Chiến đấu cơ Su-27 Trung Quốc, hình minh họa. |
Tờ Washington Free Beacon ngày 21/8 đưa tin, một chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát đe dọa máy bay chống ngầm P-8 của hải quân Mỹ trong tuần này trên không phận biển Hoa Đông.
Chiếc P-8 được cho là đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do thám bờ biển Trung Quốc ở Hoa Đông hôm Thứ Hai thì xảy ra vụ đối mặt với chiến đấu cơ Su-27 Trung Quốc.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeffrey không có bình luận nào ngay lập tức về vụ việc này, nhưng cho biết ông sẽ cung cấp thông tin về sự kiện vào ngày Thứ Sáu.
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, chiếc Su-27 Trung Quốc đã áp sát chiếc P-8 của hải quân Mỹ ở khoảng cách hết sức nguy hiểm, chỉ khoảng 15 mét và sau đó thực hiện một cú nhào lộn ngay trên đầu chiếc máy bay Mỹ, động thái được xem như đe dọa đối phương.
Đây là cuộc chạm trán thứ 2 của máy bay do thám Mỹ trong năm nay. Trong tháng 4, một chiếc Su-27 của Nga đã áp sát chiếc RC-135 không quân Mỹ trong phạm vi 30 mét trên vùng biển phía Bắc Nhật Bản.
Một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết, sự thất bại của Lầu Năm Góc để đưa ra một phản ứng cứng rắn với vụ chạm trán máy bay Nga hồi tháng 4 có thể thúc đẩy Trung Quốc tiến hành hành vi đe dọa máy bay Mỹ hôm Thứ Hai.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ phản đối tất cả các chuyến bay do thám điện tử của Mỹ cũng như hoạt động giám sát bằng tàu trên vùng trời, vùng biển mà Bắc Kinh yêu sách. Trong khi đó Mỹ tin rằng hoạt động giám sát được thực hiện trên không phận, hải phận quốc tế, vì vậy không vi phạm luật pháp quốc tế hay thậm chí cả luật pháp Trung Quốc.
Chiếc P-8 bị chặn bởi Su-27 Trung Quốc là một phần của phi đội "kẻ săn mồi hải quân" đầu tiên Mỹ triển khai tới châu Á. 6 chiếc P-8 có gắn tên lửa và ngư lôi đặt dưới sự chỉ huy của hạm đội hải quân và được đặt tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Chúng hỗ trợ các hoạt động giám sát hàng hải và là một phần của chiến lược trục châu Á - Thái Bình Dương.
P-8 Hải quân Mỹ, hình minh họa. |
P-8 được triển khai vào tháng 12 năm ngoái sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Washington khẳng định họ không có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của Trung Quốc trong khu vực này trong khi Bắc Kinh đã đe dọa sử dụng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát hầu hết biển Hoa Đông.
Cuộc chạm trán giữa Su-27 Trung Quốc vơi P-8 của hải quân Mỹ cũng là một trở ngại cho Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ khi ông dẫn đầu nỗ lực của chính quyền Obama trong việc phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với quân đội Trung Quốc.
Locklear đã tìm cách giảm nhẹ mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc như một phần của những nỗ lực phát triển hợp tác chặt chẽ với giới quân sự Bắc Kinh. Rich Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, Mỹ tăng các chuyến bay giám sát Trung Quốc là một phần chiến lược đối phó với hành vi hung hăng của Bắc Kinh áp đặt quyền kiểm soát trong các vùng biển tranh chấp.
Đáp lại, Bắc Kinh sử dụng một chiến thuật hung hăng, đe dọa nhằm vào máy bay do tham Mỹ như những gì họ đã làm với các máy bay do tham Nhật Bản. Chiến đấu cơ Trung Quốc đã 2 lần rượt đuổi áp sát máy bay trinh sát P-3 của Nhật Bản vào tháng 5, tháng 6.
"Mỹ cần phải xem xét một phản ứng mạnh mẽ hơn và thể hiện rõ cho Trung Quốc thấy rằng, hành vi vô cớ xâm phạm chết người sẽ gây ra một phản ứng quân sự đồng minh", Fisher nói. Sự hung hăng của Trung Quốc không mới, nhưng nó nhắc nhở người Mỹ phải gắn kết hoạt động của máy bay chiến đấu hộ tống máy bay giám sát giữa Mỹ và Nhật Bản.
Ngoài ra Lầu Năm Góc sẽ tăng số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ triển khai tại Okinawa và yêu cầu Philippines cho phép các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú tại các căn cứ ở nước này, cũng như thúc đẩy Washington tăng viện trợ quân sự cho Manila.
Fisher cho biết, mục tiêu của Trung Quốc trong các vụ rượt đuổi, áp sát máy bay Mỹ là làm cho Washington phải sợ lặp lại "sự kiện mùng 1 tháng 4", tức vụ máy bay J-8 Trung Quốc áp sát ngăn chặn máy bay EP-3 của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Hải Nam khiến chiếc EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp. 24 thành viên phi hành đoàn bị bắt và được Trung Quốc thả 11 ngày sau đó trong khi chiếc J-8 bị rơi và viên phi công Trung Quốc thì mất tích.
Bắc Kinh hy vọng sẽ tận dụng được lợi thế của sự phân tâm của các quan chức Mỹ bởi nhiều cuộc khủng hoảng ở Iraq, Ukraine để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực hàng hải ở châu Á mà Bắc Kinh đang tìm cách chiếm ưu thế, Fisher nhận định.
Cho tới khi xảy ra vụ chạm trán vừa rồi, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động ngăn chặn máy bay do thám Mỹ một cách cẩn thận hơn trong khi quân đội Mỹ tìm cách đàm phán với Bắc Kinh về quy tắc hàng hải nhằm ngăn chặn các cuộc chạm trán tương tự, nhưng ít thành công.
Fisher cho biết, P-8 còn có một nhiệm vụ nữa là bay do thám trên Biển Đông, nơi trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp và có các hoạt động xung đột với Việt Nam và Philippines về chủ quyền, hàng hải.