Cần có quy định rõ ràng và xử lý nghiêm khắc các vi phạm về liêm chính khoa học

14/11/2023 09:22
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không trung thực thì chỉ làm cho nghiên cứu đi xa cái chân lý muốn tìm đến và gây ra hệ quả nặng nề về phẩm chất, đạo lý của người làm khoa học.

Trung thực trong công bố là tiêu chuẩn đầu tiên của người làm khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, liêm chính khoa học, trung thực trong công bố khoa học là tiêu chuẩn đầu tiên của người làm khoa học.

Ông Bình lý giải: "Khoa học có nhiệm vụ khám phá, đi tìm chân lý, tiệm cận đến cái chân lý nhằm giúp cho cuộc sống con người ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn và cũng hiểu được con người và xã hội một cách đúng đắn hơn. Nếu không trung thực thì chỉ làm cho nghiên cứu đi xa cái chân lý muốn tìm đến và gây ra hệ quả nặng nề về phẩm chất, đạo lý của người làm khoa học.

Tuy nhiên trong xã hội, con người làm khoa học không phải tất cả đều nhận thức giống nhau, do nhiều lý do thì việc không trung thực, vi phạm liêm chính trong khoa học luôn tồn tại trong cộng đồng nhà khoa học, ngay ở các nước phát triển. Vấn đề là theo những công bố thống kê (chắc chắn chưa đầy đủ) thì Việt Nam đang là một trong những nước có hiện tượng vi phạm liêm chính khoa học, đạo văn khá cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Để làm trong sáng hoạt động khoa học, công bố khoa học là một vấn đề phức tạp, thuộc về phạm trù đạo đức nhưng cần phải có những quy định, thể chế cụ thể rõ ràng. Theo tôi, quá trình này cần sự vận động của nhiều thành phần liên quan, trong thời gian không ngắn".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm sau đây.

Thứ nhất, nhận thức về liêm chính khoa học là nhận thức, đạo đức của từng cá nhân người làm khoa học, đơn vị giáo dục, khoa học và cả của đơn vị quản lý là Bộ giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Từ đó tạo nên một văn hóa và tâm lý luôn tôn trọng liêm chính khoa học khi hoạt động khoa học.

Thứ hai, xây dựng, ban hành quy chuẩn, quy định, định nghĩa về liêm chính khoa học một cách rõ ràng, chi tiết, cụ thể ở tất cả các đơn vị đào tạo, khoa học và các tổ chức liên quan đến khoa học. Nhiều đại học trên thế giới quy định nghiên cứu sinh trong báo cáo chỉ cần trích một đoạn tài liệu mà không ghi nguồn gốc tham khảo là đã bị ghép vào đạo văn và bị xử lý rất nghiêm khắc.

Chúng ta cũng cần làm rõ trong hợp đồng làm việc giữa một nhà khoa học với đơn vị quản lý (công cũng như tư) về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên, bao gồm kết quả nghiên cứu, công bố khoa học...

Thứ ba, cần có quy định một cách rõ ràng và xử lý nghiêm khắc các vi phạm về liêm chính khoa học. Ở một số nước, khi vi phạm không chỉ bị sa thải khỏi đơn vị làm việc, dư luận xã hội phê phán, mà còn có thể bị truy tố hình sự, bồi hoàn kinh phí nghiên cứu.

Đồng thời, việc xử lý, phê phán một cá nhân vi phạm đạo đức khoa học cần theo quy định của hệ thống pháp luật và tôn trọng danh dự cá nhân.

"Trong một ý kiến riêng, tôi ủng hộ quy trình: Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn, quy định và giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, khiếu kiện trong quá trình xét duyệt, công nhận giáo sư, phó giáo sư của các cơ sở.

Chuyển giao việc xét duyệt, công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư về cho cơ sở thực hiện theo những quy chuẩn chung. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của cơ sở giáo dục, đào tạo.

Quy trình này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học (ban hành năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018), đồng thời đảm bảo các vị trí gắn với chiến lược, định hướng phát triển khoa học, yêu cầu thực tế của nhà trường", ông Bình bày tỏ.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, việc tổ chức xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 3 cấp (Hội đồng cơ sở - Hội đồng ngành, liên ngành - Hội đồng Giáo sư Nhà nước), tuy có chặt chẽ về mặt hình thức, nhưng tạo nên tâm lý đặt nặng trách nhiệm cho các Hội đồng ngành với số ứng viên tập hợp cả nước rất đa dạng.

"Điều này phải chăng đã góp phần tạo nên nhận thức “đạt” chức danh giáo sư, phó giáo sư hơn bản chất quy trình là gắn việc bổ nhiệm chức danh với uy tín khoa học, phát triển lĩnh vực chuyên môn, khẳng định trường phái khoa học của một cơ sở giáo dục?", ông Bình nêu quan điểm.

