Cách trường THPT phổ biến quy chế để HS không làm lộ đề thi tốt nghiệp 2024

06/06/2024 06:26
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhiều trường THPT đã phổ biến quy chế thi rộng rãi đến giáo viên, học sinh, nhắc nhở học sinh đề thi tốt nghiệp thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “tối mật”.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức từ 26-29/6/2024. Như vậy, chưa đầy 1 tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đều đang chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực,... để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.

Mặc dù Quy chế thi đã đưa ra các quy định rõ ràng, nhưng những năm gần đây vẫn xảy ra trường hợp thí sinh vi phạm Quy chế thi, mang điện thoại vào phòng thi, thậm chí là để lọt đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian thi.

Vì vậy, vấn đề quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quy chế thi đến học sinh, giáo viên, phụ huynh là vô cùng quan trọng.

gdvn_thi tn.jpg
Theo Quy chế thi tốt nghiệp, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả thi. Ảnh minh họa: PM

Làm lộ đề thi là vi phạm pháp luật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Cao Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Bình Phước) cho biết, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị, tuyên truyền Quy chế thi có quét mã QR để tập huấn cho cán bộ, giáo viên nhà trường.

Sau đó, hiệu trưởng và hiệu phó phụ trách chuyên môn sẽ triển khai tới toàn trường thông qua nhiều hình thức.

Thứ nhất, công bố quy chế thi trên website của nhà trường.

Thứ hai, thông tin về quy chế thi trên nhóm Zalo của nhà trường để thầy cô có thể quét mã QR, tìm hiểu và nghiên cứu.

Thứ ba, tuyên truyền trong buổi họp của toàn trường, hiệu trưởng sẽ phổ biến trực tiếp quy chế thi, trong đó có nhiệm vụ cụ thể của giáo viên và học sinh.

ảnh thầy Hùng.jpeg
Thầy Cao Quang Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Ngoài nội dung triển khai quy chế thi, nhà trường đã nhắc nhở học sinh, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “tối mật”. Nhà trường đã phổ biến kỹ cho các em đề thi được bảo quản như thế nào, qua đó nhấn mạnh việc làm lộ đề thi là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện nay, khu hiệu bộ, phòng chuyên môn của trường đã trang bị 2 camera và 1 đầu thu để đảm bảo an ninh, an toàn các dữ liệu thi. Trang thiết bị này cũng đang áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước rất quan tâm đến việc ôn tập của học sinh lớp 12. Hiện nay, nhà trường đã tổng kết năm học cho học sinh khối 10, 11. Riêng học sinh khối 12 được học phụ đạo 5-6 buổi sáng trong tuần, mỗi buổi có 5 tiết học.

Thầy Trần Văn Tuyền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảo (Nam Định) cho biết, trường có 274 học sinh khối 12 đủ điều kiện dự thi kỳ thi trung học phổ thông năm 2024.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, nhà trường đã tổ chức tập huấn, phổ biến Quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường. Điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực hiện theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong các buổi chào cờ đầu tuần, dịp sinh hoạt tập thể, lãnh đạo nhà trường, đoàn thanh niên đã quán triệt với học sinh rất rõ những gì được phép và không được phép mang vào phòng thi.

Thầy Trần Văn Tuyền.jpeg
Thầy Trần Văn Tuyền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảo. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, nhà trường cũng đã chia sẻ với học sinh một số trường hợp vi phạm quy chế thi như mang điện thoại vào phòng thi, làm lộ đề thi ra ngoài. Đề thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc danh mục bí mật Nhà nước có độ “tối mật”, nếu để lộ ra sẽ bị xử lý hình sự.

Thầy Tuyền cho rằng, học sinh của Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảo đều chăm ngoan và nhận thức đầy đủ nội dung quy chế thi. Trong các kỳ thi kiểm tra, nhà trường cũng thường xuyên yêu cầu học sinh nghiêm túc thực hiện đúng quy chế.

Ngày 28/5, nhà trường đã kết thúc chương trình học chính khoá theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hoá) thông tin, về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã có những văn bản chỉ đạo chặt chẽ.

Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, phòng thi theo đúng quy định. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chắc chắn đi vào đúng quy chế, diễn ra bình thường, an toàn và nghiêm túc.

Năm 2024, trường có 587 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông. Nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến quy chế thi và cho học sinh, giáo viên ký cam kết thực hiện quy chế thi.

Đối với Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, trong thời gian kết thúc năm học, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ôn tập các môn thi tốt nghiệp, các môn thi theo khối, trên tinh thần tự nguyện của học sinh và được phụ huynh chấp thuận.

Các thầy cô cũng sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc để trang bị cho học sinh kiến thức tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới.

Vì sao năm nào cũng có học sinh vi phạm quy chế thi?

Việc phổ biến quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như thực hiện nghiêm túc quy chế thi là một trong những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, có thể thấy những năm qua vẫn xảy ra trường hợp thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, để lọt đề thi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi.

Thầy Cao Quang Hùng cho rằng, nhiều trường hợp vi phạm quy chế thi chủ yếu do thói quen sử dụng điện thoại hàng ngày của học sinh, các em để điện thoại trong túi quần,

Có những trường hợp học sinh vào phòng thi mà quên chưa bỏ điện thoại ra ngoài. Mặc dù học sinh có thể đã nghe quy chế, nhưng trước buổi thi, giám thị nên nhắc lại quy chế thi một lần và yêu cầu thí sinh nộp lại điện thoại vào khu vực cách ly.

Theo quan điểm của thầy Thiều Ánh Dương, trường hợp thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, làm lộ đề thi một phần do mức độ quán triệt của các nhà trường đối với học sinh, phụ huynh chưa thực sự sâu sát. Bản thân phụ huynh học sinh cũng nên vào cuộc để nhắc nhở con em thực hiện đúng quy chế thi.

Về nguyên nhân của việc này, thầy Dương cho rằng, nhiều trường hợp thí sinh để quên điện thoại trong túi mà vô tình mang vào phòng thi. Hoặc có trường hợp cán bộ coi thi đã quán triệt từ buổi làm thủ tục dự thi, phổ biến quy chế thi, nhưng một số học sinh vẫn không chú ý tiếp nhận nghiêm túc. Cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân học sinh không đến làm thủ tục dự thi, hoặc đi muộn.

Gian lận bằng công nghệ cao có đáng lo ngại?

Đối với vấn đề phòng chống sử dụng công nghệ cao, thầy Cao Quang Hùng cho biết điều này không đáng lo, bởi cán bộ công an đã tập huấn nghiệp vụ cho nhà trường các biện pháp phòng chống gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao.

Cách nhận biết là một số nút trên cổ áo sẽ sáng hơn so với bình thường, hoặc thí sinh sẽ chú ý, tập trung vào một điểm. Những thí sinh gian lận sẽ luôn có thái độ lo lắng, mất tự nhiên, thiếu tập trung làm bài. Một phòng thi chỉ có 24 thí sinh, trong khi cán bộ coi thi đã được tập huấn và quan sát kỹ, nên học sinh khó có thể quay cóp hoặc sử dụng công nghệ cao.

Còn thầy Thiều Ánh Dương tỏ ra quan ngại với vấn đề này. Bởi sự phát triển của các thiết bị công nghệ cao sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục để hướng đến một kỳ thi công bằng cho các thí sinh.

Thầy Thiều Ánh Dương.jpeg
Thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng. Ảnh: NVCC

“Lãnh đạo các hội đồng thi, cán bộ coi thi đã quán triệt đầy đủ, và cơ quan Công an đã tuyên truyền, hướng dẫn tới cán bộ, giáo viên. Nhưng không đơn giản như điện thoại, với thiết bị công nghệ cao tinh vi hơn, có nhiều vấn đề cán bộ khó có thể nhận biết được", Thầy Thiều Ánh Dương lo lắng.

Hơn nữa, hàng năm, các thiết bị công nghệ ngày càng phát triển và hiện đại hơn. Theo thầy Dương, việc phòng chống sử dụng công nghệ cao rất khó khăn vì đôi khi vượt quá chuyên môn của cán bộ, giáo viên coi thi.

Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng đặc biệt quan tâm từ vấn đề cơ sở vật chất, trang bị phòng, camera giám sát tới lực lượng bảo vệ đề thi.

Đối với học sinh, nhà trường cũng tuyên truyền và quán triệt việc bảo quản đề thi trong quá trình làm bài. Đề thi thuộc danh mục bí mật Nhà nước ở độ tối mật, tuyệt đối nghiêm cấm học sinh đưa đề thi lọt ra ngoài bằng mọi hình thức.

Nhà trường xác định kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần được thực hiện nghiêm túc, chuẩn mực. Với các kỳ thi khác trong trường, học sinh đều đã thực hiện rất nghiêm túc. Do đó, việc rèn luyện thói quen cho học sinh trong việc thực hiện Quy chế thi không quá khó khăn.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng, nghiêm túc

Để kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 diễn ra an toàn, công bằng, nghiêm túc, cần sự vào cuộc của trách nhiệm của các ngành, địa phương, sự quan tâm của gia đình, nhà trường và sự nỗ lực của chính thí sinh.

