Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ngày 16/2 đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Được biết, xuất phát điểm để Đề án này ra đời là dựa trên thực tế tỷ lệ học sinh ở Nghệ An hình thành kỹ năng toàn cầu chưa cao, đặc biệt học sinh được học chương trình tin học, ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế còn thấp, chưa đáp ứng xu thế hội nhập và nguyện vọng của phụ huynh.
Ngoài ra, việc ban hành Đề án này là do đứng trước yêu cầu của việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Sau sự kiện này của ngành giáo dục Nghệ An, có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một mô hình mới, được ngành giáo dục Nghệ An đưa vào triển khai thí điểm nên không thể tránh khỏi những khó khăn, liệu rằng địa phương này đã xác định rõ được tinh thần và khó khăn trước mắt để có những phương án xử lý hay không?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An cho biết: “Trước hết, phải nói đến mục đích của việc ban hành Đề án này là góp phần thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các học sinh ở các vùng miền của tỉnh Nghệ An, trước mắt là những khu vực có điều kiện thuận lợi như thành phố Vinh hay các vùng khác có điều kiện để tiếp cận học tập giáo dục tiên tiến, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực.
Thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng |
Bên cạnh đó, việc ban hành Đề án này cũng là tạo điều kiện nâng cao tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Từ những mục đích đó, tỉnh Nghệ An mới có Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, trong việc thực hiện Đề án này, hiện tại chúng tôi chỉ mới thí điểm theo xu thế hội nhập thế giới, nghĩa là theo một phần nào đó của một số nước tiên tiến trên thế giới nhưng nó phải phù hợp với thực tế địa phương.
Thực tế, khi ban hành Đề án này thì chúng tôi nhận được sự đánh giá rất cao dù đang trong thời gian thí điểm. Vừa rồi, chúng tôi cũng tổ chức hội nghị triển khai với tất cả các trường sẽ thực hiện thí điểm để bàn các hình thức triển khai.
Trong đó, chúng tôi cũng lưu ý các trường về chương trình dạy học, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên..v.v. Trước mắt, Sở cũng yêu cầu các trường tự xây dựng các Đề án cụ thể, phù hợp với điều kiện của trường và của vùng miền đó”.
Nhận định về khó khăn và triển vọng của Đề án này, thầy Hoàn chia sẻ thêm: “Để đánh giá được khó khăn để triển khai Đề án ở thời điểm này có lẽ là còn quá sớm. Tuy nhiên, bước đầu triển khai thí điểm, Đề án này đã tạo được sự đồng thuận, nhận thức rất lớn trong toàn bộ nhân dân.
Chúng tôi hy vọng, chặng đường sắp tới sẽ tạo được sự đồng thuận cao hơn nữa và cũng luôn tin tưởng rằng Đề án sẽ thành công.
Hiện tại, mọi thứ vẫn đang trong thời gian thí điểm và ngành giáo dục Nghệ An cũng xác định rằng, những cái gì là mới, là đột phá thì bước đầu triển khai chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn. Sau thời gian thí điểm, nhận thấy những gì thuận lợi thì mình có thể tiếp thu để phát triển, những gì khó khăn, vướng mắc thì mình tìm cách tháo gỡ để hoàn thiện và tạo ra tiền đề thật vững chắc”.
Được biết, trước đó vào ngày 18/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 147/QĐ – UBND phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng mô hình trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Nghệ An sẽ thí điểm xây dựng 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở và 1 trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Vinh.
Đến năm 2030 sẽ đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng xây dựng thêm, để có 10% trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.
Một số chương trình giáo dục tăng cường trong trường mầm non gồm:
Chương trình làm quen với ngoại ngữ (Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, thời lượng 3 tiết/ tuần. Trong đó 2 tiết với giáo viên người Việt, 1 tiết với giáo viên người bản ngữ).
Chương trình giáo dục kỹ năng sống (giáo dục một số kỹ năng mềm phù hợp theo từng độ tuổi của trẻ như: Kỹ năng nghe, giao tiếp và hợp tác, làm việc nhóm, ứng xử, tự chăm sóc bản thân, sắp xếp, vượt qua trở ngại..v.v). Thời lượng cho chương trình này là 2 tiết/ tuần.
Bên cạnh đó, một số chương trình tăng cường theo nội dung tự chọn trong trường mầm non như cũng được đề cập như: Phát triển năng khiếu thể thao, phát triển năng khiếu âm nhạc, phát triển năng khiếu mỹ thuật, học đàn, kỹ năng MC. Thời lượng các tiết học này tính trung bình là khoảng 60 tiết/ năm học.
Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng là trường cấp 3 ở thành phố Vinh, Nghệ An được chọn để thực hiện thí điểm đề án. Ảnh: facebook nhà trường |
Một số chương trình giáo dục tăng cường trong trường phổ thông gồm:
Tăng cường phát triển năng lực, năng khiếu môn học văn hóa với thời lượng 210 đến 280 tiết/ năm học, tăng cường Tin học, thời lượng 60 tiết/ năm học, tăng cường Ngoại ngữ với thời lượng từ 120 đến 150 tiết/ năm học, giáo dục kỹ năng mềm, thời lượng từ 30 đến 60 tiết/ năm học.
Ngoài ra, với các nội dung tự chọn trong các trường phổ thông còn có: Tăng cường phát triển năng khiếu thể thao, phát triển năng khiếu nghệ thuật với thời lượng 60 tiết/ năm học.
Kinh phí thực hiện được huy động một phần từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ; nguồn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm theo phân cấp nhà nước, theo quy định; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, dự án, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, còn có nguồn ngân sách từ địa phương; nguồn thu của các cơ sở giáo dục; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác.
Bên cạnh đó là nguồn thu từ việc thực hiện chương trình trong các nhà trường. Cụ thể là, mức học phí đối với chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và mức học phí đối với chương trình giáo dục tăng cường.