Ngay sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề xuất của Putin đưa quân tới Crimea, quyền Tổng thống Ukraina Aleksander Turchinov đã lệnh cho quân đội đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu cao. Lực lượng an ninh Ukraina cũng tăng cường bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân, sân bay và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác.
Binh sĩ Ukraina |
Tổng thống Turchinov cảnh báo về một "sự xâm lược tiềm năng" trực tiếp từ Nga. Ông cũng kêu gọi người dân Ukraina "đoàn kết với chính phủ để tránh khiêu khích, cướp bóc, giữ vững niềm tin và sự hiệp nhất".
Bộ trưởng Quốc phòng mới bầu Igor Tenyukh nói rằng lực lượng vũ trang Ukraina có thể hoàn thành nhiệm vụ của họ và bày tỏ lạc quan về tình hình hiện nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk hôm 1/3 cho biết, hành động quân sự của Nga tại Ukraina sẽ là một sự "khởi đầu của chiến tranh và kết thúc mối quan hệ giữa Ukraina và Nga".
Ngoại trưởng Andriy Deshchytsya cho biết ông đã gặp các quan chức châu Âu và Mỹ và đã gửi một yêu cầu đến NATO nhằm "kiểm tra tất cả các khả năng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraina". Ông nói rằng Kiev theo đuổi giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột và mời các đại diện của các tổ chức quốc tế đến Ukraina để đảm bảo rằng không xảy ra bạo lực với dân tộc thiểu số.
Deshchytsya cho biết, hiện ông không thể liên lạc được với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
Nước phương Tây đã nhanh chóng đưa ra phản ứng trước việc Thượng viện Nga cho phép Tổng thống Putin đưa quân đội tới Crimea. Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, trong đó ông nhấn mạnh không có thay đổi trong tư thế quân sự của Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại EU Catherine Ashton kêu gọi Moscow không gửi quân đến láng giềng. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho biết đây sẽ là sự "chống lại luật pháp quốc tế rõ ràng". Tổng thống Séc Milos Zeman cho biết, tình hình hiện nay giống như cuộc khủng hoảng năm 1968 ở Tiệp Khắc./.
Nguyễn Hường