Chuyện dạy của Ban giám hiệu nhà trường

21/10/2017 07:12
Thảo Ly
(GDVN) - Do tâm lý chẳng sợ ai dự giờ, kiểm tra như hồi còn làm giáo viên nên phần lớn các Ban giám hiệu nhà trường thường buông xuôi, họ chỉ dạy đủ số tiết quy định.

LTS: Theo cô giáo Thảo Ly, việc ban giám hiệu không đầu tư cho tiết dạy cũng bởi họ không bị ai dự giờ đánh giá. Do đó, Bộ Giáo dục cần phải có quy định Ban giám hiệu dạy một số tiết có dự giờ như các giáo viên khác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài “Cô không lên lớp thì sai, mà dạy tiết nào cũng tội nghiệp học trò” của tác giả Thanh An đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới thấy chuyện này chẳng phải hiện tượng cá biệt trong một trường, một địa phương, nó là hiện tượng phổ biến, chuyện đương nhiên là thế trong ngành giáo dục của chúng ta.

Nó phản ánh việc “nói một đường làm một nẻo” và “nói không đi đôi với làm” của các Ban giám hiệu nhà trường, người luôn được xem như là “đầu tầu gương mẫu” trong mỗi trường học.

Chuyện dạy của ban giám hiệu nhà trường có đúng thực chất (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn).
Chuyện dạy của ban giám hiệu nhà trường có đúng thực chất (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn).

Lên chức là đổi môn dạy

Thường thì khi được cất nhắc lên Ban giám hiệu nhà trường, phần lớn họ là giáo viên có tay nghề chuyên môn vững. Nay nắm chuyên môn của một trường, được dự giờ nhiều giáo viên, được tiếp cận nhiều phương pháp dạy học mới, được cọ xát nhiều với các cuộc thi chuyên môn của khu vực thì lẽ ra tay nghề của Ban giám hiệu phải càng ngày càng vững vàng.

Có lẽ do tâm lý chẳng sợ ai dự giờ, kiểm tra như hồi còn làm giáo viên nên phần lớn các Ban giám hiệu nhà trường thường buông xuôi, họ chỉ dạy cho đủ số tiết quy định.

Đã có không ít học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông bức xúc “Thầy hiệu phó dạy chán gì đâu ấy, thầy giảng bài chẳng hiểu”.

Có em phàn nàn “Cô hiệu trưởng dạy tiếng Anh lớp con phát âm còn thua bạn Hùng trong lớp (Hùng là học sinh giỏi tiếng Anh của trường).

Thế nên khi đã làm sếp rồi đại đa số giáo viên dạy các môn Toán, Lý Hóa, Anh văn, Văn (các bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông) đều tự đổi môn dạy cho mình.

Họ biện minh không có thời gian đầu tư cho chuyên môn vì bận nhiều việc. Môn được Ban giám hiệu chọn dạy nhiều nhất là môn Giáo dục công dân và môn Công nghệ.

Chuyện dạy của Ban giám hiệu nhà trường ảnh 2

Hiệu trưởng, Hiệu phó lên lớp và dạy học như thế nào?

Theo một số học sinh phàn nàn “thầy hiệu trưởng dạy lớp con môn Giáo dục công dân, thầy chẳng bao giờ giảng bài, lấy ví dụ ngoài thực tế mà chỉ cho đọc sách giáo khoa và dặn về nhà học trong sách để kiểm tra”.

Có em than “do không hiểu bài nên tụi con đọc trong sách vừa dài vừa khó thuộc”.

Em lại nói rằng “thầy Hiệu phó dạy môn Công nghệ tới phần nấu ăn, trong khi các lớp khác được thực hành nấu ăn thì lớp con cũng chỉ đọc bài trong sách giáo khoa thôi”.

Có giáo viên tiểu học nói rằng “Ban giám hiệu vào dạy xong mình phải vào dạy lại vì nhiều khi học sinh không hiểu bài”.

Có thầy cô phàn nàn, họ liên tục nói rằng giáo viên phải kèm học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi nhưng vào dạy lớp mình cả buổi, gặp mấy học sinh yếu chẳng ghi được một chữ, bài tập cũng chẳng làm nhưng thầy cô cũng chẳng phát hiện ra.

Với những học sinh lười học, được thầy cô Ban giám hiệu lên lớp dạy là may mắn vì có khi lớp chỉ học khoảng 2/3 thời gian là được chơi, hôm được nghỉ, hôm có thầy cô trông hộ vì Ban giám hiệu lúc bận việc, khi tiếp khách, hôm đi họp, có không ít lần lại quên vì …“lu bu nhiều việc nên quên mất hôm nay mình có tiết”.

Giành dạy tăng tiết

Dạy theo tiêu chuẩn thì ai cũng kêu bận nhưng dạy tăng giờ (dạy khi thiếu giáo viên, khi thầy cô bị bệnh…) nhiều Ban giám hiệu lại giành dạy hết.

Bởi, một tiết tăng theo ngân sách nhà nước trả theo lương một giáo viên có khoảng 20 năm đứng lớp từ 120-130 ngàn đồng/tiết. Nếu buổi sáng dạy 4 tiết thì số tiền được nhận khoảng 500 ngàn đồng.

Không ít Ban giám hiệu ngay từ đầu năm học, đã tự phân cho mình một tuần dạy tăng khoảng 5 tiết trong khi giáo viên chỉ tăng được vài ba tiết là nhiều.

Hoặc trong trường hôm ấy, bất ngờ có giáo viên nhập viện thay vì phân công một số giáo viên khác dạy thay thì không ít Ban giám hiệu lại phân công cho nhau thay phiên dạy để nhận tiền phụ trội.

Chuyện dạy của Ban giám hiệu nhà trường ảnh 3

Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!

Phần lớn thầy cô trong trường đều bất bình nhưng chẳng ai dám lên tiếng.

Bởi nếu phản ứng, dĩ nhiên nhiều người được lợi nhưng chính bản thân người đó lại “lên bờ xuống ruộng” bởi cách trả thù của họ.

Giáo viên đó sẽ bị xếp tiết dự giờ chưa đạt, xếp dạy vào lớp học yếu, lớp khó khăn, hoặc hay bị la, bị xoi mói, để ý, bị chỉ trích giữa Hội đồng, bị xếp loại công chức, bị chuyển trường đi xa…

Giải pháp nào hạn chế tình trạng trên?

Ban giám hiệu không đầu tư cho tiết dạy cũng bởi chuyện họ không bị ai dự giờ đánh giá. Bởi thế, cũng cần phải có quy định Ban giám hiệu dạy một số tiết dự giờ như giáo viên.

Mỗi khi Phòng, Sở thanh tra, nếu ngày hôm đó Ban giám hiệu có tiết dạy cũng cần được kiểm tra như những giáo viên bình thường khác.

Để Ban giám hiệu nhà trường dạy thao giảng trước giáo viên thì dù có lười đến đâu, Ban giám hiệu cũng phải lo soạn bài, đầu tư cho bài dạy một cách bài bản để đỡ “mất mặt” với giáo viên của mình, để còn dễ ăn nói sau này.

Nếu cứ quy định như hiện nay, đã lên làm giám hiệu là không có ai kiểm tra tiết dạy thì chẳng bao giờ họ phải đầu tư cho việc soạn giảng cũng là điều dễ hiểu.

Mà như thế học sinh là người chịu thiệt thòi nhất khi phải học những tiết dạy mà giáo viên chẳng có sự đầu tư, chuẩn bị.

Thảo Ly