Chia sẻ nỗi buồn với những bệnh nhi đón Tết trong bệnh viện

27/01/2012 12:15
Kim Ngân
(GDVN) - Không cần bánh chưng, không cần quần áo mới mẹ mua, không cần bánh kẹo, lì xì… những bệnh nhi ấy chỉ ao ước được khỏi bệnh trở về nhà đi học.

Đó là những đứa trẻ không may mắn mắc căn bệnh ung thư. Đáng lẽ ra, trong những ngày Tết này, chúng được về nhà để mặc bộ quần áo mới cùng bố mẹ đi chơi, được nhận lì xì, được vui chơi bình thường…Nhưng chúng phải giành giật sự sống từng ngày, đón một cái tết không trọn vẹn chỉ trong 4 bức tường tại bệnh viện Nhi Trung ương.

Không cần bánh chưng, không cần quần áo mới mẹ mua, không cần bánh kẹo, lì xì… những bệnh nhi ấy chỉ ao ước được khỏi bệnh trở về nhà đi học.

Một cái Tết đặc biệt

Tôi còn nhớ trong những ngày giáp Tết, tôi đã thấy các phòng náo loạn, tấp nập hơn ngày thường vì bố mẹ cùng các bé đang chuẩn bị đồ đạc về quê đón Tết. Thấy bé Huyền Trang (7 tuổi) nhảy chân sáo ngoài hành lang khoa Ung Bướu, chưa kịp hỏi, Trang náo nức khoe với tôi rằng sáng nay bác sỹ thông báo cho em về ăn tết ở quê, mùng 8 mới lên.

Bé Huyền Trang (7 tuổi) hí hửng, náo nức khi được bác sỹ cho về quê ăn Tết thay vì phải ở lại viện
Bé Huyền Trang (7 tuổi) hí hửng, náo nức khi được bác sỹ cho về quê ăn Tết thay vì phải ở lại viện

Thoáng liếc qua giường bên cạnh của bé Thanh Nam (7 tuổi), thấy chị Hồng khẽ cúi xuống im lặng. Chị quay lên nhìn con, mặt rầu rĩ, xót xa nói: “Người ta thì được về sắm tết, mình thì cùng con đón tết trên viện. Sáng nay thấy có tên của cháu trong danh sách khu điều trị tích cực rồi cô ạ. Mấy hôm nay, Nam sốt và tăng tiểu cầu nên 100% phải ăn tết trên này”.

Khác hẳn với không khí ồn ào như mọi hôm, hành lang bệnh viện trở nên vắng vẻ, u ám và thấy mẹ nào mẹ nấy đều lặng lẽ, buồn rầu khi cùng con đón một cái tết đặc biệt trên giường bệnh.

Mẹ con bé Thanh Nam ngậm ngùi, buồn và tủi thân vì lần đầu tiên phải ăn Tết trong bệnh viện. Chị Hồng (mẹ của Nam) xót xa, lo lắng vì con vẫn sốt, không được về quê sum vầy cùng gia đình
Mẹ con bé Thanh Nam ngậm ngùi, buồn và tủi thân vì lần đầu tiên phải ăn Tết trong bệnh viện. Chị Hồng (mẹ của Nam) xót xa, lo lắng vì con vẫn sốt, không được về quê sum vầy cùng gia đình

Nói về cái Tết đầu tiên trong bệnh viện, chị Hồng bộc bạch: “Tủi thân cô ạ! Mấy hôm nay tiểu cầu của cháu tụt nên hai mẹ con chẳng đi đâu được. Bệnh tình con thế nên chẳng còn lòng dạ nào mà mua quần áo mới cho con. Năm ngoái 29 tết còn được về vài hôm, cháu đỡ buồn hơn”.

Mẹ của Nam xót xa kể rằng chỉ có lúc ngắm bắn pháo hoa ở phòng ăn trong đêm giao thừa là Nam vui nhất, vui vẻ gọi mẹ: “Mẹ ơi, ra mà xem pháo hoa đẹp lắm!”, còn mấy ngày hôm nay cháu mệt, buồn và không ăn được gì nhiều.

“Nam chỉ ăn được cháo xay, nhưng mấy ngày Tết, quán ăn ở cổng viện đóng cửa không bán, nên dỗ cháu cố ăn được vài thìa cơm căng tin bệnh viện”, chị Hồng nói thêm.

Còn bé Hải Minh (5 tuổi) đã nằm ở khoa Thận hơn 1 năm nay vì mắc bệnh hội chứng thận hư cũng phải nằm viện trong mấy ngày tết này. May mắn hơn Nam, Hải Minh được các bác trong quê ra động viên và còn mang nhiều bánh chưng, kẹo cho hai mẹ con và mồng 2 Tết bố cũng ra đón tết cùng.

Bé Hải Minh buồn vì trên này không có cái gì chơi. Mồng 2 Tết bố Hải Minh ra ăn tết cùng hai mẹ con trên viện.
Bé Hải Minh buồn vì trên này không có cái gì chơi. Mồng 2 Tết bố Hải Minh ra ăn tết cùng hai mẹ con trên viện.

Nhưng, 3 ngày nay, bệnh tình của em không đỡ: “Chẳng mua gì cho cháu vì em cháu ở nhà cũng ốm, nên không nghĩ được gì nữa.  Ngày nào Hải Minh cũng tiêm 4 mũi kháng sinh và chống đông máu, nhưng mấy hôm nay cháu vẫn bị phù”, mẹ của Hải Minh thở dài lo lắng chia sẻ.

Chị Định (mẹ của bé Hải Minh) kể rằng Hải Minh dặn đi dặn lại mẹ rằng: “Gọi con dậy để xem bắn pháo hoa”. “Mồng 1 xuống chẳng gặp ai cả, ra ngoài đường không có người. Các mẹ ở đây đến bữa cơm thì ăn, đến giờ lên giường đi ngủ, chứ chẳng còn nghĩ Tết hay gì hết”, chị tâm sự.

Rời bệnh viện, tôi đến ngõ nhỏ đầu cổng viện, hỏi thăm nhà bà Sinh – nơi ngoại trú của những ông bố bà mẹ theo con chữa bệnh ung thư máu. Đã có 2 cái Tết xa quê hương, cùng mẹ chờ đợi những ngày tháng Tết trên đất Hà Nội này. Khác năm ngoái là Tiến Anh (11 tuổi) được ở ngoại trú nhà bà Sinh ngoài cổng viện.  Hỏi về Tết, Tiến Anh không tỏ ra buồn rầu bởi căn bệnh ung thư máu không cho phép cậu trở về Lâm Đồng xa xôi đón Tết cùng ông bà.

-         Năm nay con ăn Tết thế nào?

-         Bình thường cô ạ!

-         Con có quần áo mới không?

-         Không cô ạ! Vì mẹ cháu không có tiền.

-         Con được nhiều lì xì không?

-         Được ít cô ạ (cười tươi). Con chỉ được bà Sinh (chủ nhà trọ) lì xì thôi ạ!

Thương mẹ, Tiến Anh chẳng đòi hỏi bất cứ gì trong mấy ngày Tết cả, thậm chí một cái áo mới hay món thịt bò mà Tiến Anh thích nhất. Tiến Anh khoe với tôi rằng lần đầu tiên được thấy chùm pháo hoa đẹp và to như thế chứ không nhỏ như trên ti vi mà em vẫn xem.

Nghe giọng dễ thương, ngây thơ ấy, tôi không nghĩ em là người nghĩ nhiều và trưởng thành hơn bình thường. Tiến Anh khoe rằng như năm ngoái, nhiều thực phẩm sẽ tăng gấp đôi trong những ngày Tết hai mẹ con cùng đi chợ trước tết để mua thức ăn dự trữ trong mấy ngày tết tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tiến Anh kể rằng mồng 2 thấy họ bán phở, bún ở cổng viện nhưng đắt hơn 10 nghìn đồng so với ngày thường.

Mong ước lớn nhất trong năm mới là con được khỏi bệnh

Những người mẹ, những đứa trẻ này không cầu năm mới có nhiều tiền, hạnh phúc, vui vẻ hay thành đạt…Mà điều duy nhất họ mong ước đó là được khỏi bệnh trở về quê hương.

Tiến Anh nói sẽ để dành tiền lì xì để dành cho mẹ chữa bệnh cho mình. “Con mới đánh thuốc được hơn 1 năm, bác sỹ bảo con mất 3 năm rưỡi nữa cơ cô ạ. Mà mẹ con không có nhà và không có tiền”, Tiến Anh lí giải.

Nghe con nói, mẹ của Tiến Anh nghẹn ngào, đau đớn bộc bạch: “Chỉ mong cho cháu khỏi bệnh, chẳng mong gì hơn cô ạ!”. Tiến Anh luôn ước rằng mình được về Lâm Đồng, được gặp lại “những thằng bạn thân”, được đi học như trước.

Tiến Anh vừa truyền, vừa mong ước rằng mình sẽ khỏi bệnh để trở về gặp bạn và được đi học như trước. Tiến Anh khoe rằng sẽ để dành tiền lì xì để chữa bệnh.
Tiến Anh vừa truyền, vừa mong ước rằng mình sẽ khỏi bệnh để trở về gặp bạn và được đi học như trước. Tiến Anh khoe rằng sẽ để dành tiền lì xì để chữa bệnh.

Nhắc đến ước muốn trong năm mới, mẹ của Thanh Nam lặng đi một lúc, rồi nói: “Năm mới, chị chỉ mong cháu khỏe mạnh hơn để đánh thuốc dứt điểm chứ không lai dai như đợt trước nữa. Cháu khỏi bệnh, trở về nhà càng sớm càng tốt. Đó là niềm mong ước duy nhất của chị, chứ chẳng mong gì nữa”.

Còn mẹ của bé Hải Minh thì kể rằng lúc giao thừa các mẹ trong phòng đều nhìn lên đốm sáng pháo hoa và chúc nhau rằng: “ Cầu mong các cháu khỏi bệnh, bạn nào nhẹ thì ra tết được về, bạn nào nặng thì nhẹ nhàng nhanh khỏi để về đi học với bạn bè…”.

Trước khi chào tạm biệt, Tiến Anh và Nam đều hỏi tôi rằng: “Lúc nào lớp học Hy vọng bắt đầu học để bọn cháu xuống học, vì ở trên phòng buồn lắm cô ạ!”.

Không mong ước điều gì ngoài sức khỏe, sự sống của con được ngày nào hay ngày ấy, những người mẹ ấy ngày ngày vẫn nuốt nước mắt vào trong hy vọng một ngày nào đó những đứa con của họ khỏe mạnh, được cắp sách đến trường.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt

Kim Ngân