Thời gian gần đây, trên giaoduc.net.vn đã có nhiều bài viết phản ánh về chế độ làm việc, nghỉ ngơi, lương…của nhân viên trường học và đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng nhân viên trường học vất vả, có người nói nhàn, có người nói lương nhân viên trường học quá thấp…
Mỗi người một ý kiến khác nhau và có lẽ để tranh luận vấn đề này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết thúc.
Song, có một điều mà mọi người không thể phủ nhận được là tiền lương, phụ cấp của các nhân viên trường học công lập hiện nay cũng đang được chi trả theo hệ số giống như nhiều nhân viên hành chính khác ở các cơ quan nhà nước.
Nhân viên trường học đang hưởng lương theo hệ số giống như mọi ngành nghề khác (Ảnh minh họa, nguồn: Giaoducthoidai.vn) |
Thực tế cho thấy chỉ có lực lượng vũ trang là có bảng lương riêng còn đa số các ngành nghề hiện nay được trả lương bằng ngân sách nhà nước thì cách tính lương và người hưởng lương cơ bản giống nhau. Chỉ khác là có một số ngành, nghề đặc thù có thêm phụ cấp mà thôi.
Mức lương cơ sở hiện nay của tất cả các cán bộ, công chức, viên chức đang là 1.490.000 đồng, tiến tới ngày 1/7/2020 là 1.600.000 đồng và lương đang được trả theo hệ số.
Người mới được tuyển dụng vào nghề có bằng trung cấp có hệ số là 1,86, cao đẳng là 2,10 và đại học là 2,34. Nếu không bị kỷ luật thì sau 3 năm sẽ tăng lên 1 bậc lương.
Như vậy, chúng ta không thể nói là lương ngành này thấp hơn, ngành kia cao được được. Chuyện thấp hay cao là do bằng cấp và thâm niên công tác của mỗi người.
Hơn nữa, đối với trường học là đơn vị sự nghiệp, gần như kinh phí hoạt động được nhà nước chi trả, nguồn thu từ các dịch vụ gần như không có nên nhân viên trường học đều chỉ hưởng mức lương cơ sở nhân với hệ số, ít có thêm thu nhập ngoài lương.
Tuy nhiên, trong trường học phổ thông hiện nay cũng đang thực hiện một số loại phụ cấp đối với nhân viên nhà trường, đó là:
Nhân viên thư viện: phụ cấp chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức làm việc trong thư viện, quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ và Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
Nhân viên thiết bị: Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho viên những người làm việc trong các phòng thí nghiệm ở các trường và các cơ sở giáo dục khác quy định tại Công văn số 9552/TCCB ngày 26/9/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Nhân viên y tế học đường: Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại trường học quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.
Nhân viên kế toán: theo Thông tư liên tịch số 163/2013/TTLT-BTC-BNV ngày 15/11/2013 thì có chế độ tiền lương hàng tháng gồm: Hệ số lương theo ngạch bậc + phụ cấp khu vực + phụ cấp kế toán.
Như vậy, nếu nhân viên trường học có trình độ đại học, có 10 năm công tác thì đang nhận lương bậc 4 với hệ số 3,34 thì chúng ta có công thức tính như sau: 1.490.000 x 3,34= 4.976.600 (chưa kể một số vị trí có phụ cấp).
Ngoài ra, hiện nay các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đang thực hiện khoán kinh phí hàng năm nên họ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu.
Vì thế, hàng năm nhà trường được chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên là 25% với cách tính: (hệ số lương+phụ cấp chức vụ+phụ cấp thâm niên vượt khung) x mức lương tối thiểu x 25% x số tháng). Và, tiền thu nhập tăng thêm này được nhà trường chi theo quý cho nhân viên.
|
Tuy nhiên, khoản chi này còn phụ thuộc vào hướng dẫn của Sở Tài chính của từng địa phương và cách chi của hiệu trưởng và kế toán nhà trường khi tiết kiệm được kinh phí…
Như vậy, ngoài lương hưởng theo hệ số giống như các ngành nghề khác thì các nhân viên nhà trường có thêm một số phụ cấp như phần trên chúng tôi đã viện dẫn các văn bản hướng dẫn.
Nếu nhân viên trường học không được chi các loại phụ cấp này thì có thể hỏi kế toán và hiệu trường nhà trường để được giải đáp và hưởng theo chế độ hiện hành.
Việc nhân viên nhà trường có lương quá thấp như một số phản hồi của bạn đọc có thể là do họ ký hợp đồng làm việc thời vụ với nhà trường hoặc trình độ đào tạo là trung cấp và mới vào nghề.
Còn những nhân viên được cơ quan chức năng tuyển dụng, sau thời gian thử việc thì nhân viên nhà trường được bổ nhiệm ngạch, hưởng lương theo hệ số và tăng bậc lương như mọi công chức, viên chức ở các ngành nghề khác.
Thực tế cho thấy, ngành nghề nào cũng có những vất vả riêng và nhìn chung lương của công chức, viên chức nhà nước hiện vẫn đang là bài toán nan giải.
Vì thế, trong lúc ngân sách nhà nước còn khó khăn thì đời sống của phần lớn công chức, viên chức cũng khó khăn theo. Hy vọng, sang năm 2021, khi mà trả lương theo vị trí việc làm thì chế độ tiền lương sẽ được cải thiện và cuộc sống của nhân viên trường học cũng như mọi ngành nghề khác đỡ vất vả hơn.