Cần đưa biển đảo Việt Nam vào các bài học địa lý phổ thông

17/05/2012 23:50
Ngô Duy Hưng
(GDVN) - Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước.
Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, có vùng biển rộng trên 1 triệu km2. Bờ biển Việt Nam dài trên 3.260 km ở cả 3 hướng: Đông, Nam và Tây Nam. Vùng biển nước ta có khoảng 4000 đảo lớn nhỏ, trong đó ven bờ có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ các loại phân bố không đều, chủ yếu tập trung  ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Nam Bộ, với diện tích khoảng l.700 km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2, 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn l km2 và khoảng trên l.400 đảo chưa có tên.

Vì thế, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước. 

Biển đảo giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế xã hội đất nước
Biển đảo giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế xã hội đất nước

Hiện nay trong chương trình Địa lí Phổ thông có một số bài học về biển đảo Việt Nam với nội dung chủ yếu là: Vị trí địa lí và giới hạn vùng biển Việt Nam, Đặc điểm khí hậu và hải văn biển (Địa lí lớp 8); Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo (Địa lí lớp 9). Ngoài các nội dung giới thiệu khái quát trên, chương trình giáo dục chưa đề cập đến một số vấn đề tự nhiên, kinh tế xã hội trên các đảo ở vùng biển Việt Nam. Chúng ta đều biết, các đảo ở Việt Nam là một phần đất liền trên biển với các điều kiện phát triển tự nhiên, kinh tế xã hội như đất liền. Chính vì thế, khi học sinh được học đặc điểm tự nhiên Việt Nam thì cần thiết phải giới thiệu khái quát các phần đất liền trên các đảo nhằm một phần giúp học sinh khắc sâu kiến thức, vốn hiểu biết và tự hào về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội trên các vùng đảo ở nước ta.

1. Điều kiện tự nhiên các đảo: Hiện nay nước ta có khoảng 4000 đảo lớn nhỏ, trong đó có khoảng 3000 đảo ở vùng biển Bắc Bộ, 40 đảo ở Bắc Trung Bộ và còn lại là số đảo ở vùng biển phía Nam cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với đặc điểm vị trí vùng biển nước ta kéo dài theo chiều vĩ tuyến nên đặc điểm khí hậu các vùng đảo cũng khác nhau. Các đảo xa bờ có khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm hơn các đảo gần bờ. Về đặc điểm địa chất, địa hình, các đảo cũng có cấu trúc khác nhau như các Cù lao là các đảo biển có cấu tạo chủ yếu bằng đá granit, bazan. Các đảo hay gọi là cồn thì cấu tạo chủ yếu là đá,…

Về đặc điểm thủy văn, sinh vật trên các đảo: nguồn nước ngọt trên các đảo cũng có sự khác nhau. Các đảo có diện tích lớn mạch nước ngầm lớn, tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng.

2. Địa danh hành chính và tên gọi: Về tên gọi, hiện nay có 6 từ dùng để gọi các đảo biển ở nước ta như: Đảo, hòn, cù, cồn, lao và đá tùy theo vị trí phân bố, hình thái hay diện tích của chúng. Hiện nay ở ven bờ có khoảng 2773 đảo biển nhưng chỉ có khoảng 1500 đảo có tên gọi. Các đảo ven bờ chủ yếu được gọi là hòn như Hòn Tre, Hòn Khoai,… Hiện nay có 7 đảo biển gọi là Cù lao, 69 từ Đảo để chỉ đảo, 48 đảo biển gọi là Cồn,…

Về địa danh hành chính, hiện nay có 12 huyện đảo nằm trên vùng biển nước ta. Lớn nhất là huyện đảo Phú Quốc với 589,4km2 và nhỏ nhất là huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích 2,2km2, Các huyện đảo khác như Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng); Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa; Phú Quý (Bình Thuận); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Kiên Hải (Kiên Giang); Côn Đảo (Vũng Tàu).

3. Tình hình phát triển kinh tế xã hội: Để khái quát cụ thể hơn, có thể nêu đặc điểm phát triển kinh tế xã hội ở các đảo có và không có người sinh sống trên vùng biển nước ta.

Dân số: Hiện có khoảng 300 nghìn người sinh sống trên các vùng đảo ở biển Việt Nam. Chủ yếu sinh sống trên các huyện đảo.

Tình hình phát triển kinh tế mỗi vùng đảo có sự khác nhau như: Vùng đảo trong vịnh Bắc Bộ phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy hải sản. Vùng đảo phía Nam phát triển đánh bắt thủy hải sản, du lịch,…

Truyền thống văn hóa, lịch sử tiêu biểu ở các vùng đảo trên biển Việt Nam như trồng cây tỏi ở đảo Lý Sơn, nước mắm ở Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo,…

Thiết nghĩ, để khắc sâu hơn kiến thức về biển đảo cho học sinh, chúng ta không chỉ giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của vùng biển Việt Nam mà còn giới thiệu về vùng đất, con người, những nét chính văn hóa xã hội trên các vùng đảo này. Trong chương trình môn Địa lí THCS hiện nay, mục tiêu của môn Địa lí THCS là góp phần làm cho HS có những kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về Trái đất - môi trường sống của con người, về những hoạt động của loài người trên bình diện quốc tế, quốc gia; bước đầu hình thành thế giới quan khoa học, có tư tưởng và tình cảm đúng đắn và làm quen với việc vận dụng những kiến thức Địa lí để ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên xã hội xung quanh, phù hợp với yêu cầu đất nước và xu thế của thời đại.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Ngô Duy Hưng