Một trong những vấn đề lãnh đạo các trường trung cấp y - dược bức xúc nhất là liên quan về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV.
Theo Thông tư này, từ ngày 1/1/2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng ngành kỹ thuật y.
Do đó, từ năm 2018, các trường trung cấp sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo, từ 2021 sẽ dừng tuyển dụng hệ trung cấp Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y học, từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn hệ thống.
Theo giải thích của Giáo sư Lê Ngọc Trọng - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế có văn bản thông báo từ năm 2021 ngành này không tuyển lao động trình độ trung cấp và năm 2025 chấm dứt hoàn toàn việc đào tạo trình độ này là do yêu cầu hội nhập ASEAN.
Giáo sư Lê Ngọc Trọng (đứng) cho rằng, thông tư của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đang gây ra hiểu nhầm trong xã hội (Ảnh: Thùy Linh) |
“Chính những thông tin này đã gây ra hiểu lầm trong xã hội, khiến các trường trung cấp y dược gặp khó khăn trong tuyển sinh. Bởi bây giờ toàn xã hội hiểu là học trung cấp ra là không làm việc được. Phụ huynh và học sinh không muốn cho con vào học các trường trung cấp”, Giáo sư Trọng nêu quan điểm.
Tại hội thảo “Định hướng cho các trường trung cấp Y – Dược” diễn ra tại Hà Nội ngày 23/5, bà Lê Thị Hồng Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác (Hà Nội), khẩn khoản: “Tôi tha thiết đề nghị các lãnh đạo ban ngành, Thủ tướng Chính phủ cứu các trường trung cấp. Đây là tiếng kêu cứu của chúng tôi, vì chúng tôi chết đến nơi rồi”.
Còn đại diện trường Trường Trung cấp Phương Nam, bà Đào Thị Ngọc cho biết, bằng giờ mọi năm trường bà đã tuyển được 300-400 học sinh nhưng hiện nay, trường tuyển sinh chưa được nổi 50 học sinh.
Không đủ tiêu chuẩn nâng lên Cao đẳng, nhiều Trung cấp sẽ bị giải thể |
"Đây là một thực tế rất đau lòng", bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, nếu tình hình không được cải thiện, sớm muộn gì trường cũng diệt vong. "Thực tế một tháng phải trả gần 1 tỉ đồng cho cán bộ giáo viên mà học sinh chỉ có năm mấy học sinh thì làm sao hoạt động nổi", bà Ngọc cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Phúc - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, trường có nguy cơ tan vì không có học sinh.
Do đó, lãnh đạo các trường trung cấp y dược mong muốn các bộ ban ngành “cứu” họ bằng cách cho họ chuyển đổi từ trung cấp lên thành trường cao đẳng. Chỉ có như vậy mới tránh được những hiểu lầm trong xã hội như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cho rằng, vướng mắc hiện nay là quy định điều kiện đối với trường cao đẳng quá cao, các trường khó có thể đáp ứng được chẳng hạn như quy định phải có diện tích 5 ha và vốn là 100 tỷ.
“Tôi không hiểu họ đặt điều kiện như vậy trên cơ sở của đất nước tiên tiến nào, giữa thủ đô Hà Nội lấy đâu 5 ha, còn nếu chúng tôi có 100 tỷ thì chắc chắn chúng tôi sẽ xây hẳn tòa nhà 20 tầng, đầu tư cơ sở vật chất là đủ sức đào tạo.
Còn nếu đầu tư ở những nơi như Láng Hòa Lạc, Sơn La, Lai Châu thì sẽ không có học sinh theo học vì học sinh vẫn muốn về thành phố để học tập, đó là chưa kể, ngành y dược, thời gian thực hành tại các Viện nghiên cứu, Bệnh viện chiếm lượng lớn thời lượng môn học” – Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác bức xúc.
Các trường lúng túng trong đào tạo
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từ đầu năm 2017 khiến các trường trung cấp lúng túng trong đào tạo, khó khăn trong việc tuyển sinh.
Bởi lẽ, lâu nay, chương trình của các trường trung cấp y dược được xây dựng theo niên chế, sau đó là theo học phần, học trình nay chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại yêu cầu xây dựng theo tín chỉ.
Ngoài ra, theo lãnh đạo các trường, hiện nay, nhiều trường chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh nên chưa biết năm nay sẽ tuyển sinh thế nào.