Cày ải… tư duy

16/09/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn?

“Cày ải” trên cánh đồng là việc của nông dân.

Sau khi thu hoạch lúa – thường là vào vụ đông xuân – bà con nông dân tiến hành cày ruộng để lật các lớp đất, thao tác này gọi là “cày ải”.

Sau khi cày ải, đất được phơi nắng, phơi sương, một phần sâu bệnh sống trong đất sẽ bị diệt, đất khô tạo điều kiện cho không khí thẩm thấu có tác dụng làm đất tơi xốp.

Người xưa nói mỗi lần cày ải là một lần bón phân, nhờ thế đất trở nên màu mỡ hơn và năng suất lúa cao hơn khi không cày ải.

Có một nhóm người được gọi là “Lao động cổ cồn”, đó là những người làm việc trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, đa số những người này được xếp vào tầng lớp trí thức.

Tại Việt Nam vài chục năm gần đây, tầng lớp trí thức chia thành hai nhóm, một nhóm làm công việc chuyên môn trong các cơ sở giáo dục, học viện, viện nghiên cứu, nhóm còn lại làm việc trong cơ quan công quyền, không ít người gần như không động tới chuyên môn đã được đào tạo. 

Đa số lãnh đạo từ cấp phường xã đến trung ương tối thiểu có bằng cử nhân, một số lượng không nhỏ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Vậy tầng lớp “cổ cồn” làm lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị có cần học tập nông dân, sau mỗi nhiệm kỳ phải “cày ải” và nếu cần thì cày ải cái gì?

Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn? (Ảnh minh hoạ trên http://hoinhabaovietnam.vn)
Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn? (Ảnh minh hoạ trên http://hoinhabaovietnam.vn)

Nông dân làm việc trên cánh đồng, trong trang trại, công nhân làm việc trong nhà máy, công xưởng, lao động của họ là lao động cơ bắp trong khi “lao động cổ cồn” có thể làm việc bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào miễn là khả năng tư duy còn cho phép.

Nếu không “cày ải tư duy” liệu “cánh đồng tư duy” của quan chức có trở nên khô cằn? Những dẫn chứng sau đây góp phần làm sáng tỏ vấn đề này.

Bài viết “Một số vấn đề về đội ngũ cán bộ trí thức” của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đăng trên báo Nhân Dân điện tử đã làm sáng tỏ vai trò của trí thức nói chung và trí thức làm lãnh đạo nói riêng.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, thực trạng trí thức làm lãnh đạo hiện nay có “sự chưa ngang tầm trong sự lãnh đạo cả về năng lực, phẩm chất và trí tuệ…

Có những sự yếu kém đáng lo ngại về năng lực, trình độ, về vai trò trách nhiệm và có thể cả về tư tưởng đạo đức của một bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý, giữ những trọng trách công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho, từ trung ương tới địa phương và cấp cơ sở”. [1]

Nếu quả thật thực trạng “đội ngũ cán bộ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý, giữ những trọng trách…” đúng như bà Bình nêu thì việc phát động chiến dịch “Cày ải tư duy” với nhóm đối tượng này là thực sự cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”. [2] 

“Hiền tài như lá thu, Tài hiền như cỏ dại”
“Hiền tài như lá thu, Tài hiền như cỏ dại”

Bản thân ông Thể có học vị Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật giao thông và bằng Lý luận chính trị Cao cấp.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi còn làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ông Sử Ngọc Anh phát biểu:

“Đội ngũ làm quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh không nhiều. Vừa qua, chúng tôi làm 2 - 3 quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch rất ít. [2] 

Ông Sử Ngọc Anh là Thạc sĩ Kinh tế Phát triển, Cử nhân Chính trị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng “chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. 

Tại Thủ đô, có thời điểm lãnh đạo thành phố là kiến trúc sư, có bằng tiến sĩ kinh tế, thế mà đó lại chính là lúc người ta “băm nát quy hoạch Hà Nội”.

Nguyên nhân “băm nát quy hoạch Hà Nội” đã được nêu trong một bài báo: “Có thể khẳng định, quy hoạch đô thị bị bóp méo, băm nát là hậu quả của sự cấu kết, thông đồng giữa chủ đầu tư với những người có thẩm quyền từ địa phương đến bộ, ngành liên quan”. [3]

Lời cuối của cựu Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo
Lời cuối của cựu Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo

Báo chí nhận định như thế nhưng từ phát biểu của ba vị lãnh đạo, một vị ở trung ương, hai vị ở hai thành phố lớn nhất cả nước, chỉ có thể hiểu rằng đội ngũ trí thức làm chuyên môn phải chịu trách nhiệm trong việc làm đất nước tụt hậu về kinh tế chứ không phải những trí thức làm lãnh đạo! 

Quy hoạch đô thị bị bóp méo, băm nát có phải là hậu quả từ việc “bóp méo, băm nát tư duy” của người lãnh đạo hoặc là tư duy thiển cận, lạc hậu từ thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” được áp đặt nguyên xi vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngược với quy hoạch, có những lĩnh vực hàng chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ vẫn nằm ở điểm xuất phát.

Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Quốc hội “đổi vai” trong quá trình làm luật. 

Cụ thể Chính phủ muốn “cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết”.

Thế có nghĩa là gần như Chính phủ thực hiện “trọn gói” quá trình làm luật bởi lâu nay ngoài Chính phủ hình như chưa thấy đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan, tổ chức nào đưa ra dự thảo các dự án luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật.

Phản ứng trước đề xuất của thành viên Chính phủ, một vị lãnh đạo Quốc hội cho rằng:

“Trong 17 năm qua, nhiều ý kiến nêu chất lượng dự án luật không được cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tình trạng "cài cắm chính sách" vào dự luật, chứ ít khi nói rằng lỗi của cơ quan thẩm tra.

Còn nếu một số dự luật chất lượng chưa cao thì phải xem lại toàn bộ quy trình”. [4]

Giống lép và Mùa củi
Giống lép và Mùa củi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn chỉ rõ:

“Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ đề nghị quy trình như vậy.

Cách đây mấy năm, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã nêu đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội…

Quy trình xây dựng luật phản ánh nguyên tắc tổ chức Nhà nước, trong đó có vai trò lập pháp của Quốc hội đã được Hiến pháp quy định”.  [4]

Tại sao sau 17 năm mà tư duy làm luật vẫn không thay đổi, tại sao đã bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bác bỏ mà vẫn tiếp tục đề xuất chuyện “đổi vai”?

Phải chăng câu trả lời duy nhất chỉ có thể là “tư duy làm luật” đã bị xơ cứng?

Nếu giả thiết này là đúng thì có cần cày ải … tư duy làm luật?

Năm năm trước, báo Doisongphapluat.com cơ quan trung ương của Hội Luật gia Việt Nam đăng bài: “Quốc hội vinh dự nếu “trả nợ” nhân dân Luật Biểu tình". 

Đất nước tôi - chim ưng hay bò sát?
Đất nước tôi - chim ưng hay bò sát?

Bài báo dẫn ý kiến của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:

“Thủ tướng Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng Luật Biểu tình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tôi nghĩ đây là một dự án luật có nhu cầu rất cấp thiết, ban hành được thì sẽ rất nhiều mặt có lợi, khả năng để xây dựng luật hoàn toàn có thể thực hiện được.

Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”. [5]

Năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua “Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016”, theo đó sẽ “bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; bổ sung dự án Luật về hội và dự án Luật tiếp cận thông tin vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 để triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn…”. [6]

Thế nhưng ngày 11/09/2019, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn phải nhắc lại: “Trong báo cáo của Chính phủ chỉ rõ bây giờ chúng ta đang có 3 luật đã nằm trong kế hoạch rồi nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về hội, Luật biểu tình, Luật hiến máu.

Đề nghị các đồng chí phân tích rõ nguyên nhân và cũng xác định lộ trình để ban hành chứ không thể để kéo dài, bởi vì đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp”. [7]

Chắc không phải do khó khăn về nhân lực hay kinh phí nên Quốc hội còn nợ nhân dân? Vậy phải chăng phải tìm nguyên nhân từ phía được giao soạn thảo dự án luật?

“Tư duy làm luật phải thay đổi” nhưng thay đổi như thế nào?

Quốc hội có tám ủy ban, trong đó có Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp - mỗi ủy ban đều tương đương một bộ thuộc Chính phủ. 

Để tránh tình trạng tình trạng “cài cắm chính sách, chỉ trình nội dung có lợi cho mình, vì lợi ích cục bộ của ngành, của bộ, của lĩnh vực mình quản lý” vào dự luật như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, liệu Quốc hội - với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp theo quy định của Hiến pháp - có nhất thiết phải chờ Chính phủ trình dự án luật để thông qua?

Nếu “cánh đồng tư duy” của người/cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thực thi chức năng quản lý nhà nước không được “cày ải” thì tình trạng “chai sạn tư duy” sẽ tiếp tục và lãnh hậu quả không chỉ là người dân hay doanh nghiệp mà còn là cả hệ thống chính trị và tương lai đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/33984702-mot-so-van-de-ve-doi-ngu-can-bo-tri-thuc.html

[2]http://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thieu-giao-su-tien-si-499315.html

[3]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhung-ai-bam-nat-quy-hoach-thu-do-540812.html

[4]https://tuoitre.vn/chinh-phu-de-nghi-thay-doi-quy-trinh-lam-luat-de-chiu-trach-nhiem-den-cung-2019091315150207.htm

[5]https://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/can-thiet-co-luat-bieu-tinh-a34408.html

[6]https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quoc-hoi-thong-qua-thoi-diem-co-luat-bieu-tinh-2014053015010897.htm

[7]https://tuoitre.vn/tai-sao-chua-ban-hanh-duoc-luat-bieu-tinh-20190911144615061.htm

 https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tien-si-tran-dinh-thien-quan-chuc-so-sai-nhieu-du-an-dinh-tre-roi-nhu-canh-he-20190912140137440.htm

Xuân Dương