PGS.TS Trần Quốc Toản – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ cho rằng, trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia thống nhất, tồn tại và phát triển của cả phân hệ cơ sở giáo dục công lập (CL) và ngoài công lập (NCL), đó là một đòi hỏi khách quan, tạo nên sự cạnh tranh về bản chất giáo dục không mang tính đối kháng, mà ngược lại góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng nền giáo dục. Các cơ sở NCL thường chiếm ưu thế ở những phân khúc đào tạo đáp ứng với đòi hỏi của cơ chế thị trường.
Đối với hệ thống các cơ sở giáo dục NCL, ông Toản dẫn chứng, ở các nước, nhà nước thường có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục của các tổ chức ngoài nhà nước, của tư nhân, nhất là các cơ sở hoạt động không vì lợi nhuận như: đất, thuế, tín dụng ưu đãi, chính sách miễn giảm thuế cho những người nhưng đơn vị tài trợ cho giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người học ở những cơ sở NCL.
PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, cần phân rạch ròi hai loại hình đào tạo công - tư. |
PGS. TS Toản cũng chỉ rõ cần phân rạch ròi hai loại hình đào tạo công - tư. Theo PGS. TS Toản thì, mô hình vì lợi nhuận sẽ tăng mạnh và trở thành một xu hướng ở nhiều nước, đó là do những yếu tố: Nhu cầu về nhân lực được đào tạo chất lượng cao, trình độ cao ngày càng tăng mạnh và đa dạng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu sinh viên ln tới 25-30% dân số cũng là một trong những yếu tố.
Các loại hình đào tạo vì lợi nhuận đang ở dạng: các cơ sở đào tạo được xây dựng và hoạt động như một đơn vị kinh doanh, tìm kiếm và thực hiện lợi nhuận từ cung cấp các dịch vụ giáo dục, từ học phí của người học, loại nữa là một tổ chức đứng ra nhận vận hành quản lí cơ sở giáo dục công lập và thu được lợi nhuận từ công và hiệu quả quản trị trường công.
Cũng theo ý kiến của PGS.TS Trần Quốc Toản, các cơ sở đào tạo không vì lợi nhuận không có nghĩa là không có hoặc không tìm kiếm lợi nhuận, mà vấn đề chủ yếu nằm ở việc sử dụng lợi nhuận đó như thế nào mà thôi (nếu có).
PGS.TS Trần Quốc Toản cho biết: “Trong khi các cơ sở giáo dục vì lợi nhuận tạo ra lợi nhuận và tồn tại dưới tiền đề thu nhập và phân phối thu nhập kinh doanh, phải đóng thuế cho các cổ đông, thì các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận trước hết là để cung cấp các chương trình và các dịch vụ vì lợi ích của người khác - người học”.
PGS.TS Trần Quốc Toản cũng chỉ rõ lâu nay xã hội có sự nhầm lẫn về lợi nhuận và phi lợi nhuận, theo PGS.TS Trần Quốc Toản, cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận không phải căn cứ vào tên gọi “không vì lợi nhuận” của nó, mà cần căn cứ vào bản chất kinh tế của việc cung cấp các dịch vụ.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, xã hội cần có cách nhìn tích cực hơn đối với các trường NCL. |
GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị (Trường ĐH Thăng Long) cũng cho rằng, lâu nay xã hội vẫn có thành kiến đối với các trường NCL, xã hội hầu như không biết tới các trường tư, xã hội đã quen với nền giáo dục bao cấp, nên chuyện “kỳ thị” với các trường tư là đương nhiên. Do vậy, dẫn đến tuyển sinh vất vả, phải lấy điểm thấp, từ đó đầu ra thấp và xin việc khó hơn.
“Ngân sách dành cho sinh viên mỗi năm quá ít ỏi đến mức phi lí. Vấn đề học phí là cốt lõi của sự tồn tại và phát triển của các trường đại học công hay tư. Người ta thường nhìn ngân sách dành cho sinh viên mỗi năm ở mỗi trường đại học thông qua tiền nhà nước dành cho mỗi sinh viên hàng năm, cùng với học phí đóng góp cho trường, còn đối với đại học tư hay dân lập thì chỉ nhìn vào học phí sinh viên đóng góp hàng năm. Theo thống kê của tôi, chi phí cho sinh viên hàng năm ở công hay tư chỉ xung quanh con số 500 đô la, đó là một chi phí rất thấp so với đại học nước ngoài” GS Hoàng Xuân Sính cho biết.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, một chuyện khó khăn cho các trường NCL nhưng ít ai dám nói, đó là việc cải cách tiền lương trong khu vực công chức nhà nước: “Tôi được biết, trong tháng 4 tới sẽ có 3 phương án về lương tối thiểu: 1,6 triệu, 2 triệu và 3 triệu, nghĩa là tăng lương tối thiểu lên 2-3 lần. Đó là tin mừng, nhưng cũng đáng lo ngại cho các trường NCL, vì học phí có tăng cũng chỉ dám tăng 20%, trong khi lương giáo viên và nhân viên sẽ tăng 100% hay 150%, nếu không tăng như những lần trước tăng lương cho công chức thì e rằng các trường sẽ không tuyển được giáo viên, chứ chưa nói tới chuyện thỏa mãn yêu cầu 25 sinh viên/1 giảng viên như Bộ đã đề ra” GS Hoàng Xuân Sính dẫn những bất cập hiện nay nếu như nhà nước không có chính sách cho các trường NCL.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết, nhà nước cần quan tâm, coi trọng hơn nữa đối với các khối trường này, không nên phân biệt “con đẻ” hay “con nuôi”. |
Về vấn đề trường CL hay NCL, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí, vai trò, ảnh hưởng của khối các trường NCL. Theo ông Hoàng, phải coi khối các trường này là một trong hai “cánh tay” của hệ thống giáo dục quốc dân. “Nhà nước cần quan tâm, coi trọng hơn nữa đối với các khối trường này, không nên phân biệt “con đẻ” hay “con nuôi”. Mà cần giúp cho hệ thống các trường NCL ngày một thêm mạnh, nếu đủ các điều kiện thì cho thành lập trường mới chứ cũng không nên hạn chế việc thành lập trường” ông Hoàng cho biết.
Về vấn đề tự chủ đại học, ông Hoàng cho rằng quyền được tự chủ phải được bình đẳng như nhau giữa các trường CL và NCL. “Không nên gọi là phi lợi nhuận, quan trọng nhất là lợi nhuận đó không chia, và đương nhiên tài sản sinh ra không của cá nhân nào. Mặt khác, Hội đồng trường, dù lợi nhuận hay không lợi nhuận cũng nên đại diện cho cộng đồng, và phải có chính sách phân biệt về mặt tài chính giữa lợi nhuận và không lợi nhuận để đảm bảo đủ chi phí đầu vào để hoạt động và tái đầu tư” ông Hoàng nhấn mạnh.
Vấn đề tài chính tại các khối trường NCL, ông Hoàng cho biết các trường NCL phải tự hạch toán lấy, Nhà nước chỉ giúp về tài sản cố định.
Xuân Trung