Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo

19/11/2021 06:33
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có ghi nhận chia sẻ của một số thầy cô khi vừa đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú 2021.

Vừa qua Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 72 giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trên cả nước.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có ghi nhận cảm xúc, chia sẻ của một số thầy cô vừa vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này.

Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư Bùi Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại tâm sự: “Một cảm xúc dâng trào, đan xen giữa vui mừng, xúc động, vinh dự, tự hào và sự lo lắng hơn về trách nhiệm của cá nhân khi chính thức được trao danh hiệu vinh dự Nhà giáo ưu tú.

Bởi việc đạt được các tiêu chuẩn để được Nhà nước công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú đã khó; nhưng để giữ gìn, phát huy các chuẩn mực của nhà giáo, giữ vững và nâng cao uy tín của một nhà giáo nói chung, nhà giáo ưu tú nói riêng là một quá trình không hề dễ dàng.

Nó đòi hỏi mỗi nhà giáo ưu tú phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu để thực sự trở thành một nhà giáo giỏi cả về chuyên môn, về năng lực sư phạm và giữ vững các chuẩn mực đạo đức nhà giáo; để nhận được sự tin yêu, tôn trọng thực sự từ đồng nghiệp và người học. Tôi tin rằng các nhà giáo nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú đều có chung những cảm xúc vui mừng, xúc động và trách nhiệm như vậy”.

Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại (ảnh: NTCC)

Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại (ảnh: NTCC)

Đó cũng là cảm xúc của Giáo sư Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) khi được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú 2021.

“Tôi rất vui và tự hào và tự nhận thấy mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với phần thưởng này”, thầy Hùng chia sẻ.

Qua thực tiễn, đánh giá về công việc của nghề giáo, thầy Bùi Hữu Đức cho rằng mỗi thế hệ nhà giáo nói chung, giảng viên nói riêng, đều có những đặc điểm chung nhất định, xuất phát từ đặc thù của nghề giáo và triết lý giáo dục, xu hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam…, như trách nhiệm của người thầy/cô với các thế hệ học trò, sự nỗ lực trong tu dưỡng, rèn luyện để đạt được các tiêu chuẩn về phẩm chất, kỹ năng và kiến thức của người thầy, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà…

Tuy nhiên, mỗi thế hệ nhà giáo cũng có những đặc điểm riêng, chủ yếu do bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khu vực và thế giới, cùng với sự thay đổi nhận thức và tư duy giữa các thế hệ nhà giáo.

Thầy Đức nêu ví dụ, “thế hệ giảng viên không còn trẻ (nhưng cũng chưa già) như chúng tôi, chịu ảnh hưởng khá nhiều của tư tưởng Nho giáo về giáo dục, luôn lấy sự chuẩn mực của người thầy mà mình thần tượng làm tiêu chí phấn đấu, được đào tạo về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với nghề một cách bài bản theo triết lý giáo dục đang từng bước có sự thay đổi…”.

Trong khi, thế hệ giảng viên trẻ hiện nay chịu ảnh hưởng khá lớn của bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo. Nhiều giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng của những triết lý và xu hướng giáo dục hiện đại, có năng lực ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) và công nghệ thông tin tốt, linh hoạt và dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn thông tin và kiến thức, phương pháp, mô hình dạy học hiện đại theo chuẩn quốc tế…

Vì vậy, việc kết hợp giữa kinh nghiệm của các giảng viên thế hệ đi trước với sự linh hoạt, nhạy bén của thế hệ giảng viên trẻ sẽ là một yếu tố quan trọng cần được phát huy trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo, nhất là ở trình độ đào tạo đại học và sau đại học.

“Điều này đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm, sự học hỏi lẫn nhau giữa các thế hệ nhà giáo (không phải chỉ thế hệ trẻ học tập thế hệ đi trước, mà thế hệ đi trước như chúng tôi cũng phải học hỏi thế hệ sau để cập nhật, bổ sung, phát triển các kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, tăng cường khả năng thích ứng và làm chủ mọi sự thay đổi)”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Thương mại nêu quan điểm.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng nhận định, giảng viên xưa và nay đều giống nhau ở lòng nhiệt huyết với công việc, với sinh viên và vui với niềm vui của sinh viên, tự hào khi thấy sinh viên trưởng thành và phát triển. Thầy cô xưa và nay đều miệt mài làm việc nhưng có khác nhau về nội dung công việc. Thầy cô ngày nay dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, yêu thích công nghệ số hơn, cũng cởi mở hơn trong giao tiếp và hội nhập quốc tế.

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) - Ảnh: NTCC

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) - Ảnh: NTCC

Quá trình đổi mới giáo dục đào tạo là một quá trình gian nan, nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành, trong đó vai trò của đội ngũ nhà giáo là đặc biệt quan trọng.

Chính vì vậy với trách nhiệm của nhà giáo, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Đức và Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thế Hùng cho rằng mỗi thầy/cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần tìm hiểu, quán triệt và thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, định hướng và giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW và các văn bản có liên quan để xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thay đổi tư duy và hành động để góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” – xác định trách nhiệm của nhà giáo trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động này một cách thực chất, nâng cao uy tín của nhà giáo đối với đồng nghiệp, người học và các bên liên quan; chủ động thay đổi bản thân để không ngừng rèn luyện phấn đấu theo các chuẩn mực chuyên môn và đạo đức nhà giáo trong sự thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới của giáo dục và đào tạo chính là những việc làm thiết thực của mỗi thầy cô giáo trong hành trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Đối với các nhà quản lý các cơ sở giáo dục đại học, tôi nghĩ rằng việc thay đổi tư duy về quản trị đại học với mô hình được lựa chọn phù hợp, dựa trên sự tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của các cấp lãnh đạo, từng bước triển khai đổi mới hoạt động của các thiết chế trong bộ máy quản trị trường đại học để tạo lập, phát huy sự đồng thuận, hợp tác và chia sẻ sẽ là chìa khóa thành công trong quá trình thực hiện tự chủ đại học trong bối cảnh mới giáo dục đại học hiện nay”, thầy Đức nhấn mạnh.

Còn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thế Hùng mong muốn mỗi thầy cô giáo cần phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, phục vụ cho phát triển dân sinh, đất nước phồn vinh.

Thùy Linh