Khoa học cần phải được công khai với một diễn đàn càng mở càng tốt

Những năm gần đây, dư luận quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng, không để bài báo quốc tế trở thành "điểm nổ" trong mỗi lần xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho rằng, tiêu chuẩn về công bố bài báo quốc tế là một nội dung trong đánh giá học thuật. Nội dung này khá mới và theo xu thế chung của thế giới nên được chú ý nhiều hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Liêm chính học thuật ở Việt Nam theo tôi đánh giá là “có lộn xộn” nhưng không đến nỗi hỗn loạn. Tuy nhiên vẫn còn lọt một số trường hợp khiến không khí học thuật bị ảnh hưởng, không kích thích sự phát triển của khoa học theo đúng nghĩa của nó.

Có hai vấn đề cần nói ở đây là: 1) đạo văn - tức là lấy của người khác làm của mình và 2) bài báo không đạt, chất lượng “hàng chợ”, không có giá trị mà vẫn được công bố.

Theo tôi, các bài báo quốc tế là cần thiết, đáng trân trọng và rất hữu ích, nhưng cần được công khai một cách minh bạch, rõ ràng. Một số công trình in xong, công bố xong rồi để đấy, rất ít người tiếp xúc đến. Bởi thế mới có câu chuyện nhiều bài báo quốc tế không mang lại giá trị, chất lượng không đảm bảo, thậm chí chưa thể chấp nhận đăng ở các tạp chí trong nước. Không phải cứ đăng trên tạp chí quốc tế đều đương nhiên được coi là chất lượng quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình nhận định.

Theo ông Tình, bên cạnh việc xem xét chất lượng của các tạp chí cũng cần nghiêm túc nhìn nhận chất lượng nội dung của những bài báo, công trình của ứng viên. Ông Tình đánh giá, tạp chí quốc tế là diễn đàn để nhà khoa học quảng bá tri thức cũng như kết quả nghiên cứu, nhưng không nên xem đó là “ngoại hạng”, cao hơn tất cả.

Ngoài ra, tiêu chuẩn “cứng” về số bài báo quốc tế trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng tạo ra một hệ lụy là ứng viên tìm mọi cách, kể cả gian dối để được đăng đủ số lượng trên các tạp chí quốc tế, thậm chí là tạp chí “dỏm”. Việc này cũng đã được nhiều nhà khoa học lên tiếng phản ánh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho rằng, cần phải xem xét lại quy chế, tiêu chuẩn định lượng các bài báo, trong đó có bài báo quốc tế. Nhiều người bị “ngáng đường” vì không phải lĩnh vực nào cũng có thể đăng được. Muốn đăng được một bài báo quốc tế, nhà khoa học phải tìm được nguồn, đề tài phù hợp và nhiều khi thời gian chờ công bố cũng rất lâu.

Ông Tình cho rằng, hiện nay có rất nhiều người bị cản trở vì tiêu chuẩn bài báo quốc tế mà không qua “cửa” hồ sơ, không thể được phong học hàm. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.

“Chúng ta nên xem xét lại tiêu chí này. Bài báo quốc tế nên là tiêu chí khuyến khích “nâng cao” (chấm điểm cao hơn) chứ không nên là tiêu chí quyết định. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì không những không khuyến khích mà còn trở thành vật cản và tạo ra tiêu cực, mẹo gian dối nhằm đáp ứng những tiêu chí”, ông Tình nêu kiến nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình nhấn mạnh thêm, khoa học cần phải được công khai với một diễn đàn càng mở càng tốt, nhất là chúng ta đang hội nhập, hòa nhập thì chuyện giao lưu với quốc tế, đăng bài báo quốc tế là rất cần. Nhưng đừng thái quá làm khó cho các nhà nghiên cứu.

"Chúng ta vẫn đang trên đường hội nhập, mọi sự hòa nhập hẵng cứ từng bước, từ từ. Ngay Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói là khi ông bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài mà chưa công bố bài báo nào kia mà. Hơn nữa, một số lĩnh vực thì việc truyền bá trên các diễn đàn khoa học trong nước mang lại nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn như nghiên cứu về ngôn ngữ dân gian thì công bố bên nước Pháp sẽ không ý nghĩa và giá trị bằng ở Việt Nam", ông chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình cũng khẳng định, tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” trong công bố bài báo quốc tế là điều cấm kỵ. Bài với nội dung về chính trị không thể nào đăng trên tạp chí lĩnh vực công nghệ, đó là điều không thể chấp nhận được.

