Đến với âm nhạc từ khi còn chưa biết chữ, Cao Thanh Lan làm bạn với cây đàn organ và ký xướng âm lúc mới 4 tuổi. Mẹ cô, ca sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đã gieo vào tâm hồn con gái duy nhất và khơi dậy cho cô bé một tình yêu với âm nhạc.
Nhưng âm nhạc đã ngấm vào máu Cao Thanh Lan không phải theo cái cách mà cô tự nguyện đón nhận ngay từ ban đầu mà là kết quả của sự khổ luyện, lòng quyết tâm và nghị lực. Năm 7 tuổi, Cao Thanh Lan vào Nhạc viện Hà Nội, theo học piano. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô trở thành sinh viên chính thức của Nhạc viện.
Kết thúc năm học thứ nhất, Lan sớm xác định đường đi và mục tiêu của mình: Phải được theo học tại những trung tâm của âm nhạc thế giới. Bước ngoặt cuộc đời của Lan cũng bắt đầu với việc cô tự tìm, thi lấy học bổng và theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Brussel, Vương quốc Bỉ. Tại đây, cô đã được nhận học bổng toàn phần do Quỹ hỗ trợ tài năng của nhạc viện tài trợ cho suốt quãng thời gian học đại học và cao học chuyên về piano cổ điển. Về sau, từ năm 2012 - 2014, Cao Thanh Lan tiếp tục giành được học bổng cho chương trình cao học âm nhạc piano đương đại do Giáo sư Pierre - Laurent Aimard giảng dạy tại Nhạc viện thành phố Cologne (Đức).
Cao Thanh Lan sớm xác định đường đi và mục tiêu của mình: Phải được theo học tại những trung tâm của âm nhạc thế giới. Ảnh: laodong.com.vn |
Cao Thanh Lan luôn cho rằng: Châu Âu là cái nôi của âm nhạc cổ điển, nơi đó nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo và luôn được ủng hộ nhiệt tình; là nơi mình không chỉ học hỏi được các kiến thức về âm nhạc mà còn có những trải nghiệm quý báu về văn hóa đời sống. Và cô vẫn đang hàng ngày sống, cảm nhận và làm việc theo cách mà người Châu Âu vẫn làm với âm nhạc.
Cao Thanh Lan vẫn hướng về đất mẹ. Sinh ra trong một gia đình làm âm nhạc truyền thống - cùng với mẹ là ca sĩ, Lan còn có bà ngoại là NSƯT cải lương Hảo Yến, cậu ruột là NSƯT nhạc dân tộc Huỳnh Tú, những làn điệu cổ của nghệ thuật dân tộc đã ngấm vào cô một cách tự nhiên. Càng được học nhiều về âm nhạc hàn lâm cổ điển Châu Âu, cô càng ý thức được giá trị của âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Tại Đức, Cao Thanh Lan đã khởi xướng, biên đạo, dàn dựng và thành lập nhóm thực hiện dự án Osmosis (tạm dịch là "Thẩm thấu"). Cô đã kết hợp nghệ thuật ca trù, hát xẩm, hát văn, ngâm thơ với âm nhạc Châu Âu đương đại một cách hài hòa và khéo léo. Hai buổi biểu diễn kết quả ngoài mong đợi đã diễn ra ngày 7.9.2014 tại Nhà hát Loft và ngày 8.9. 2014 tại Nhà hát Rhenania thành phố Cologne trong khuôn khổ Liên hoan Strom dành cho âm nhạc đương đại thể nghiệm.
Tại Việt Nam, âm nhạc đương đại thể nghiệm hay ngẫu hứng vẻ như vẫn là một cụm từ mới mẻ. Năm 2012, sau chuyến du học tại Cologne, Đức, nhạc sĩ Kim Ngọc đã về nước sáng lập Trung tâm Âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm.
Cao Thanh Lan gặp gỡ Kim Ngọc như một mối duyên. Tháng 2 năm 2014, Cao Thanh Lan đã thực hiện một dự án cùng Trung tâm Đom Đóm. Các học viên trẻ của trung tâm đã được tiếp xúc với âm nhạc của những nghệ sĩ, nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay. Làn gió mới này đã mang lại cảm hứng và sự tự tin ban đầu cho những hạt mầm của nền âm nhạc đương đại Việt Nam hiện tại và sau này.
Năm 2015, Cao Thanh Lan bước sang tuổi 28, cái tuổi tràn đầy sinh lực, nhiệt huyết và sáng tạo. Cô gái trẻ đã trưởng thành hơn qua các cuộc thi âm nhạc uy tín trong nước và quốc tế.
Ấp ủ và nung nấu ước muốn kéo gần lại khoảng cách của âm nhạc đương đại thể nghiệm với khán giả nước nhà, cô trở về Việt Nam vào cuối tháng 3 để tham gia buổi trình diễn độc tấu piano cổ điển tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, cô cũng sẽ có buổi giảng dạy về âm nhạc thử nghiệm và ngẫu hứng tại Trung tâm Âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm.