Ngày 15/7, hưởng ứng lời kêu gọi góp ý cho nền giáo dục Việt Nam của ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, TS Lương Hoài Nam có gửi một bức Thư ngỏ cho ông Bộ trưởng (qua email ông Bộ trưởng công bố trên báo chí). Trong thư, TS Nam đã phân tích, kiến nghị về 8 vấn đề của giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của một người dân - khách hàng của giáo dục Việt Nam. "Có thể do công việc bận bịu, ông Bộ trưởng GD-ĐT chưa có thời gian nghiên cứu, phản hồi?!" TS Lương Hoài Nam cho hay.
Với mong muốn đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục nước nhà, và nhất là hiến kế trong công cuộc "Chấn hưng nền giáo dục" mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi. Trong bức thư của TS Lương Hoài Nam cũng đề cập và nhìn nhận một cách toàn diện về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.
Nhận thấy các vấn đề của giáo dục Việt Nam đã và đang được lãnh đạo Nhà nước, giới chuyên môn và đông đảo người dân quan tâm, TS Lương Hoài Nam đã gửi bức Thư ngỏ này mong muốn báo Giáo dục Việt Nam đăng tải đến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam. Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung bức thư đến với độc giả. (Do nội dung của bức thư này khá dài nên chúng tôi sẽ đăng tải liên tục nhiều kỳ để quý vị tiện theo dõi):
TS Lương Hoài Nam |
8. Chi cho giáo dục và đời sống, chất lượng đội ngũ giáo viên Ông cha ta nói: "Có thực mới vực được đạo", điều đó đúng với mọi thứ, trong đó có giáo dục. Theo các số liệu tại trang mạng www.nationmaster.com, tỷ lệ "Đầu tư công cho giáo dục / Chi tiêu của chính phủ" ("Public spending on education/ Government expenditure") của một số quốc gia như sau: Trung Quốc - 12,71%, Thái Lan - 19,98%, Singapore - 18,22%, Malaysia - 28,02 và Philippines - 17,22%. Ở nước ta, theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chủ trương, chính sách của Chính phủ, chi ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) cho giáo dục đào tạo và dạy nghề được xác định ở mức khoảng 20%. Xét về tỷ lệ % thì con số này không nhỏ so với các nước trên, nhưng vì tổng chi ngân sách của Việt Nam nhỏ hơn đáng kể so với họ (do nền kinh tế có GDP còn nhỏ), con số tuyệt đối chi cho giáo dục đào tạo ở nươc ta thấp hơn nhiều (đặc biệt nếu tính bình quân trên một giáo viên, trên một học sinh).
Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Chúng ta đang thừa thầy, thiếu thợ!
Nếu xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhân tài là nguyên khí quốc gia, không thể không cải thiện tỷ lệ và tổng chi ngân sách cho giáo dục. Nguồn ngân sách được tăng lên một phần dùng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, làm sao để nghề giáo viên trở nên hấp dẫn trong các nghề công chức. Ngoài ra, ngân sách tăng thêm cũng dùng để nâng cấp trường lớp, thiết bị giảng dạy, cấp học bổng khuyến học và các nhu cầu thiết thực khác của ngành giáo dục. Chúng ta hoàn toàn có thể bán bớt doanh nghiệp nhà nước yếu kém để đầu tư thêm cho giáo dục. Khi bán bớt doanh nghiệp, nhà nước đỡ phải đầu tư thêm cho chúng, lại càng có thêm nguồn đầu tư cho giáo dục. Trong khuôn khổ nguồn ngân sách có hạn, nếu cần phải lựa chọn một bên là các doanh nghiệp nhà nước, một bên là chất lượng lao động cho mọi thành phần kinh tế, tôi nghĩ nên lựa chọn cái sau. Nó cần hơn cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước Việt Nam. Câu "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" dân gian nói suốt mấy chục năm qua, đến nay vẫn đúng nếu so sánh điểm chuẩn vào đại học giữa ngành sư phạm và các ngành khác. Nhiều trường, khoa sư phạm tuyển sinh đại học với điểm chuẩn trên dưới 15 điểm, thậm chí có những ngành điểm chuẩn chỉ 12-13 điểm. Những học sinh với các điểm thi các môn chưa đạt trung bình đó, khi ra trường trở thành giáo viên dạy học sinh, họ sẽ đưa nền giáo dục nước ta đến đâu?Số phận các em học sinh của họ sẽ như thế nào? Chúng ta cần tìm cách chấm dứt thực tế đau khổ này vì tương lai các thế hệ con em chúng ta và biến nghề sư phạm thành một nghề thu hút người tài, thể hiện rõ nhất qua điểm chuẩn đầu vào của các trường, khoa sư phạm. Muốn làm được như thế, phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với nghề giáo. Muốn có chế độ đãi ngộ tốt thì phải có đủ tiền, không thể khác được. Thưa Bộ trưởng, các vấn đề tôi đề cập trên đây thật ra không có gì mới, chúng đã được nhiều chuyên gia và người dân nêu ra trong nhiều năm qua. Tôi tập hợp lại trong thư này gửi Bộ trưởng với mong muốn các vấn đề này sẽ nhận được sự quan tâm xem xét và giải quyết toàn diện hơn, với lộ trình rõ ràng hơn. Tôi cũng không khẳng định rằng các nhận xét, quan điểm của tôi là toàn diện, chính xác. Góc nhìn của tôi chỉ là một trong rất nhiều góc nhìn về giáo dục Việt Nam. Nếu Bộ trưởng tổ chức một cuộc hội thảo, hay một "Hội nghị Diên Hồng" về giáo dục, với sự tham gia của giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân, tôi tin là Bộ trưởng sẽ nhận được hàng trăm, hàng nghìn ý kiến, kiến nghị rất tâm huyết và có giá trị. Các bất cập của nền giáo dục Việt Nam cũng không phải do Bộ trưởng, mà tích tụ từ hàng chục năm qua, theo tôi, hoàn toàn không cần thiết phải truy xét tại ai, tại sao? Trong quá trình phát triển của cả đất nước hay một lĩnh vực, có rất nhiều bất cập không phải do lỗi của ai, mà là kết quả của bối cảnh lịch sử, của việc xác định các thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn. Cái sai nhiều khi chỉ là sự kéo dài của cái đúng của giai đoạn trước.Điều quan trọng nhất là nhận diện các vấn đề và có biện pháp, lộ trình khắc phục. Khi một số đại biểu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho Bộ trưởng trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm gần đây của Quốc hội, hoặc khi người dân (như tôi) bày tỏ sự chưa hài lòng với nền giáo dục, tôi nghĩ không ai lại đi nghĩ là Bộ trưởng gây ra những bất cập đó. Cái mà họ chưa hài lòng, tôi nghĩ, là cách Bộ trưởng và Bộ GD-ĐT dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng nhận diện các bất cập và các biện pháp, lộ trình giải quyết. Tình hình hôm nay chưa tốt, không sao cả, miễn là Bộ trưởng cho chúng tôi - người dân, một kế hoạch khắc phục cụ thể những thứ chưa tốt. Chúng tôi sẽ tin, cổ vũ và chờ đợi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
TS Lương Hoài Nam