“Chạy điểm”, “chạy danh hiệu” ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng văn hóa học đường

23/08/2022 09:26
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Đào Duy Quát cho rằng, “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” là những “điểm nóng” của ngành giáo dục.

Tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” được tổ chức vào chiều ngày 22/8, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chia sẻ, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa: “Học để làm người” của giáo dục.

Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bên cạnh những thành quả, những mặt tích cực trong công tác xây dựng văn hóa học đường, ông Đào Duy Quát cho rằng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường.

Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất; văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc” của học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực trạng yếu kém trên đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương nhấn mạnh, xây dựng, phát triển văn hóa học đường Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là trách nhiệm trực tiếp của ngành giáo dục đào tạo mà còn là trách nhiệm của Nhà nước – Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp; mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội.

Cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến

Trao đổi về vấn đề văn hóa học đường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng cho hay, văn hoá học đường vẫn có biểu hiện xuống cấp, đang là mối lo ngại, trở thành vấn đề “nóng” của xã hội. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh ứng xử thiếu văn hoá như nói tục, chửi bậy, thô lỗ, cục cằn; kết bè, kết phái, gây gổ, đánh nhau...

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà ở cả học sinh nữ; gây hậu quả đáng tiếc và tác động xấu đến môi trường giáo dục.

Một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, thiếu trách nhiệm với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình nên chây lười trong học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, các trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội.

Một bộ phận học sinh chưa đủ kiến thức, lười biếng tìm hiểu, cập nhật, nắm bắt kịp thời các thông tin chính thống, không ngần ngại đưa ra các phát ngôn có tính kích động trên mạng xã hội để tăng độ “nóng” cho các thông tin, sự kiện đang được dư luận quan tâm.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet, nhất là các kênh Youtube, Tiktok…; cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh 2 trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường là xây dựng môi trường trường học lành mạnh và con người chuẩn mực (bao gồm nhà quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động trong cơ sở giáo dục).

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, phải có yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.

Học sinh phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, trong các hoạt động của nhà trường, để hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách, bắt đầu từ những việc nhỏ, hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc,…

Xây dựng, phát triển văn hóa học đường phải song song với việc chống và kiên quyết chống lại các biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tổng kết Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tổng kết Hội nghị. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, cốt lõi của văn hóa không gì khác là hệ giá trị, cơ chế vận hành văn hóa không gì khác là thái độ và các hành vi ứng xử.

Tạo dựng văn hóa học đường nhằm tạo dựng hệ giá trị và rèn luyện, uốn nắn, bồi dưỡng cho những thái độ, hành vi và ứng xử.

Đối với giáo dục, văn hóa học đường còn rộng lớn hơn, bao gồm hai phương diện: giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục.

Muốn giáo dục văn hóa tốt thì văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên cơ sở bao quát và rộng lớn, điều này không chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được, ngành giáo dục là một phần của xã hội.

Bộ trưởng kỳ vọng Hội thảo sẽ là dấu mốc quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan, ban, ngành để cùng thực hiện mục tiêu to lớn của xây dựng, phát triển văn hóa học đường.

Phạm Minh