ChatGPT viết tốt bài luận, có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học?

27/03/2023 06:42
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ChatGPT có thể viết được một bài luận khá tốt theo yêu cầu, nên chăng ngành giáo dục cần cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022 và nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc "nó" có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau.

Bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại, nhiều người đang lo ngại về việc AI này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền giáo dục. Và sự thật, từ thực tiễn giảng dạy bậc trung học phổ thông của người viết cho thấy, ChatGPT có thể viết được một bài luận khá tốt theo yêu cầu.

Ảnh minh họa trên kinhtedothi.vnẢnh minh họa trên kinhtedothi.vn

ChatGPT viết được bài luận khá tốt

Vừa qua, sau khi khi dạy xong bài "Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình" (Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, tập 2), tôi ra đề kiểm tra giữa học kì II cho một trường trung học phổ thông tư thục có nội dung như sau:

"Viết bài luận (khoảng 500 chữ) thuyết phục người thân (bố mẹ, anh chị, bạn bè) điều chỉnh quan niệm sống: Có tiền là sẽ có tất cả."

Trong quá trình làm đáp án cho đề kiểm tra này, tôi "nhờ" ChatGPT viết một bài luận "có tiền là sẽ có tất cả" để tham khảo thêm một số ý kiến.

Và đây là nội dung bài luận của ChatGPT:

Tiền là một chủ đề rất phổ biến và đã được tranh luận trong nhiều năm qua. Có những người cho rằng tiền là tất cả, còn những người khác lại không đồng ý với quan điểm đó. Trong bài luận này, tôi sẽ phân tích và trình bày quan điểm của mình về chủ đề này.

Đầu tiên, không thể phủ nhận rằng tiền có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tiền giúp chúng ta mua đồ ăn, mặc quần áo, có một mái ấm, du lịch, trang trải cuộc sống hàng ngày và đảm bảo sức khỏe.

Đặc biệt, trong một xã hội phát triển, tiền càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được các mục tiêu trong cuộc sống, bao gồm cả giáo dục, sự nghiệp và tình yêu.

Tuy nhiên, có một sự thật là tiền không phải là tất cả. Nó không thể mua được hạnh phúc, sức khỏe tâm thần, tình yêu và tình bạn thực sự.

Một phần nội dung bài luận của ChatGPT. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Một phần nội dung bài luận của ChatGPT. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Bất cứ ai cũng có thể có tiền nhưng không thể mua được sự thấu hiểu và sự cảm thông của người khác. Tiền không thể giúp chúng ta đánh bại cảm giác cô đơn hay cảm giác bất an trong cuộc sống.

Thậm chí, tiền còn có thể mang đến những áp lực và trở ngại cho chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy áp lực và khó khăn trong cuộc sống.

Vì vậy, tôi tin rằng tiền không phải là tất cả. Tiền là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống, nhưng nó không thể thay thế được những giá trị không thể đo lường được của cuộc sống như tình yêu, tình bạn và sự hài lòng.

Chúng ta cần nhìn nhận tiền bạc một cách đúng đắn và biết cân bằng giữa nhu cầu của chúng ta với giá trị đích thực của tiền bạc. Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể tận hưởng được cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học?

Với bài luận của ChatGPT như đã dẫn, giáo viên dễ dàng phát hiện ra lỗi diễn đạt trong câu: "Tiền giúp chúng ta mua đồ ăn, mặc quần áo... và đảm bảo sức khỏe". Bởi, "tiền" thì không thể "mặc quần áo" và "đảm bảo sức khỏe".

Hay giáo viên có trình độ ngoại ngữ khá, giỏi thì có thể sẽ phát hiện ra cách diễn đạt trong câu: "Chúng ta cần nhìn nhận tiền bạc một cách đúng đắn và biết cân bằng giữa nhu cầu của chúng ta với giá trị đích thực của tiền bạc" mang dáng dấp của ngữ pháp tiếng Anh, Mỹ.

Nếu giáo viên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, các em khá giỏi chỉ cần sửa lại một vài chỗ là sẽ có một bài văn hoàn hảo, thầy cô rất khó phát hiện do ChatGPT làm thay. Học sinh trung bình, yếu nếu sao chép bài luận này, ít nhất các em cũng được thầy cô chấm ở mức trên 7.0 điểm.

Đáng nói, khi nghi ngờ học sinh sao chép bài của ChatGPT, giáo viên kiểm tra trên mạng Internet hay các phần mềm chống đạo văn thì cũng không thể tìm ra dấu vết, vì cứ sau mỗi lần nhập câu lệnh yêu cầu trả lời thì ChatGPT lại cho ra nội dung các bài luận khác nhau.

Hay nói cách khác, nội dung bài luận không được lưu trữ ở bất cứ phần mềm nào trên mạng Internet nên giáo viên không có cơ sở để kiểm tra đạo văn. Thầy cô chỉ còn nhờ vào sự trung thực của học sinh trong quá trình làm bài mà thôi.

Theo tìm hiểu của tôi, trung bình một lớp học bậc trung học phổ thông nơi tôi thỉnh giảng (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có vài ba em học sinh sử dụng phần mềm ChatGPT nhằm hỗ trợ cho việc học và tra cứu thông tin. Một vài học sinh cho biết, các em sử dụng ChatGPT vì tò mò và giải trí (hỏi những câu hỏi vui).

Liên quan đến việc học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được dùng điện thoại trên lớp, ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, Điều 37 quy định rõ các hành vi học sinh không được làm như sau (trích): "Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép (trước đây, bị cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học).

Như vậy, theo quy định này thì học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT theo hướng cấm học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để tránh gian lận trong học tập.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài