Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới?

02/03/2019 07:46
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nếu cứ tranh cãi, coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, chẳng khác nào chúng ta lại tiếp tục tự đeo vòng “kim cô” cho giáo dục.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về những ràng buộc khi giáo viên phải dạy theo sách giáo khoa, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng các nhà quản lý cần thay đổi tư duy để giáo viên tự do sáng tạo trong giảng dạy phù hợp với khung chương trình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cô giáo Q kể: “Trước dây, người đi dự giờ người khác luôn quan niệm “sách giáo khoa là pháp lệnh”, đồng thời vặn vẹo người dạy đến khốn khổ, khốn nạn, thì tôi đã không muốn dùng sách giáo khoa để soạn bài rồi.

Có lần tôi dạy bài Phân bón hóa học, tôi làm phim hoạt hình để dạy bị buộc tội rất nặng: Dạy cái quái gì vậy? Sao không có 5 bước lên lớp? Sao không kêu lên trả bài? Cho coi hoạt hình sao tụi nó ghi bài lấy, đâu để học?

Hàng trăm lý lẽ bủa vây người thầy, đè nén người thầy không cho bước ra khỏi chiếc hộp, với cái vòng kim cô trên đầu: Sách giáo khoa!

Nếu lấy ví dụ bên ngoài sách bạn cũng sẽ bị buộc tội là “dạy ngoài chương trình”; bỏ qua ví dụ nào thì bị gọi là “cắt xén chương trình”.

Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới? Ảnh minh họa: Laodong.vn
Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới? Ảnh minh họa: Laodong.vn

Dạy bám theo sách giáo khoa, chẳng mấy chốc, giáo viên thành thợ dạy. Vậy thì thầy cô phải làm thế nào để không thành thợ dạy?

Muốn không làm thợ dạy, giáo viên phải thoát ly được giáo án, sách giáo khoa.

Vậy kiến thức ở đâu mà dạy?

Kiến thức ngày nay, không chỉ nằm trong bộ sách giáo khoa “nghìn tỉ”, vô hồn, bất động. Cái quan trọng hơn là kiến thức mà đứa trẻ được giáo viên hướng dẫn, tìm thấy ở Google, ở các kênh tivi, ở mọi trang web, ở bất cứ nơi đâu mà học sinh đặt chân đến, ở chợ, công viên, bảo tàng hay… trên xe bus.

Giáo viên chỉ cần truyền cảm hứng, học sinh tự tìm tòi kiến thức. Khi một đứa trẻ tự tìm kiến thức cho mình, đó là đỉnh cao của nghệ thuật dạy học, giáo viên trở thành nghệ sĩ.

Thế sách giáo khoa để làm gì?

Công nghệ 4.0 rồi, ôm cuốn sách giáo khoa trong tay, yên tâm bước lên bục giảng, thì xin thưa: giáo viên đang cản đường của học trò! Xin hãy tránh sang một bên vì thế giới không cần bạn nữa!

Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới? ảnh 2Nhà trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa

Muốn cho trò ăn rau, thầy cô chế biến nó thành những món ăn đa dạng và pha chế nó sao cho đẹp, cho thơm, cho ngon, rau nhưng không phải là rau mà là một bức tranh đẹp, học trò vừa ăn, vừa ngắm.

Giaó viên không thể thụ động ngồi chờ “tập huấn”, để “thầy rót từng chút” vào đầu; giáo viên chúng ta phải tự mình đi tìm kiếm những gì cần, để trở thành giáo viên của thời đại 4.0.

Thế giới cần bạn, cần tôi, nếu là một người thầy, có thể làm những đứa trẻ bình thường thành phi thường, so với chính nó, hôm nay nó tiến bộ hơn hôm qua.

Thế cần mấy bộ sách giáo khoa? Có cần tranh cãi một bộ hay nhiều bộ không?

Chuyện số lượng bao nhiêu bộ sách giáo khoa, để thị trường tự điều tiết tính toán theo quy luật của nó.

Có thể có nhiều bộ sách khác nhau, nhưng bộ nào tốt, nó sẽ tồn tại. Nếu cứ tranh cãi, coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, chẳng khác nào chúng ta lại tiếp tục tự đeo vòng “kim cô” cho giáo dục.

Chuyện giáo viên không muốn thành “thợ dạy”, chỉ cần một thứ, đó là: Khung chương trình, không cần biết học trò có sách giáo khoa nào.

Các nhà quản lý phải thay đổi tư duy, đứng bó buộc giáo viên và học sinh trong cái hộp nhỏ bé mang tên: Sách giáo khoa; hãy để thầy, trò bước ra thế giới công nghệ mới; có vậy mới đáp ứng được kì vọng của xã hội vào chương trình giáo dục mới.

Sơn Quang Huyến