Thầy Thiều Ánh Dương chia sẻ một số giải pháp. Thứ nhất là công tác tuyên truyền, không chỉ dừng lại trong hội đồng thi mà cần tuyên truyền cho cả phụ huynh để nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc Quy chế thi.

Thứ hai là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng thi trong việc quán triệt, phổ biến quy chế thi đến từng học sinh.

Thứ ba là quy định phải được dán công khai trên trên bản tin của nhà trường, trên lớp và phòng thi.

Đặc biệt, cán bộ coi thi phải thường xuyên nhắc nhở nghiêm để ngăn chặn các hành vi vi phạm như quay cóp, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.

Đồng tình với ý kiến của thầy Dương, thầy Trần Văn Tuyền nhận định, khâu tuyên truyền luôn là khâu quan trọng nhất để các trường, các điểm thi thực hiện nghiêm túc kỳ thi, giúp học sinh nhận thức được việc thực hiện đúng Quy chế thi.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục phải nghiêm túc thực hiện việc phổ biến Quy chế thi cho cán bộ, giáo viên cũng như học sinh.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, giáo viên được phân công làm giám thị coi thi cần thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công với trách nhiệm cao, tạo tâm lý thoải mái để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Thứ ba, chuẩn bị kỹ các điều kiện, xây dựng kế hoạch tổ chức đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, khách quan, tuyệt đối an toàn.

Thầy Tuyền khuyên các thí sinh, thời gian không còn nhiều, các em cố gắng giữ vững tâm lý và sức khoẻ, có đủ tự tin, bình tĩnh để chinh phục kỳ thi cuối cùng của bậc học phổ thông.

Ngày 31/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Tại đây, một trong những nội dung đáng chú ý được tập huấn tại hội nghị là công tác nhận diện gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.

Trình bày vấn đề này, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng phòng, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công An), các hành vi gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phức tạp nên việc nhận diện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thi cử rất quan trọng. Việc sử dụng có thể diễn ra ở thí sinh, giáo viên hoặc cả phụ huynh nhằm truyền phát thông tin đề thi ra ngoài, chuyển đến đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại cho TS.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, những thiết bị công nghệ cao về cơ bản không thay đổi nhiều về đặc điểm.

Hình dạng các thiết bị này bên ngoài giống các đồ vật thông dụng. Thiết bị nhỏ gọn để gắn vào các đồ vật thông thường và thường phải có liên kết bởi 2 phần (trong và ngoài phòng thi). Trong phòng thi sẽ có “tai nghe” và thiết bị có chức năng thu/phát vô tuyến.

Tai nghe cũng siêu nhỏ bằng hạt ngô, hạt đậu để đặt vào lỗ tai và sử dụng kết nối không dây đến thiết bị nên giám thị khó nhận biết được.

Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho biết đặc điểm mới năm nay được biết đến ở các thiết bị thông minh gồm: nhẫn thông minh, bút thông minh (bút tàng hình), kính thông minh hay kính ảo, thiết bị ghi âm kỹ thuật số, điện thoại di động.

Về giải pháp để nhận diện hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật để gian lận trong phòng thi, theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái có 6 phương pháp nhận diện.

Cụ thể là sử dụng biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn, kiểm tra, phát hiện việc sử dụng thiết bị công nghệ. Cạnh đó là chặn đường truyền của thiết bị gian lận, quan sát đặc điểm của vật dụng để phát hiện đặc điểm khác lạ.

Đồng thời, việc gian lận còn được phát hiện qua việc cán bộ làm công tác thi phải quan sát biểu hiện tâm lý của thí sinh, nhận biết qua những dấu hiệu bất thường của thí sinh. Bởi theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, những thí sinh gian lận luôn tìm cách che giấu và có những thái độ như lo lắng, hay giật mình, hồi hộp, mất tự nhiên, thiếu tập trung làm bài, trông ngóng bên ngoài…

“Thời tiết nóng bức nhưng thí sinh lại mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo, túi áo cộm đồ vật. Hoặc quan sát thí sinh để tóc dài trùm tai, trùm gáy, miệng lẩm nhẩm đọc đề thi, chờ đợi thông tin từ thiết bị…” - Thượng tá Nguyễn Trọng Thái dẫn chứng.

Do đó, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho rằng để phòng, chống gian lận và ngăn chặn sử dụng thiết bị công nghệ cao, vai trò của cán bộ làm công tác coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất quan trọng. Vì vậy, ngoài việc tập huấn, việc lựa chọn cán bộ tham gia công tác thi cũng cần được chú trọng để chọn những người có kinh nghiệm tốt nhất.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/bo-cong-an-bat-mi-cach-phat-hien-gian-lan-thi-tot-nghiep-thpt-bang-cong-nghe-cao-post793488.html

Bích Ngọc