Cấp giấy phép hành nghề giúp dẹp "nhà giáo" tự xưng, xóa bỏ tư tưởng "yên vị"

16/08/2024 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc cấp giấy phép hành nghề dạy học, đồng thời mong sớm hiện thực hóa các chủ trương.

Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cấp giấy phép hành nghề dạy học cho nhà giáo và thời hạn của giấy phép này là 10 năm trong dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) hiện đang thu hút được sự quan tâm rất lớn từ đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên trong cả nước.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến đề xuất này, Tiến sĩ Trần Anh Tư - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng, việc có một loại giấy phép để nhà giáo yên tâm cống hiến và hành nghề trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên vị này nhấn mạnh rằng, việc cấp giấy phép và thời gian gia hạn giấy phép cần bám vào thực tế từng trường, từng đối tượng giáo viên cụ thể.

Qua đó, thầy Trần Anh Tư cho hay: "Lâu nay, một số ngành nghề cũng đã yêu cầu người lao động muốn hành nghề bắt buộc phải có giấy phép.

Vì thế, việc có giấy phép hành nghề dạy học là điều rất tốt để giáo viên yên tâm cống hiến trong đúng lĩnh vực họ đang làm. Điều này cũng hạn chế các trường hợp như trước đây, khi nhiều người không phải là nhà giáo, không học sư phạm ngày nào nhưng vẫn tự xưng mình là giáo viên.

Thậm chí, có trường hợp "nhà giáo tự xưng" trên mạng xã hội có những hành vi phản giáo dục làm ảnh hưởng đến bộ phận nhà giáo chân chính. Từ đó để thấy rằng, khi được cấp giấy phép hành nghề dạy học, đồng nghĩa với việc nhà giáo cũng sẽ có "danh phận" và có cơ sở pháp lý rõ ràng khi làm việc".

thay-tran-anh-tu-5055.jpg
Tiến sĩ Trần Anh Tư - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Ảnh: Website nhà trường

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, đối với việc cấp giấy phép và quy định thời hạn của giấy phép, các cơ quan quản lý cũng nên có sự phân loại theo từng đối tượng cụ thể để không gây ra sự xáo trộn.

Cụ thể, vị hiệu trưởng này đề cập đến việc phân loại theo đối tượng là giáo viên trong nước với giáo viên người nước ngoài. Đồng thời phân loại theo cơ sở giáo dục là công lập hay tư thục và đặc biệt siết chặt với các trung tâm gia sư, dạy thêm.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Anh Tư cũng đề xuất để phân loại cấp độ giáo viên khi thực hiện việc cấp hoặc gia hạn giấy phép. Trong đó có việc linh động thời gian gia hạn giấy phép hành nghề dạy học đối với những giáo viên lâu năm hoặc giáo viên sắp nghỉ hưu.

"Nói tóm lại, các yêu cầu đối với việc cấp mới hoặc gia hạn giấy phép hành nghề dạy học cần được cụ thể hóa và có các tiêu chí đánh giá rõ ràng, để đơn vị thực thi, cơ quan cấp phép có thể nắm rõ và thực hiện, tránh việc xảy ra các xung đột không đáng có.

Đồng thời, nếu áp dụng vào thực tế thì các yếu tố để đánh giá cũng cần hướng tới sự minh bạch, thực chất và phản ánh đúng năng lực phát triển của giáo viên trong mốc thời hạn quy định", thầy Trần Anh Thư chia sẻ thêm.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy ngành giáo dục đang rất quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo chân chính.

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, đề xuất cấp giấy phép hành nghề dạy học cho nhà giáo hiện nay chính là đang cụ thể hóa việc công nhận "danh phận nghề nghiệp" cho giáo viên.

"Lâu nay, với những người đã tốt nghiệp các trường sư phạm và có thời gian đi dạy học thì chúng ta ngầm hiểu đó là nhà giáo. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có nhiều người không một ngày học học sư phạm nhưng cũng đã lên mạng xã hội tự xưng mình là "thầy này, cô nọ", gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các nhà giáo chân chính.

Như vậy, với những nhà giáo chân chính, dù đã được đào tạo đầy đủ nghiệp vụ sư phạm nhưng nếu không có giấy phép công nhận thì họ có cống hiến nhiều năm, rất nhiều thành tích đóng góp cho giáo dục xã hội cũng khó có căn cứ ghi nhận. Điều này gây ra không ít thiệt thòi cho chính họ.

