Mới đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh về Dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (Q.Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 600m, rộng 17m (7m lòng đường, 5m vỉa hè mỗi bên), nối từ nút giao Nguyễn Đình Chiểu và Tô Hiến Thành ra đường Đại Cồ Việt. Dự án do Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất 9.018m2.
Theo phương án đã được công bố đến các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ cho dự án xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến phố Đại Cổ Việt, mặc dù trong hồ sơ niêm yết của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng đều xác định nguồn gốc đất của các hộ dân bị thu hồi đều là đất ở, được sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993 đến nay.
Tờ trình của UBND quận Hai Bà Trưng vẫn trên quan điểm "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" với người dân. |
Tuy nhiên, khi xây dựng phương án áp giá đến bù thì UBND, Ban bồi thường quận Hai Bà Trưng lại áp dụng chi trả mỗi hộ một kiểu.
Tùy từng trường hợp nêu trên các hộ trên chỉ được chi trả đền bù từ 40-60% diện tích đất bị thu hồi, thậm chí có một số hộ còn không được bồi thường như hộ bà Chu Thị Nga, hộ ông Chu Đặng Nhân...
UBND quận Hai Bà Trưng lấy lý do là căn cứ vào bản đồ năm 1996 và cho rằng, đất của các hộ dân thuộc 1 phần đất giao thông nên không được đền bù.
Điều đáng nói, hầu hết các hộ dân bị thu hồi đều là những hộ rất khó khăn về cuộc sống và chỗ ở.
Sau khi nhận được nhiều khiếu nại của người dân và bức xúc của dư luận, báo chí, ngày 27/9/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có Tờ trình số 55 với nhiều nội dung “sửa sai” nhưng vẫn trên quan điểm “bố thí” cho người dân.
Giữa trung tâm Hà Nội thu hồi chỉ đền bù...40% diện tích, dân nào chịu được?(GDVN) - Diện tích đất ở ổn định từ trước năm 1993 nhưng nay chính quyền thu hồi để mở rộng đường thì chỉ đền bù từ 40-60 diện tích đã thu hồi. |
Mặc dù được bồi thường 100% về đất ở nhưng lại “bắt ép” người dân nộp từ 40 – 60% tiền sử dụng đất.
Còn diện tích đất được xác định là nguồn gốc đất giao thông chỉ được hỗ trợ 50% đơn giá bồi thường.
Nếu áp dụng kiểu tính "mới" này thì số tiền bồi thường cho người dân vẫn như cũ, chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân.
Tờ trình của UBND quận Hai Bà Trưng có đoạn viết: Về việc hỗ trợ đất có nguồn gốc là đất giao thông, để giải quyết kiến nghị của các hộ dân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án, UBND quận Hai Bà Trưng kính đề nghị UBND Thành phố, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố cho phép được áp dụng chính sách hỗ trợ 50% đơn giá bồi thường về đất dự án (tùy từng vị trí) do phần diện tích đất công các hộ đã sử dụng năm sau năm 1997 đến trước năm 2000 trước khi có quy hoạch dự án xây dựng được Nguyễn Đình Chiểu và không có biên bản xử lý việc vi phạm pháp luật về sử đụng đất.
Về chính sách tái định cư, các hộ dân sẽ được bố trí 01 căn hộ tái định cư tính theo giá nhà định định tại khoản 2, Điều 26, Quyết định 23/QĐ-UBND.
Đối với 09 hộ dân có nguồn gốc là đấy hợp tác xã, UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND Thành phố bồi thường 100% đơn giá đất của dự án nhưng lại khấu trừ tiền sử dụng đất từ 40 – 50% theo đơn giá quy định của Thành phố.
UBND quận cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội bố trí nhà tái định cư cho các hộ gia đình nói trên.
Sau khi nhận được tờ trình nêu trên của UBND quận Hai Bà Trưng, các hộ dân tiếp tục có đơn khiếu nại vì: nguồn gốc đất của họ sử dụng từ trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp nên phải được đền bù 100% diện tích đất (vì tất cả diện tích phải được xác định nguồn gốc như đất ở), được bố trí tái định cư và không phải khấu trừ tiền sử dụng đất…
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích:
“Theo quy định tại điều 50, Luật Đất đai năm 2003 và Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 thì đất ở được xác định là đã sử dụng ổn định, lâu dài trước ngày 15/10/1993 đều đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng trong các hộ dân thuộc dự án tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu – Đại Cồ Việt có một phần là đất giao thông theo bản đồ giao thông năm 1996, ở đây phải xác định rõ kể cả trong trường hợp diện tích đất này trước đây nếu đã có quyết định thu hồi nhưng trong thực tế chưa thu hồi và người dân vẫn quản lý sử dụng thì theo khoản 9, Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP thì Nhà nước vẫn phải bồi thường cho người dân mà không được trừ bất cứ khoản tiền nào.
Về tái định cư: Theo quy định tại khoản 1, Điều 22, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” ; Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 quy định về chính sách tái định cư khi nhà nước thu hối đất như sau: “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Việc UBND quận Hai Bà Trưng chưa bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, mà đã thông báo thu hồi đất là xâm phạm quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định, vi phạm nghiêm trọng về chính sách nhà ở và tái định cư, đẩy người dân ra đường là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Vì thế, việc UBND chỉ hỗ trợ (có một số hộ còn không được hỗ trợ) khi thu hồi đất đối với dự án trên là vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ich hợp pháp của người bị thu hồi đất. Phải chăng cố ý làm trái để trục lợi?”.
Như vậy, mặc dù thừa nhận kiến nghị của người dân là đúng nhưng UBND quận Hai Bà Trưng vẫn trên quan điểm “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với người dân. Làm cán bộ mà suy nghĩ “hẹp hòi” như vậy thì sao có thể lấy “dân làm gốc” được?
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn cán bộ "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta!". Mong rằng, cán bộ quận Hai Bà Trưng phát huy lời dạy của Bác để làm nhiều việc "có lợi" cho người dân hơn nữa.