Chàng trai lớp 10 chuyên Tin gây bất ngờ khi đạt HSG quốc gia môn Lịch sử

04/02/2024 06:42
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nam sinh lớp 10 chuyên Tin 2 Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ bí quyết đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh lớp 10 ghi danh để thi tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi của trường ở môn mà học sinh thích. Vì thế, Phạm Quốc Phương Trí học sinh lớp 10 chuyên Tin 2 chọn thi đội tuyển môn Lịch sử và đậu vào đội tuyển này.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã được công bố kết quả. Và giải khuyến khích môn Lịch sử của Phương Trí đã gây bất ngờ cho chính bản thân em và nhiều người.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chàng trai sinh năm 2008 vẫn chưa ngớt niềm vui khi "ẵm" giải thưởng lớn đến 20 triệu đồng.

Theo Nghị quyết 02/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là 50 triệu đồng. Học sinh đoạt giải nhì được thưởng 40 triệu đồng; giải ba được thưởng 30 triệu đồng; giải khuyến khích được thưởng 20 triệu đồng.

Phương Trí chia sẻ, em có đam mê với môn Toán nhưng đến năm lớp 8 Trí bắt đầu có niềm đam mê với môn Ngữ văn, Lịch sử từ cô giáo dạy Ngữ văn. Từ đó, Trí chủ động lên youtube để xem giới thiệu về lịch sử Việt Nam.

"Em thích xem những sự kiện bí ẩn trong lịch sử như vụ án Lệ Chi viên. Những câu chuyện lịch sử này đã kích thích trí tò mò của em. Em luôn tự đặt câu hỏi vì sao danh nhân Nguyễn Trãi lại rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy... Em cũng tìm hiểu về lịch sử thế giới về các cuộc cách mạng công nghiệp, từ việc lao động chân tay, phân hóa giai cấp cho đến tự động hóa như hiện nay. Sau những sự tò mò đó, em đã hình thành đam mê với lịch sử", Trí chia sẻ.

Nam sinh cho biết, mỗi ngày em dành khoảng thời gian ra chơi giữa các tiết học để xem video về các dữ kiện lịch sử. Trong quãng thời gian dịch Covid-19 phải học online, Trí dành khoảng 1-1,5 tiếng đồng hồ để xem youtube nhưng không "nghiện". Trí luôn đặt cho mình kế hoạch học tập, làm bài tập được giao, tìm hiểu lịch sử qua các video trên mạng một cách hợp lý.

Phạm Quốc Phương Trí thường học lịch sử bằng cách hệ thống hóa kiến thức (Ảnh: NVCC)

Phạm Quốc Phương Trí thường học lịch sử bằng cách hệ thống hóa kiến thức (Ảnh: NVCC)

Phạm Quốc Phương Trí cho biết, em không đi học thêm môn Lịch sử. Bản thân em tự học và có phương pháp học riêng. Theo đó, Trí lập bảng, ghi chủ đề các sự kiện lịch sử theo số 1-2-3… Mỗi ngày, em ôn lại kiến thức và hằng tuần tổng hợp lại những gì bản thân đã học.

Với sự quyết tâm và niềm đam mê, khi vào lớp 10, Trí đã lọt vào top 9 người trong đội tuyển ôn luyện học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của Trường phổ thông Năng khiếu.

Chia sẻ về kì thi trên, Phạm Quốc Phương Trí cho hay, nội dung kì thi tập trung kiến thức lớp 11-12 chiếm khoảng 85%. Vì tham gia thi cùng các anh chị khối lớp 11, 12 nên em cũng có phần hồi hộp.

"Em lên trên mạng tìm hiểu các dạng đề thi học sinh giỏi quốc gia, để ôn luyện. Bên cạnh đó, em cũng kết bạn qua mạng xã hội với những anh chị học tại các trường như Trung học phổ thông chuyên Amsterdam, Trung học phổ thông Chu Văn An đã tham gia đội tuyển quốc gia môn Lịch sử để xin tài liệu", Trí chia sẻ.

Nam sinh cho hay, khi biết tin bản thân đạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử và được nhận giải thưởng là 20 triệu đồng, Trí cảm thấy rất hạnh phúc khi những nỗ lực của mình đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Phạm Quốc Phương Trí. (Ảnh: NVCC)

Phạm Quốc Phương Trí. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về gia đình, Trí cho hay, bố mẹ em làm kinh doanh tự do, khi biết tin con đạt giải, họ rất vui, cả nhà đã đi nhà hàng để liên hoan. Trước đó, khi biết tin con tham gia đội tuyển Lịch sử, bố mẹ cũng rất ủng hộ sự lựa chọn của em.

Về tương lai, Phạm Quốc Phương Trí chia sẻ, em có kế hoạch sẽ học nâng cao trình độ tiếng Anh để đi du học. Ngành mà em yêu thích là ngành Computational Sociology (dịch là Xã hội học tính toán) - ngành vừa học về IT, vừa học về khoa học xã hội.

Đây là môn khoa học liên ngành giữa công nghệ thông tin và nghiên cứu hành vi xã hội, lịch sử, văn hóa. Computational Sociology là một nhánh của xã hội học sử dụng siêu máy tính mạnh mẽ (HPCs) để phân tích các bộ dữ liệu lớn và không chỉ phân tích chúng mà còn sử dụng chúng như một mô phỏng dự đoán về sự thay đổi trong xã hội. Ngành học này có thể coi là sự kết hợp giữa khoa học máy tính, xã hội học và phân tích dữ liệu.

Chia sẻ thêm về Phạm Quốc Phương Trí, thầy Đặng Hoài Trung (giáo viên Trường phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay: "Khi dạy, tôi có đam mê về lịch sử nên cũng hay chia sẻ với các em. Và tôi biết là Trí cũng có niềm đam mê về lịch sử, nhất là phần về lịch sử cận đại, hiện đại... Trí có trí nhớ và tư duy phản biện rất tốt", thầy Trung chia sẻ.

Theo thầy Trung, Trí là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên trường phổ thông năng khiếu lập đội tuyển môn Lịch sử và có 4 giải, trong đó Trí là học sinh khối 10 duy nhất tham gia.

Trong học kì II năm lớp 8, Trí cũng từng tham gia một cuộc thi do đơn vị tư nhân tổ chức nhằm chia sẻ về những vấn đề xảy ra trong xã hội hiện tại. Nội dung được Trí lựa chọn là cuộc cách mạng công nghiệp và tự động hóa.

Trong buổi thuyết trình, tranh biện, Trí đã đưa ra những sự tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp tác động đến với xã hội loài người. Sau này chúng ta cần có những hệ thống quản lí robot tự động hóa...

"Em cũng đưa ra những dẫn chứng, yếu tố giúp cho các bạn trẻ hiện nay sống cùng với cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra. Ví dụ như các bạn dùng Chat GPT làm bài tập và viết kịch bản cho buổi thuyết trình, thì phải dùng làm sao cho phù hợp nhất với suy nghĩ của con người, chứ không phải do máy tính lập trình", Trí chia sẻ và cho biết em đạt top 6 trong cuộc thi trên.

Mạnh Đoàn