Vì thế, trong bối cảnh và sự phát triển của xã hội hiện nay, việc phải có giấy phép hành nghề dạy học cấp cho các nhà giáo là điều cần thiết và nên sớm hiện thực hóa".

gs-dinh-quang-bao-4393.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: moet.gov.vn

Tuy nhiên, vị nguyên lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có băn khoăn rằng, nếu chính thức được ban hành thì liệu giấy phép này có cải thiện được một số hạn chế so với việc cấp các chứng chỉ đối với nhà giáo trước đây hay không.

Qua đó, Giáo sư Đinh Quang Báo mong muốn, cơ quan ban hành luật sẽ có sự khảo sát và đánh giá thật kỹ lưỡng trước khi đưa các đề xuất vào áp dụng. Quan trọng nhất là đảm bảo cho quyền lợi của nhà giáo, để việc cấp giấy phép này không trở thành rào cản, gây phiền hà với các giáo viên trong quá trình làm việc.

"Nếu cơ quan quản lý đưa yêu cầu phải có giấy phép hành nghề với mỗi giáo viên thì cũng nên tính toán đến đầu ra của các trường đào tạo sư phạm. Nghĩa là, trong quá trình đào tạo sư phạm, có nên bổ sung các tiêu chí đào tạo để các sinh viên khi ra trường sẽ được cấp giấy phép hành nghề luôn, hay là cần có thêm thời gian rèn luyện nghề sau khi tốt nghiệp thì mới được cấp giấy phép.

Đồng thời, cách thức cấp giấy phép hành nghề dạy học cho nhà giáo cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Làm sao hạn chế việc chồng chéo khi cấp mới và các tiêu chí đánh giá lại để gia hạn giấy phép khi hết thời hạn", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu góp ý.

Nhận định thêm về quy định thời hạn của giấy phép hành nghề dạy học là 10 năm theo đề xuất, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mức thời gian như vậy là hợp lý, vừa đủ.

Theo quan điểm của thầy Báo, bất cứ một loại giấy phép nào cũng nên có thời hạn. Với nghề giáo, nếu giấy phép hành nghề có thời hạn nó sẽ thúc đẩy sự nỗ lực của mỗi giáo viên để có thể đảm bảo yêu cầu khi đến thời kỳ gia hạn. Điều này có tác động rất lớn làm thay đổi tư tưởng "yên vị", tự mãn đang tồn tại trong rất nhiều giáo viên lâu nay.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cũng nêu lên một số góp ý với đề xuất quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, vị phó giáo sư này bày tỏ, cần có sự thông thoáng khi đưa ra các tiêu chí để cấp giấy phép và lộ trình phù hợp để cụ thể hóa các tiêu chí, để trong vòng 10 năm tất cả các giáo viên có năng lực, có tâm huyết với nghề giáo đều dễ dàng được gia hạn.

gdvn-pgsdangquocbao-9952.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: "Lâu nay các nhà trường vẫn lấy việc bình chọn, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp làm các tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên, nếu trường học nào làm không khéo léo, thiếu khách quan thì sẽ không đánh giá chuẩn được đội ngũ nhà giáo, thậm chí là xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ.

Như vậy, khi có quy định về thời hạn đối với giấy phép hành nghề dạy học có nghĩa là bản thân mỗi nhà giáo phải tự ý thức được việc chính bản thân mình phải tự phấn đấu để tạo ra thành quả, sản phẩm cụ thể. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục.

Có thể trước đây, khi các trường đánh giá nhà giáo theo năm là chưa thực sự đủ thời gian để giáo viên thể hiện, khi có niên hạn 10 năm, nhà giáo cũng có thêm thời gian để nhìn nhận lại bản thân để phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu nhằm trở nên hoàn thiện hơn.

Vì thế, nếu quy định này được đưa vào áp dụng, rất mong cơ quan quản lý có sự điều chỉnh linh hoạt các tiêu chí. Đồng thời bám sát vào việc đánh giá giáo viên hàng năm để lấy căn cứ bình xét cho việc gia hạn giấy phép sau 10 năm đối với từng giáo viên".

Ngoài ra, theo vị nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo ngoài việc đưa ra các tiêu chí cụ thể có tính lộ trình để giáo viên có thể đối chiếu và thực hiện, cơ quan ban hành luật cũng có thể nghiên cứu đến phương án trừ theo thang điểm giống như việc trừ điểm trong giấy phép lái xe mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

"Hơn hết, việc đưa các quy định vào thực tế cần được các nhà quản lý nghiên cứu kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến quyền lợi và gây xáo trộn công việc của giáo viên. Quan trọng nhất, sau mỗi lần gia hạn lại giấy phép hành nghề dạy học, cơ quan quản lý có thể thấy được sự tiến bộ của nhà giáo, đồng thời đánh giá được năng lực thực chất của giáo viên đó", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo bày tỏ.

Trung Dũng