LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc các giáo viên tìm cách có được chứng chỉ tiếng Anh để bổ sung vào hồ sơ, tác giả Sông Mã cho biết nhiều giáo viên cảm thấy xấu hổ vì việc này chẳng khác nào đi mua bằng.
Tác giả cũng cho rằng với những giáo viên mà chuyên môn không cần đến tiếng Anh thì không nhất thiết phải yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tiếng Anh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mặc dù các trường học quê tôi không có công văn bắt buộc hay kêu gọi giáo viên đi học Anh văn như một số nơi nhưng hàng mấy trăm giáo viên nơi đây cũng đã tự tìm học tại trung tâm dạy nghề của thị xã để lấy giấy chứng nhận ngoại ngữ kẹp vào hồ sơ công chức.
Trước đó, giáo viên các trường thường truyền tai nhau “Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông”.
Theo đó, giáo viên cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học mới có thể thi công chức, nâng lương. Thế là, các thầy cô giáo cứ nháo nhác đi tìm nơi nào dạy ngoại ngữ để đăng kí để học.
Nhiều giáo viên bằng mọi cách cố kiếm bằng được chứng chỉ ngoại ngữ. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Nghẹt nỗi, các trung tâm dạy ngoại ngữ uy tín trong vùng yêu cầu người học phải học thật sự và dự thi cấp chứng chỉ cùng với nhiều học viên các ngành nghề khác một cách rất nghiêm túc.
Nhưng nếu học và thi như thế, phần đông giáo viên sao có thể theo học được. Chưa nói bị bó hẹp về thời gian, mà kiến thức của phần lớn thầy cô không cho phép.
Có giáo viên từ nhỏ đến lớn chưa hề biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi, người học từ ngày xa xưa giờ chỉ nhớ bập bõm vài từ ngữ đơn giản…
Lợi dụng điều này, một số trường đại học tư thục trong nước hoặc một số trung tâm dạy ngoại ngữ ít tên tuổi khắp nơi đã liên kết với các trung tâm dạy nghề ở các huyện thị mở lớp ôn luyện tiếng Anh cấp tốc cho giáo viên.
Giáo viên kể chuyện làm hồ sơ thi chứng chỉ Tiếng Anh, Tin học |
Nói là học, là ôn luyện ngoại ngữ cho “oai” chứ chỉ mất có vài buổi lên lớp và đóng một khoản tiền học phí cố định là ai cũng nghiễm nhiên có một chứng chỉ ngoại ngữ trong tay.
Không ít giáo viên cầm được tấm chứng chỉ không thấy vui mừng, hãnh diện mà cảm thấy xấu hổ vì “nó giống như mình đi mua bằng một cách công khai”.
Bởi, chỉ với 4 buổi đến lớp đã hoàn thành xong khóa học. Buổi đầu tiên ghi danh, nộp tiền và dặn dò lịch ôn, lịch thi…
Buổi thứ hai, thứ ba phát tài liệu để về tự ôn. Giáo viên hướng dẫn thêm một số nội dung để học viên chuẩn bị thi phần vấn đáp.
Như mấy câu chào, câu hỏi thăm đơn giản, giới thiệu mình và gia đình, vài câu thăm hỏi thông thường, một số câu nói chúc ngủ ngon, chúc buổi tối vui vẻ…
Cùng với tập tài liệu là một số mẫu câu, đoạn văn được dịch sẵn, được trả lời…
Buổi thứ tư là ngày thi để cấp chứng chỉ. Hàng trăm giáo viên được xếp vào các phòng thi, họ cũng phải trải qua hai vòng sát hạch như thường lệ là vấn đáp và thi viết.
Chỉ có điều khác lạ, giáo viên khi trả lời câu hỏi nếu sai có quyền giở tài liệu đem theo để trả lời lại. Hoặc cứ tự do nói vài câu tiếng Anh theo trí nhớ của mình mà không cần biết giáo viên sát hạch vừa hỏi gì.
Những chính sách thiết thân với Nhà giáo |
Có thầy cô bật mí: “Nghe giáo viên coi thi hỏi nhưng chẳng hiểu gì nên cứ nói đại vài câu mình đã học thuộc ở nhà không trúng cái này cũng trúng cái kia”.
Phần thi viết, đề thi là toàn bộ những câu hỏi và câu trả lời có trong đề cương mà trung tâm đã phát trước đó nên thầy cô chỉ việc mở ra chép y nguyên vào và nộp bài.
Bởi thế, chỉ sau một tuần 100% giáo viên tham gia khóa học nhận được chứng chỉ Anh văn B.
Cầm tấm chứng chỉ trên tay có không ít thầy cô giáo phải thốt lên “Mình có trình độ Anh văn B rồi nhé! Ôi chao! Sao xấu hổ muốn chết đi được!”
Với chứng chỉ loại này, đương nhiên sẽ làm đẹp trong hồ sơ công chức nhưng nó có tác dụng gì không? Bảo rằng nâng cao trình độ học tập ngoại ngữ ư? Sao nghe nó xa xỉ quá!
Từ lúc chưa học đến lúc cầm được tờ giấy công nhận trên tay thì trình độ ngoại ngữ của đại đa số giáo viên theo học chẳng được cải thiện chút nào.
Dù thế, mỗi giáo viên phải mất một khoản tiền đóng vào đó cũng không hề nhỏ. Người hưởng lợi lớn nhất từ kiểu học ngoại ngữ siêu cấp tốc như thế chỉ là các trường và các trung tâm liên kết đào tạo với nhau.
Có nhất thiết yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ hay không? Quy định này chỉ dành cho những sinh viên đang học hoặc sắp ra trường là phù hợp nhất.
Đặc biệt những giáo viên bậc phổ thông và tiểu học đã giảng dạy lâu năm không nên yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ.
Bởi, chẳng ai có thể bỏ công sức theo học thật sự để lấy cái điều mà chẳng phục vụ gì cho công tác giảng dạy của mình. Có chăng chỉ làm giàu cho một số trung tâm cơ hội.
Vấn đề cần nói là với kiểu dạy ngoại ngữ siêu tốc như thế này chẳng ngành giáo dục không biết? Vậy tại sao không được tuýt còi để chấm dứt ngay tình trạng dạy và học gian dối như thế?