Chúng ta, bất kỳ ai sinh ra đều mong muốn có một cuộc sống thật hạnh phúc, vui vẻ, và làm được những điều mình ước mơ. Thế nhưng đã có không ít người kém may mắn, họ phải chịu sự bất công của số phận, đó là những người khuyết tật. Chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Cường, sinh viên năm 2 Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách Khoa Hà là một trong những số phận ấy.
Cuộc đời có lúc tưởng như đã hết
Nguyễn Mạnh Cường sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy ở Bắc Giang. Cường là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh chị, em, sinh ra vốn khỏe mạnh bình thường, lớn lên trong sự yêu thương vô cùng của ba mẹ và người thân. Cuộc sống của chàng trai đó sẽ vẫn tươi đẹp như vậy, nếu như em không gặp một nghịch cảnh…
Năm lớp 11, Cường bị ốm và cuộc sống của em lúc ấy dường như đã rẽ sang một hướng khác. Sau trận ốm, Cường bị phát hiện dính khớp ở chân, không đi được, dường như đã ở trạng thái nằm liệt giường. Bố mẹ và cả gia đình lo lắng, đưa Cường đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng có lẽ đó là một sự bất công của số phận đã định trước, cho nên dù đã điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. "Khi bệnh viện trả về, ở quê mọi người xì xào bàn tán nói rằng em bị bệnh viện trả về thì cũng chẳng còn hy vọng nào nữa. Có lẽ số phận đã an bài buộc em phải chấp nhận cái điều không may ấy. Em chán nản vô cùng", Cường tâm sự.
Kể từ lúc một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng phải "bó tay", cuộc sống của Cường dần đi vào ngõ tối. Em nằm liệt giường trong căn phòng nhỏ, không muốn gặp ai, tư tưởng suy sụp. Cường kể rằng: “Lúc đó tinh thần em suy sụp, em chán nản, chán chỉ muốn chết. Bạn bè đến, em đuổi về hết, đó là khoảng thời gian em thấy mình trở nên khác, cả ngày chỉ nằm một chỗ, quanh quẩn chỉ có một căn phòng nhỏ, em chán nản thực sự và cũng nghĩ mình sẽ chết”.
Chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Cường trong sân Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội |
Hơn một năm trời nằm liệt giường, bạn bè đến thăm Cường đều không muốn gặp, không muốn nghe những lời an ủi động viên nữa. Và có lẽ, Cường sẽ vẫn chỉ cô đơn trong căn phòng ấy, nếu như không có một người bạn đã tiếp sức mạnh bằng một câu nói rất giá trị: “Khi một cánh cửa hạnh phúc đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, và biết đâu cánh cửa ấy sẽ mang theo nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn, người ta thường chỉ chăm chăm dõi theo cánh cửa đã đóng lại mà quên không để ý cánh cửa mở ra kia".
Một câu nói ẩn chứa nhiều hy vọng và niềm tin, chính người bạn đó đã khiến Cường suy nghĩ rất nhiều, cậu bắt đầu nhìn cuộc đời theo một hướng khác đầy màu hồng và tươi đẹp hơn. Thay vì nghĩ mình sẽ chỉ gắn bó với chiếc giường nhỏ và căn phòng trống, chàng trai bắt đầu tập đi, ban đầu chỉ là vịn tay cầu thang đi từng bước nhỏ trên nền nhà, rồi bước dần lên cầu thang, nhưng giấu không cho bố mẹ và cả nhà biết. Cường kể lại: “Khoảng thời gian lúc ấy, em bắt đầu tập đi, bước từng bước mệt mỏi, nhưng cảm giác vui sướng khi bước được lên sân thượng, nhìn thấy cây cối, trời đất bao la. Có lẽ đã rất lâu rồi mới lại có cảm giác ấy, em đứng nhìn rất lâu, và nhận ra rằng cuộc đời sẽ vẫn có màu xanh, và em bắt đầu lại từ đầu”.
