡ với người đồng cấp Trung Quốc. |
Mặc dù Hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn đang tổ chức ở Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã bày tỏ muốn cải thiện quan hệ Trung-Nhật, Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) cũng đã cử quan chức sang thăm Trung Quốc bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương, nhưng, điều này hoàn toàn không hề cản trở Nhật Bản tiếp tục ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Khi tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông, Nhật Bản đã bày tỏ lập trường ủng hộ. Ngày 28 tháng 10, cũng là 1 ngày sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra vùng biển 12 hải lý nêu trên, Nhật Bản đã lập tức tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ ở Biển Đông.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết Nhật Bản không tham gia hành động quân sự của Hải quân Mỹ và che giấu khả năng Nhật-Mỹ tiến hành huấn luyện liên hợp ở Biển Đông, nhưng báo chí Nhật Bản cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách "làm nhạt" cuộc diễn tập quân sự giữa Nhật-Mỹ nhằm tránh kích động Trung Quốc.
Đầu tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã đến thăm vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tàu chiến Nhật Bản sẽ được tiếp cận vịnh Cam Ranh để tiếp tế. |
Ngoài phối hợp với Mỹ về quân sự, Nhật Bản cũng triển khai một “đợt tấn công mới” trong lĩnh vực ngoài giao, mũi tấn công nhằm thẳng vào đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 29 tháng 10 cho biết, trong cuộc hội đàm cấp cao tổ chức với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.
Ngày 30 tháng 10, hãng tin Kyodo còn dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng ngày cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida từ ngày 4 tháng 11 đến thăm Luxembourg.
Ngoài tham gia hội đàm với Ngoại trưởng các nước ở Hội nghị Á-Âu (ASEM), ông sẽ còn hội đàm với Ngoại trưởng các nước châu Âu. Trong thời gian đó, ông Fumio Kishida cũng rất có khả năng bàn về vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida |
Nói chung, trong tình hình căng thẳng Biển Đông hiện nay, Nhật Bản và Philippines đang tăng cường phối hợp "tấn công" về mặt quân sự và ngoại giao để chống lại những mưu đồ và hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều thực sự là những hành động kiềm chế, ngăn chặn mạnh mẽ đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đây, liên minh Mỹ-Nhật Bản-Philippines được tăng cường, mục đích là bao vây, cô lập Trung Quốc.
Theo báo Hồng Kông, Trung Quốc rất có thể sẽ đưa ra "phản ứng cứng rắn về quân sự, ngoại giao", xu thế hòa dịu không dễ dàng của quan hệ Trung-Nhật cũng sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".
Có lẽ, bài báo muốn nhắc nhở rằng, nước nào trong khu vực phản ứng chống lại tham vọng và hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là "phá hoại đại cục" quan hệ song phương. Như vậy, Trung Quốc thường viện cớ “bảo vệ đại cục” để các nước ngồi yên không làm gì, còn Trung Quốc cứ rảnh tay ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự?!
Đầu tháng 11 năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Những hành động của Nhật Bản và Philippines chống lại chủ nghĩa bành trướng Biển Đông của Trung Quốc đã nêu trên bị bài báo Trung Quốc cho là "thêm dầu vào lửa" cho căng thẳng tình hình Biển Đông, có thể dẫn đến Trung Quốc "phản ứng cứng rắn", từ đó "được không bằng mất".
Bài báo rõ ràng đã tìm cách che giấu mưu đồ và hành động đen tối của Trung Quốc - tìm cách áp đặt ý chí bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Thực ra, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông mới chính là căn nguyên, là nhân tố chủ yếu, trực tiếp đang biến Biển Đông thành điểm nóng quốc tế, thành “thùng thuốc súng”.
Việt Nam là một nước có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với đầy đủ bằng chứng pháp lý và cơ sở lịch sử, do đó, Việt Nam kiên quyết không từ bỏ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, máu thịt của dân tộc Việt Nam.
Chủ quyền là máu thịt, “đại cục” quan hệ với nước khác chắc chắn không thể bằng máu thịt của mình. Tham vọng bành trướng Biển Đông của Trung Quốc đã quá rõ ràng và Việt Nam sẽ cùng các nước kiên quyết đấu tranh đánh bại các tham vọng và hành động bành trướng đó.
Hình ảnh Tập Cận Bình ngang nhiên đòi chủ quyền vô lý ở Biển Đông tại Đại học quốc lập Singapore ngày 7 tháng 11 năm 2015 |