Sở hữu cho mình những tấm bằng khen cấp Sở, Bộ cùng những ghi nhận cống hiến của ngành giáo dục, cuộc đời của thầy giáo Nay A Yôn – Phó Bí thư Đoàn trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là câu chuyện về tấm gương vượt lên nghịch cảnh để chạm tay tới ước mơ của người Jrai.
Sinh ra và lớn lên tại làng Pleipa Ama H’Lăk (xã Chứ Mố, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai) trong một gia đình người Jrai. Tuổi thơ của cậu bé Nay A Yôn là những tháng ngày trên lưng ông bà lên rẫy trồng lúa, trỉa bắp, vật lộn với những bữa cơm độn (trộn gạo với ngô) hay cơn đói mùa giáp hạt.
Thầy Nay A Yôn (đứng giữa) cùng học trò của mình luôn xung kích trong các chiến dịch tình nguyện về với những bản làng vùng biên ở Tây Nguyên. Ảnh: MT |
“Khi tôi còn chưa chào đời thì bố mẹ đã ly hôn nên tuổi thơ tôi gắn liền với ông bà, cậu, dì… Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc thời đó nhưng tôi vẫn nung nấu quyết tâm sẽ phải cố gắng học hành để vượt ra khỏi bức tường nghèo khó, lạc hậu của bản làng”, thầy A Yôn tâm sự.
Lên cấp hai, cậu bé Nay A Yôn phải một mình đến học tại trường Trung học cơ sở Chứ Mố (nay là Trường trung học cơ sở Nay Der) cách nhà 2km.
Ở ngôi trường này, A Yôn đã lập “kỷ lục” khi là học sinh giỏi đầu tiên của trường kể từ khi thành lập và thi đậu vào Trường trung học phổ thông Ayunpa (nay là Trường trung học phổ thông Lê Thánh Tông). Càng học lên cao, con đường đến trường của cậu học trò người Jrai càng trở nên chông chênh, vất vả hơn.
“Nhà cách trường 10km lại phải băng qua sông Ba nên mùa khô thì lội qua sông và mùa mưa đi ca nô, vì lúc đó chưa có cầu Bến Mộng.
Hồi đó để bám trụ được với ngôi trường cấp ba là cả một hành trình gian nan. Tôi nhớ đầu năm lớp 10, cả làng có khoảng 10-12 bạn đi học, nhưng đến cuối lớp 10 thì còn lại 4 bạn.
Những bạn còn lại nghỉ học vì nhiều lí do, có bạn thì không chịu được cảnh đi xa trường, có bạn vì bố mẹ bắt ở nhà đi làm rẫy, riêng tôi được mẹ động viên quyết không cho tôi nghỉ học và tôi cũng rất muốn đi học để sau này có cuộc sống tốt hơn, hiểu biết được nhiều hơn”, thầy A Yôn tâm sự.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp cấp ba, A Yôn đăng ký thi vào ngành Toán của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) nhưng không đủ điểm đậu. Lúc ấy, người thân cũng chia sẻ, động viên A Yôn nên chuyển hướng đi làm ăn hoặc học nghề.
“Tháng 9/2004, Ủy ban xã thông báo tôi đủ điểm xét vào Trường dự bị Đại học Trung Ương Nha Trang. Sau một năm học tại Trường dự bị Đại học thì tôi cũng được xét tuyển vào Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, ngành Toán.
Ngày xách ba lô lên đường về Nha Trang, ngoài mặt mẹ tôi vui vẻ động viên nhưng trong lòng đầy lo lắng, suy nghĩ về những khoản kinh phí học hành sắp tới. Hiểu điều đó nên tôi cũng cố gắng học và tiết kiệm để giảm gánh nặng cho mẹ”, A Yôn tâm sự.
Nỗi lòng với trẻ vùng cao
Tốt nghiệp Đại học, mang theo ước mơ và con chữ trở về, A Yôn được phân công về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Thầy Nay A Yôn luôn trăn trở với con đường học hành của trẻ em vùng cao Tây Nguyên. Ảnh: MT |
Ngoài giảng dạy, từ tháng 10/2016 đến nay, thầy A Yôn còn phụ trách công tác Đoàn, là “chỉ huy trưởng” của nhiều chiến dịch xung kích, tình nguyện mang hơi ấm đến với trẻ vùng cao.
“Là người con Jrai, bước ra từ bản làng nghèo khó nên mình cũng thấu hiểu những hoàn cảnh của các em. Chính những định kiến hủ tục, khó khăn về kinh tế, nghèo đói… đã ngăn cản các em đến với con chữ, với tương lai.
Học trò của mình hầu hết là con em người đồng bào thường đông anh em, kinh tế khó khăn nên việc học hành không được chăm lo như người miền xuôi. Nhưng cũng nhờ nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước mà nhiều năm qua, con đường đến trường của học trò Tây Nguyên đã rộng mở hơn”.
Hiểu được cái khó, cái khổ của học trò, thầy A Yôn đã mở các lớp học tình thương, để bổ túc thêm kiến thức cơ bản về môn Toán. Những ngày nghỉ, thầy cùng các thầy cô trong trường lặn lội về tận từng bản, đến từng nhà để tìm hiểu điều kiện học tập của các em.
Qua đó có những động viên, giúp đỡ kịp thời để các em không phải bỏ học giữa chừng. Với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy A Yôn trở thành “cầu nối” để kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp các em vượt qua nghịch cảm tiếp tục bám trường, bám lớp.
Trong câu chuyện với học trò, thầy A Yôn luôn lấy mình ra để làm ví dụ về một chàng trai người Jrai đã vượt núi, băng rừng để vươn tới ước mơ.
“Trên hành trình đầy chông gai và gian khó, từ điểm xuất phát là con số không tròn trĩnh, đi lên từ miền quê nghèo khó, cái ăn chưa no và cái mặc chưa ấm... nhưng ước mơ trở thành người giáo viên đã trở thành hiện thực.
Từ lúc tiếng Việt chưa được phát âm chuẩn đến nay tôi sắp có tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng. Tôi làm được, tất cả các bạn cũng làm được”.
Thầy A Yôn cũng tiết lộ thêm rằng đang chuẩn bị bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học Huế.
Những thành tích đặc biệt của thầy Nay A Yôn trong năm học 2020 – 2021:
- Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Kỷ niệm chương của Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trung ương.
- Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
- Năm 2020, thầy A Yôn cũng là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số trên toàn quốc được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.