Cường đã lên một kế hoạch bắt đầu lại tất cả. Em nén đau tập đi, nhưng cái khớp cứng đờ dường như muốn thử thách ý chí của cậu học trò nhỏ, nó khiến Cường nhiều lần không thể gượng nổi. Mỗi lần tập đi là một lần Cường nhăn nhó, đánh vật với cái khớp chân cứng ngắc. Nhưng rồi, trước ý chí tuyệt vời của Cường, dường như cái khớp chân cũng phải "mềm" hơn.
Chạm tay đến cánh cửa màu hồng
Khi đã bắt đầu đi được, Cường lao vào học, đọc lại hết tất cả những sách vở mà suốt hơn một năm trời không động đến. Những ngày tháng ở nhà, Cường chia sẻ: “Nhiều lúc em chán quá không biết làm gì, suốt hơn một năm nằm liệt giường em nghĩ đến việc học đang dở dang của mình và em đòi lại tất cả sách vở bạn bè mượn lao vào học với rất nhiều dự định”.
Ngày Cường đỗ đại học, gia đình rất mừng, nhưng lo lắng cũng nhiều. Mẹ Cường đã phải gác hết mọi công việc, đưa em đi nhập học, và chăm chút cho cậu con trai từng li từng tí trong những ngày tháng đầu tiên khi sống xa nhà. Người mẹ tuyệt vời ấy đã nuôi dưỡng niềm tin, thổi lên sức mạnh cho đứa con thiếu may mắn, nhưng luôn tràn đầy niềm tin, nghị lực rằng sẽ vượt qua tất cả. Cường xúc động kể: “Mẹ em vì lo lắng cho em nên xin vào làm thêm ở căng tin của ký túc xá để tiện chăm sóc em, một thời gian em ở quen cùng các bạn nên em bảo mẹ chuyển về quê vì em có thể tự đi học và sinh hoạt bình thường”.
Sau khi mẹ về quê, ngoài việc học trên lớp, Cường tham gia nhiều câu lạc bộ dành cho người khuyết tật. Chính những người bạn cùng hoàn cảnh đã giúp cho Cường trở nên tự tin hơn khi hiểu ra rằng cuộc đời có nhiều bạn còn khó khăn hơn mình.
Cứ như vậy, mặc dù đến bây giờ thỉnh thoảng Cường vẫn bị đau, nhất là những lúc trái gió trở trời, nhưng ý chí, nghị lực đã giúp chàng trai hiền lành ấy bước dần đến cảnh cửa màu hồng đầy tươi đẹp. Cậu sinh viên chăm chỉ, hiền lành ấy đã giành được học bổng của trường, lớp và những tổ chức xã hội… trở thành một tấm gương đáng học hỏi cho những số phận không may mắn.
Từ nhỏ, Cường đã mơ ước trở thành một giáo viên, bởi cậu thích cái cảm giác quyến luyến, tình cảm của học trò với thầy giáo. Sau khi chân bị dính khớp, Cường vẫn luôn mong muốn được trở thành giáo viên. Một thầy giáo đứng trên bục giảng thực sự, đề truyền tải những kiến thức đã dày công học tập cho những thế hệ học trò tương lai.
Ước mơ tươi đẹp ấy đã giúp đôi chân Cường mạnh mẽ hơn, vững trãi hơn trên con đường đến lớp. Cường bảo rằng: "Dù có khó khăn thế nào, em cũng không dừng lại. Em sẽ cố gắng bằng tất cả sức lực của để chạm chạm tay đến đích cuối cùng mà mình mong ước, được trở thành thầy giáo".
Tạm biệt chàng sinh viên giàu nghị lực, trong suy nghĩ của tôi vẫn còn len lỏi những câu nói đầy ý nghĩa ấy. Tôi đứng lặng nhìn cậu sinh viên đi dần về phía ký túc xá, bước từng bước chậm rãi, khó nhọc và thầm mong cậu ấy đến được cánh cửa hạnh phúc của đời mình…
ĐIỂM NÓNG |
|