Cách gì dẹp được chuyện Ban giám hiệu nhà trường không đứng lớp?

20/07/2019 07:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Cần kỉ luật thật nặng những lãnh đạo không đứng lớp vẫn nhận tiền. Có thế, họ mới không dám tự cho mình đặc ân không lao động nhưng vẫn nhận sự ưu đãi.

Ông Võ Minh Hoàng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng vừa nhận quyết định buộc phải trao trả số tiền 74 triệu đồng (tiền phụ cấp đứng lớp) vì không thực hiện đúng quy định giảng dạy dành cho hiệu trưởng 2 tiết/tuần từ năm 2015-2018.

Quyết định kỷ luật ông Võ Thanh Hoa của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An (Báo Dân Trí)
Quyết định kỷ luật ông Võ Thanh Hoa của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An (Báo Dân Trí)

Đây không phải trường hợp duy nhất hiệu trưởng phải trả lại tiền đứng lớp.

Ông Nguyễn Bá Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, tỉnh Thái Bình đã không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn nhận phụ cấp đứng lớp hàng tháng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phú Lợi quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2017 – 2018 không lên lớp dạy, nhưng cuối năm vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp, tiền vượt giờ là 29,1 triệu đồng.

Hơn 10 năm làm hiệu trưởng, ông Bùi Huy Lưu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ đứng lớp có 1 học kỳ nhưng đã nhận số tiền phụ cấp ưu đãi dôi ra gần 23 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nhiều năm chỉ làm hiệu trưởng, không hề dạy một tiết nào mà vẫn "vô tư" nhận 30 % tiền phụ cấp đứng lớp hằng tháng.

Ông Võ Thanh Hoa làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tuy không đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn lập hồ sơ nhận khống số tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp hơn 43 triệu đồng.

Và còn nhiều, rất nhiều hiệu trưởng, hiệu phó nhiều trường học ở các địa phương, không đứng lớp nhưng hàng tháng vẫn nhận đủ tiền ưu đãi đứng lớp.

Điều này giáo viên biết nhưng không dám nói. Phòng, Sở giáo dục biết nhưng không nhắc nhở và cố tình làm lơ xem như đó là chuyện bình thường.

Chỉ đến khi một số giáo viên vì bức xúc chuyện gì đó mới làm đơn tố cáo, khi không thể bao che thì mọi việc mới được xử lý nhưng cũng chỉ dừng lại mức trả lại tiền là xong.

Vì sao chuyện Ban giám hiệu không đứng lớp vẫn nhận tiền luôn xảy ra?

Cách gì dẹp được chuyện Ban giám hiệu nhà trường không đứng lớp? ảnh 2
Không đứng lớp, một Hiệu trưởng ở Sóc Trăng bị yêu cầu trả lại hơn 74 triệu đồng

Chúng tôi nhận được khá nhiều lời phản ánh, chia sẻ của một số đồng nghiệp ở nhiều địa phương cho biết, Ban giám hiệu nhà trường không đứng lớp nhưng tiền ưu đãi vẫn nhận đủ hàng tháng.

Giáo viên nói rằng, ai cũng biết nhưng không ai lên tiếng vì sợ.

Cách mà Ban giám hiệu áp dụng để che mắt đoàn thanh tra (nếu có) là nhà trường vẫn phân thời khóa biểu ghi người dạy là phó hiệu trưởng, hiệu trưởng.

Họ cũng lên lịch báo giảng tiết dạy, ngày dạy, bài dạy.

Họ cũng có giáo án soạn bài, có ký duyệt hằng tháng hẳn hoi.

Nhìn vào thủ tục hành chính có thể nói “chuẩn đến từng xen ti mét”.

Chỉ có điều là nhiều người chẳng bao giờ lên lớp dạy một tiết, người thì năm thời mười họa mới có một khi.

Nếu ai đó dám tố cáo, không cẩn thận có khi phản ứng ngược là can tội vu khống lãnh đạo. Theo cách mà không ít thầy cô nhắn nhe nhau: “Chết không kịp ngáp ấy chứ”.

Vì, nếu thanh tra về nhìn vào sổ sổ sách ghi chép sẽ chẳng có gì để kết luận họ không dạy, chẳng có bằng chứng nào để buộc tội họ.

Vì vậy, nếu không bị dồn đến chân tường, chẳng thầy cô giáo nào dám húc đầu vào đá.

Nghĩ không ai làm được gì nên nhiều vị lãnh đạo nhà trường cứ ung dung ăn tiền mà chẳng phải dạy dỗ tiết nào.

Cần có hình thức kỷ luật thật nặng mới đủ sức làm gương

Trường hợp hiệu trưởng, hiệu phó nào đó bị phát hiện không dạy nhưng vẫn nhận tiền, xưa đến nay cách xử lý của các địa phương đều đơn giản như nhau, cứ trả lại tiền là xong.

Cách gì dẹp được chuyện Ban giám hiệu nhà trường không đứng lớp? ảnh 3
Hiệu trưởng trường Lý Công Uẩn phải hoàn trả 35% tiền phụ cấp ưu đãi ngành

Vì điều này, nhiều người thường nói với nhau, ai xui thì ráng chịu, cùng lắm khi bị phát hiện thì trả lại tiền là chẳng vấn đề gì.

Bởi thế, trong thực tế hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó trực tiếp đứng lớp giảng dạy (hiệu phó tuần 4 tiết, hiệu trưởng tuần 2 tiết) ở các trường rất ít.

Phần lớn là giáo viên tình nguyện dạy dùm hoặc tình nguyện trong thế bắt buộc.

Không dạy theo quy định nhưng vẫn làm hợp thức hóa hồ sơ, sổ sách, vẫn phân công thời khóa biểu, có thể nói những vị lãnh đạo này cùng lúc vi phạm rất nhiều tội.

Thứ nhất, tội giả mạo chứng cứ để hợp thúc hóa việc làm sai trái của mình.

Thứ hai, mắc tội tham nhũng vì số tiền ấy không phải là công sức của mình.

Thứ ba, can tội lừa dối cấp trên để mang lợi ích về cho cá nhân.

Thứ tư, cậy quyền, cậy thế tự cho mình đặc ân khác mọi người.

Chỉ bấy nhiêu tội chứng cần phải xử lý thật nghiêm minh như áp dụng hình phạt cao nhất là cách chức điều xuống làm giáo viên. Có thế mới làm gương cho nhiều người khác.

Tuyệt đối không thể ai làm sai chỉ trả lại tiền là xong như nhiều địa phương đang áp dụng.

Có thế, nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới không dám tự cho mình đặc ân không lao động mà vẫn hưởng quyền lợi.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mot-hieu-truong-phai-tra-lai-tien-dung-lop-1176459388.htm

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/hieu-truong-tra-lai-32-trieu-dong-nhan-sai-quy-dinh-258641.html

http://baolangson.vn/giao-duc/90705-ky-luat-hieu-truong-nhan-khong-hon-43-trieu-tien-dung-lop.html

http://baolangson.vn/giao-duc/90705-ky-luat-hieu-truong-nhan-khong-hon-43-trieu-tien-dung-lop.html

Phan Tuyết