Mỗi chuyên ngành có một lãnh địa và yêu cầu riêng. Chẳng hạn như lĩnh vực ngôn ngữ học (là ngành khoa học xã hội đòi hỏi tính chính xác về tư liệu) lại có nhiều lĩnh vực (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) mà mỗi lĩnh vực lại chia nhỏ thành chuyên ngành hẹp, không phải hội đồng khoa học tạp chí quốc tế nào cũng thẩm định được. Ví dụ như nghiên cứu ngữ âm tiếng Hải Hậu, Nam Định; từ vựng tiếng Thạch Thất, Hà Nội; tiếng lóng học đường…

Phòng ngừa vi phạm liêm chính khoa học quan trọng hơn xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đã xây dựng quy định về liêm chính học thuật. Đây là cơ sở trong việc định hướng cho cán bộ, giảng viên trong công tác nghiên cứu khoa học, cũng là căn cứ để có chế tài xử lý đối với giảng viên vi phạm.

Đồng thời, xây dựng một môi trường hoạt động khoa học và công nghệ liêm chính, lành mạnh, thực chất tại Đại học Huế; nâng cao uy tín học thuật của đơn vị trong cộng đồng khoa học và xã hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Liêm chính khoa học liên quan đến phẩm chất, đạo đức của nhà giáo, nhà khoa học đòi hỏi trước hết sự nhận thức và tự giác tuân thủ của mỗi cá nhân. Phòng ngừa vi phạm liêm chính khoa học quan trọng hơn xử lý vi phạm, do đó thường xuyên nâng cao nhận thức về liêm chính khoa học là nhiệm vụ chủ yếu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương nhấn mạnh thêm, theo điều 6 liêm chính trong báo cáo khoa học và công bố khoa học của Đại học Huế quy định 10 nguyên tắc.

Thứ nhất, không được đạo văn hoặc tự đạo văn, luôn tuân thủ đúng quy định về trích dẫn trong báo cáo và công bố khoa học.

Thứ hai, trung thực với kết quả nghiên cứu thu được, không bịa đặt và ngụy tạo thông tin, dữ liệu trong báo cáo và công bố khoa học.

Thứ ba, ghi nhận đầy đủ, đúng mức sự đóng góp của tất cả thành viên, không giành hết công lao về mình và loại ra sự đóng góp của cộng sự.

Thứ tư, phải có ý kiến của các đồng tác giả về việc ghi và không ghi tên của họ trong các ấn phẩm khoa học nếu không có thỏa thuận nào khác, tuân thủ đúng việc tuyên bố quyền tác giả theo quy định khi công bố.

Thứ năm, không bán, cho người khác kết quả nghiên cứu của mình để họ sử dụng vào mục đích trái với thông lệ khoa học.

Thứ sáu, viên chức, người lao động đương nhiệm của Đại học Huế không được đứng tên nhiệm sở khác ngoài Đại học Huế trên công bố khoa học trừ trường hợp có quy định khác.

Thứ bảy, tìm hiểu kỹ về tạp chí, nhà xuất bản trước khi gửi bản thảo, không gửi công bố trên các ấn phẩm mạo danh, săn mồi đã được cộng đồng khoa học cảnh báo.

Thứ tám, ghi nhận đầy đủ trong báo cáo, công bố khoa học sự tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Thứ chín, công khai các xung đột lợi ích có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các kết quả công bố.

Cuối cùng, tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Giám đốc Đại học Huế cũng thông tin về trình tự xử lý vi phạm liêm chính khoa học tại đơn vị này. Theo đó, khi tiếp nhận thông tin chính thức về hành vi vi phạm liêm chính khoa học, Thư ký Hội đồng Liêm chính khoa học thu thập đầy đủ hồ sơ, kiểm tra, đánh giá sơ bộ, mời người vi phạm đến làm việc và lập biên bản vi phạm sau đó báo cáo Chủ tịch hội đồng.

Đối với các hành vi vi phạm đã rõ ràng, đủ yếu tố cấu thành, người vi phạm đã thừa nhận (ký vào biên bản), Giám đốc Đại học Huế ban hành quyết định xử lý theo đề xuất của Thường trực Hội đồng liêm chính khoa học.

Đối với các hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành, chưa rõ ràng hoặc người vi phạm không thừa nhận (ghi rõ và ký trong biên bản), Hội đồng sẽ tổ chức thẩm định và họp để đưa ra kết luận. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, Giám đốc Đại học Huế ban hành quyết định xử phạt.

“Đại học Huế cũng quy định các hình thức xử lý vi phạm liêm chính khoa học tương ứng với mức độ vi phạm. Việc tái phạm ở mức thấp sẽ bị xử lý ở mức cao hơn”, ông Phương khẳng định.

Tuệ Nhi