Chỉ tiền phô tô phiếu bình chọn sách giáo khoa đã quá lãng phí

26/03/2021 06:48
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cứ tính, một trường khoảng 30 giáo viên, số tờ giấy phát ra đã gần 600 tờ. Mỗi tờ phô tô 5 trăm đồng thì số tiền phải bỏ ra khoảng 300 ngàn đồng/trường học.

Trách nhiệm của Ủy ban tỉnh, sao lại buộc giáo viên phải bình chọn sách?

Năm học 2020-2021, trách nhiệm chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 là do các nhà trường nên nhiều thầy cô giáo bảo nhau chọn kỹ vào để đỡ tội cho học sinh và cho cả mình nữa.

Một giáo viên được phát 17 tờ giấy thế này để bình chọn sách giáo khoa (Ảnh Đỗ Quyên)

Một giáo viên được phát 17 tờ giấy thế này để bình chọn sách giáo khoa (Ảnh Đỗ Quyên)

Năm học này, trách nhiệm chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 2 và lớp 6 là do các ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) đứng ra chủ trì. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn buộc giáo viên đọc, góp ý, bỏ phiếu lựa chọn bộ sách giáo khoa trong khoảng thời gian vô cùng eo hẹp.

Điều đáng nói rằng, giáo viên hiện đang giảng dạy 2 buổi/ngày, đang theo học các modun chương trình mới và thời điểm hiện tại học sinh khối 4 và 5 (tiểu học) và bậc trung học cơ sở đang bước vào giai đoạn ôn thi giữa học kỳ.

Thế nên, giáo viên vừa lo giảng dạy, lo soạn đề, lo ôn tập cho các em nhưng vẫn phải đọc và góp ý 3 bộ sách giáo khoa với hơn 20 cuốn sách.

Giáo viên chủ yếu bình chọn sách qua giấy tờ (Ảnh Đỗ Quyên)

Giáo viên chủ yếu bình chọn sách qua giấy tờ (Ảnh Đỗ Quyên)

Do quyết định chọn sách không thuộc về nhà trường nên nhiều thầy cô giáo nghĩ rằng, mình bình chọn thì có nghĩa gì không nếu bên trên tự quyết? Vậy thì buộc giáo viên góp ý, bình chọn để làm gì?

Với suy nghĩ như thế, không ít thầy cô cho rằng chỉ cần làm cho có, cho đúng thủ tục nên nhiều góp ý được lấy trên mạng hoặc tự nhận xét theo kiểu “vô thưởng vô phạt” cho xong.

Có giáo viên còn kể lại cảnh bình chọn sách ở trường mình thế này: "Trường tôi chỉ cần 60 phút là chọn xong, cả hội đồng gồm Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn và Ban đại diện phụ huynh cùng ký tên đầy đủ vào biên bản chọn được bộ sách được cấp trên chỉ định.

Hài hước nhất là vị trưởng và phó Ban đại diện đến dự họp không biết lý do họp là gì chứ đừng nói đến nhìn thấy và đọc được nội dung của sách giáo khoa, nhưng 2 vị này cũng vui vẻ ký ngay.

Kiểu tổ chức bình chọn như thế, cái được thì chưa thấy nhưng sự lãng phí về tiền bạc, công sức là không hề nhỏ."

Chỉ tiền giấy in, phô tô biểu mẫu đã tốn khá nhiều

Mỗi giáo viên dạy tiểu học được phát 17 tờ giấy, giáo viên các môn chuyên khoảng 9 tờ in kín 2 mặt để nhận xét và bình chọn bộ sách mình ưng ý.

Cứ tính, một trường khoảng 30 giáo viên, số tờ giấy phát ra đã gần 600 tờ. Mỗi tờ phô tô 5 trăm đồng thì số tiền phải bỏ ra khoảng 300 ngàn đồng/trường học.

Đó là chưa nói đến biểu mẫu của các tổ trưởng sau khi tổng hợp ý kiến phải in ra để nộp. Không chỉ in một tập mà cùng lúc phải in nhiều tập. Bộ lưu ở tổ, bộ lưu ở trường, bộ gửi lên trên. Một tập phiếu in ra cũng phải đến dăm bảy tờ giấy.

Nếu tính một tỉnh, số tiền phô tô phiếu đánh giá, tiền in bảng tổng hợp ước tính phải vài chục triệu đồng. Nếu các tỉnh thành trong cả nước đều làm như vậy thì số tiền bỏ ra cho việc góp ý bình chọn sách giáo khoa “hờ’ sẽ nhiều đến mức nào?

Mất thời gian họp lên họp xuống

Ngoài sự lãng phí về tiền bạc thì sự lãng phí về thời gian cũng là điều đáng nói. Giáo viên phải bỏ công đọc sách, tìm ưu điểm để khen, tìm lỗi để góp ý. Tổ chuyên môn sẽ họp để tổng hợp ý kiến của các thành viên trong tổ. Nhà trường sẽ họp chuyên môn trường để lấy ý kiến cuối cùng.

Tại cuộc họp nhà trường, giáo viên tiếp tục được phát phiếu để bình chọn lại. Nhà trường tổng hợp ý kiến, phiếu bình chọn và in biên bản nhiều bộ để gửi lên cấp trên. Những công việc này, đã chiếm rất nhiều thời gian, công sức của cả trường.

Cách tổ chức bình chọn sách giáo khoa ở địa phương hiện đang có vấn đề?

Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thì việc ngành giáo dục yêu cầu giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông (trường học) chọn sách giáo khoa là đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cách tổ chức nhận xét, bình chọn sách giáo khoa hiện nay như nhiều địa phương đang làm quả thật là có vấn đề.

Thứ nhất, một giáo viên không thể chỉ có vài ba ngày (vẫn đang đi dạy) ngắn ngủi mà đọc hết vài chục cuốn sách để nhận xét, góp ý.

Thứ hai, không phải giáo viên nào cũng có trách nhiệm, có khả năng nhận xét, thẩm định sách để đưa ra ý kiến xác đáng.

Vì những lẽ đó, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp để giúp cho việc nhận xét, bình chọn sách giáo khoa vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc, vừa mang lại hiệu quả cao.

Thứ nhất, mỗi địa phương chỉ nên thành lập một hội đồng bình chọn sách cấp Phòng. Những người trong hội đồng bình chọn là cốt cán bộ môn, những Tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng hoặc hiệu phó vững tay nghề…

Thứ hai, có thời gian cụ thể để các thành viên nghiên cứu sách (nghiên cứu đúng nghĩa). Ví như việc những giáo viên này sẽ được nghỉ đến trường 1 tuần như là đi công tác để đọc và tìm hiểu sách.

Thứ ba, có chế độ, thù lao rõ ràng cho người trực tiếp tham gia nghiên cứu và bình chọn cũng như cho người dạy thay dạy thế.

Thứ tư, gắn trách nhiệm vào từng cá nhân để mọi người làm việc một cách nghiêm túc mang tính trách nhiệm cao.

Được thế, tất cả giáo viên sẽ không bị “hành” như hiện nay và việc góp ý, chọn sách ở địa phương mới thật sự có chất lượng, giúp cho Hội đồng chọn sách giáo khoa của tỉnh lựa chọn được bộ sách tốt nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên