Hiện nay, nhiều thầy cô giáo lúng túng trong việc dạy học trò cá biệt. Nhiều quan điểm cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhiều thầy cô có tư tưởng nóng vội hoặc thiếu triết lý, quan điểm giáo dục dẫn đường.
Bày tỏ quan điểm của mình, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Nếu ai nhận định do thiếu triết lý giáo dục dẫn đến thiếu phương pháp dạy học sinh cá biết thì nên suy nghĩ lại.
Bởi, triết lý giáo dục đã thể hiện rõ trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, của Đảng đã vô cùng trí tuệ và rất rõ ràng.
Thầy cô kiên trì áp dụng vào thực tiễn thì sẽ mang lại hiệu quả lớn”.
Thầy Nguyễn Văn Hòa (ảnh Thùy Linh). |
Theo thầy Hòa, trong Nghị quyết có ghi: “Giáo dục nhằm mục tiêu con người, dạy học sinh nên người.
Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và nhà trường gắn liền với xã hội. Giáo dục là chăm lo đến từng học sinh”.
Khi Nghị quyết này được ban hành, thầy Hòa đã cho áp dụng vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và ngôi trường này đã theo đuổi triết lý này gần chục năm qua.
Theo thầy Hòa: “Nếu chúng ta coi việc dạy học sinh nên người là mục tiêu của giáo dục thì việc cung cấp kiến thức chỉ là phương tiện để nhằm tạo thành một con người có ích cho xã hội, người lao động có trách nhiệm, sáng tạo.
Giáo dục mà coi việc cung cấp kiến thức là mục đích chính thì giáo viên sẽ phải nóng vội dẫn tới hay bức xúc, khó chịu khi học sinh không làm bài tập đúng, không thuộc bài.
Tôi nghĩ kiến thức là thấm dần, phải học ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Hôm nay không ghi nhớ thì ghi nhớ một chút rồi thấm dần, thấm dần từng chút, thấm vào trí tuệ con người và những kiến thức đó trở thành năng lực của bản thân học sinh.
Chứ chỉ kiến thức đơn thuần, ghi nhớ lặp lại thì những kiến thức đó sẽ là vô bổ”.
Vị này còn khuyên rằng: “Các thầy cô giáo nên nghĩ đến mục tiêu dạy học, nghĩ đến triết lý để thay đổi thái độ đối với học sinh.
Trường tôi coi dạy kiến thức là phương tiện, là con đường hình thành nhân cách. Mục tiêu của giáo dục là dạy làm người.
Tôi cũng cho rằng, trẻ con là trẻ con, các em chưa phải là người lớn. Nên mọi cái không một lúc tốt lên được mà phải từng bước, dần dần.
12 năm trên ghế nhà trường là cả một quá trình công phu, dày công và kiên trì thì mới tạo ra được con người có ích cho xã hội.
Còn mọi sự vội vàng để tạo áp lực sẽ không mang lại hiệu quả tốt đẹp. Điều này cũng chẳng ích gì cho giáo dục hay cho học sinh cả”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, thầy Hòa cho rằng: “Hiện chúng ta vẫn duy trì cách dạy học là dạy học sinh ngoan và vâng lời, bảo sao và làm vậy.
Trẻ em không hề được nêu chính kiến, không được dạy để nói lên chính kiến của mình. Các em không hề được dạy sáng tạo và lối dạy như vậy đang tồn tại khắp miền trong đất nước.
Tư tưởng, mục tiêu giáo dục là học sinh ngoan và vâng lời. Một trăm, một nghìn cái học bạ đều ghi là chấp hành kỷ luật.
Chính tư tưởng giáo dục kiểu đó, nên khi cô giáo đưa ra mệnh lệnh thì mọi học sinh đều xem là kỷ luật và cứ thế chấp hành.
Cái chết của chúng ta là đào tạo học sinh ngoan, vâng lời chứ không đào tạo học sinh thành những con người sáng tạo, có chính kiến”.
Cứ áp lực, nhồi nhét kiến thức thì học trò ra đời sẽ ngớ ngẩn |
Điểm hạn chế nữa theo thầy Hòa là: “Hệ thống của giáo dục nước ta chạy theo thành tích, chạy theo kết quả thi, chạy theo các kỳ thi chứ không chạy theo mục tiêu giáo dục là con người”.
Do đó, thầy Hòa rất lo lắng: “Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã chỉ ra giáo dục hướng tới mục tiêu hình thành nhân cách, dạy đứa trẻ biết sáng tạo, thành con người.
Đây là tư tưởng giáo dục đúng đắn nhưng ngành giáo dục hiện nay chỉ đạo từ trên xuống dưới vẫn là phải đào tạo học sinh ngoan, đào tạo kiến thức để thi cử”.